1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bí ẩn tàu ma: Nhật Bản nghiêng về giả thuyết ngư dân gặp nạn

(Dân trí) - Ý kiến trên được ông Yan Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên có trụ sở tại Seoul đưa ra.

Bí ẩn tàu ma: Nhật Bản nghiêng về giả thuyết ngư dân gặp nạn - 1

Những con tàu "ma" (Ảnh: BBC)

Bí ẩn tàu ma: Nhật Bản nghiêng về giả thuyết ngư dân gặp nạn - 2

(Ảnh: AP)

Nhật Bản đang đau đầu giải mã bí ẩn những con tàu gỗ trôi dạt ngoài khơi nước này, bên trong có hài cốt các thủy thủ và những ký tự bằng tiếng Triều Tiên. Vụ mới nhất vừa xảy ra hôm 3/12 khi thêm một con tàu như vậy được phát hiện gần đảo Sado.

Ông Hiromasa Suzuki, người phát ngôn Lực lượng tuần duyên Nhật Bản, cho biết họ tìm thấy trong con tàu một chiếc ba lô và có một huy hiệu khắc chân dung cố Chủ tịch Kim Jong -il - thân phụ của Chủ tịch Kim Jong-un của Triều Tiên hiện nay. Ngoài ra, còn có “thi thể một người đàn ông mặc quần và một chiếc áo len đen, nhưng phần đầu chỉ còn xương”.

Trước đó, AFP dẫn lời một quan chức Nhật Bản cho biết, hôm 23/11 những người thợ lặn đã tìm thấy 3 thi thể, trong đó có hai thi thể bị mất đầu. Và khi kéo được con tàu vào bờ, họ phát hiện có 6 sọ người ở bên trong.

Từ tháng 10/2015, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã phát hiện ít nhất 14 con tàu trôi dạt ngoài khơi nước này với khoảng 20 thi thể bị phân hủy bên trong. Theo thống kê, có hơn 250 vụ việc như trên trong vòng 5 năm trở lại đây và việc nhiều trường hợp tương tự xảy ra trong một thời gian ngắn như vừa qua được coi là không bình thường.

Các nhà điều tra mới chỉ thu thập được một dấu hiệu duy nhất là trên một số tàu có viết những dòng chữ Triều Tiên, nên phỏng đoán là những con tàu "ma" này có liên hệ với Triều Tiên.

Luôn tò mò về bất kỳ điều gì liên quan tới Triều Tiên, các cơ quan truyền thông Nhật Bản ngay lập tức cử nhiều nhóm phóng viên săn tin tới dọc khu vực bờ biển nơi phát hiện ra các con tàu “ma”.

Hiện có nhiều giả thuyết đưa ra để giải mã bí ẩn về những con tàu “ma" này. Một số người sử dụng internet cho rằng những người chết trên tàu có thể đã cố tìm cách trốn khỏi Triều tiên. Nhưng xem ra giả thuyết này không mấy được tin tưởng vì đa số người Triều Tiên muốn đi tị nạn đều trốn qua Trung Quốc, sau đó tìm đường sang Hàn Quốc. Rất hiếm khi có trường hợp vượt biên bằng đường biển.

Vậy nên các chuyên gia nghiêng theo giả thuyết đó là những ngư dân bị lạc đường. Thực vậy, theo nhận định của một giáo sư chuyên về Triều Tiên thuộc đại học Waseda, Tokyo thì có thể do đất nước bị coi là vẫn còn khá khép kín này thường thiếu lương thực trầm trọng, nên năm ngoái Chủ tịch Kim Jong-un đã ra lệnh tăng cường đánh bắt cá để bù đắp.

Ý kiến trên được ông Yan Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên tại Seoul đưa ra.

“Gần như toàn bộ ngư dân Triều Tiên trực thuộc vào các tổ chức của chính phủ hay quân đội. Các đơn vị này muốn họ ra khơi đánh bắt xa bờ trên những con tàu thường là cũ nát hoặc không được trang bị tốt, nên trong trường hợp xảy ra sự cố máy móc hay tình huống nào khác ngoài khơi, họ không thể kêu gọi trợ giúp... Trong những trường hợp như vậy, họ sẽ rơi vào cảnh hết xăng hoặc hết lương thực và…cầm chắc cái chết trong tay”, ông Yan Moo-jin lưu ý.

Quan hệ giữa Tokyo với Bình Nhưỡng vẫn được cho là thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, bởi vậy nhiều vấn đề tưởng chừng có thể tìm hiểu theo cách đơn giản thì lại là ẩn số và được coi là “nhạy cảm” với cả đôi bên.

Quý Cao (theo RFI)