Tiết lộ về món cá "nằm võng" lạ mắt, hút 1,2 triệu lượt xem dịp Tết Ất Tỵ

Tuệ Minh

(Dân trí) - Món cá chép "nằm võng" là điểm nhấn ấn tượng trên mâm cỗ mừng "lên lão" suốt nhiều năm qua tại làng Diệc (Hưng Hà, Thái Bình).

Món cá "nằm võng" lạ mắt

Mới đây, cư dân mạng chia sẻ đoạn video ghi lại cảnh loạt mâm cỗ có cá chép cong như hình chiếc võng, miệng ngậm hoa hồng nằm trên đĩa rất ấn tượng.

Hình ảnh chia sẻ cho thấy, các mâm cỗ được bày ngay ngắn, cẩn thận trước bàn thờ ở đình làng. Ngoài cá uốn cong, người dân còn làm đĩa thịt gà được xếp theo hình tròn, bát mọc, xôi và chè... kèm hoa quả, tiền vàng mã. 

Tiết lộ về món cá nằm võng lạ mắt, hút 1,2 triệu lượt xem dịp Tết Ất Tỵ - 1

Cá chép được đặt trên dụng cụ bằng tre hoặc sắt cong như chiếc võng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đoạn video đã nhận được hơn 1,2 triệu lượt xem cùng hàng nghìn bình luận. Nhiều cư dân mạng bày tỏ ấn tượng về mâm cỗ với con cá có hình dáng đặc biệt. Đa số ý kiến tò mò muốn biết quá trình chuẩn bị như thế nào để có được đồ cúng đẹp mắt như vậy.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Trọng Tùng (sống ở Hà Giang) cho biết, đoạn video đang thu hút sự quan tâm của cư dân mạng được quay hôm mùng 3 Tết tại làng Diệc (xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) nhân dịp anh về quê đón năm mới Ất Tỵ. 

Anh Trọng Tùng tiết lộ, các mâm cỗ xuất hiện trong video được các gia đình chuẩn bị để mừng "lên lão" cho những người đàn ông bước qua tuổi 53 sang tuổi 54 theo truyền thống của làng.

Món cá chép "nằm võng" chuẩn bị kỳ công, ấn tượng dịp Tết (Nguồn: Trọng Tùng).

"Món cá có thân hình uốn cong gọi là cá nằm võng, quá trình chuẩn bị rất kỳ công. Sau khi làm sạch, người có kinh nghiệm sẽ nhét lá chuối khô vào bụng cá và khâu lại cẩn thận.

Cá được đặt lên một dụng cụ bằng sắt hoặc bằng tre hình chiếc võng, bên dưới đặt chảo dầu nóng. Trong 6-8 tiếng, cá được làm chín bằng cách liên tục rưới dầu lên trên thân", anh Tùng cho biết.

Theo anh Tùng, để làm món cá "nằm võng", gia chủ phải lựa chọn rất kỹ càng từ khâu nguyên liệu. Cá chép được chọn, phải nặng ít nhất 2,5-3kg, có những gia đình chọn cá có trọng lượng hơn 10kg. Một số người cẩn thận đã tìm mua cá chép về thả trong ao từ nhiều tháng trước đó để kịp mừng "lên lão" dịp Tết.

Tiết lộ về món cá nằm võng lạ mắt, hút 1,2 triệu lượt xem dịp Tết Ất Tỵ - 2

Cá chép ngậm hoa hồng với thân cong ấn tượng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau khi được làm chín trong 6-8 tiếng, cá phải giữ được vẻ bên ngoài như vừa mổ xong, không bị bong vẩy hay nổ mắt. Thân cá có màu hơi vàng và cong như mái đình. Muốn có thành phẩm đẹp mắt, người làm không chỉ tỉ mỉ mà phải có kinh nghiệm lâu năm. 

"Gia đình có người lên lão sẽ tất bật chuẩn bị trước vài ngày. Sau khi đã hoàn tất món cá nằm võng, cả nhà bày biện mâm cỗ tươm tất và đưa ra đình làng lúc 3h ngày mùng 3 Tết. Khoảng 7h, các cụ cao niên trong làng đến thắp hương", anh Tùng cho biết.

Mâm cỗ được bày thành nhiều tầng. Trong đó, tầng 1 bày đĩa thịt gà xếp hình tròn, 1 đĩa nem thính, 1 đĩa xôi, 2 bát mọc, 4 bát chè đỗ, ở tầng 2 có giò nạc, giò hoa... và tầng trên cùng là cá chép thân cong, ngậm hoa hồng.

Ngoài cá "nằm võng", để làm ra được đĩa thịt gà xếp tròn trên mâm cỗ cũng lắm kỳ công. Sau khi luộc chín, gà được lọc xương, chặt thành miếng. Người có kinh nghiệm sẽ bày biện, cắt tỉa tạo thành hình tròn đẹp mắt hiếm nơi nào có.

Con cháu tiếp nối truyền thống

Tục lệ mừng "lên lão" đã có từ xa xưa ở làng Diệc, không ai nhớ bắt đầu có từ thời điểm nào. Hiện, các thế hệ con cháu vẫn tiếp nối truyền thống của cha ông. Những người đàn ông đã sinh ra ở làng Diệc, dù sinh sống ở đâu, khi qua tuổi 53 đều chuẩn bị mâm cỗ thật chu đáo.  

Theo chàng trai quê ở Thái Bình, dịp Tết Ất Tỵ, bác ruột của anh "lên lão" theo tục lệ địa phương. Tuy nhiên, ý tưởng về mâm cỗ đã được bác suy nghĩ từ cách đó vài năm. Gia đình mong muốn các món ăn, đặc biệt là cá chép "nằm võng" phải được chuẩn bị bài bản, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Tiết lộ về món cá nằm võng lạ mắt, hút 1,2 triệu lượt xem dịp Tết Ất Tỵ - 3

Thịt gà được xếp theo hình tròn độc đáo (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Do thành phẩm liên tục bị bong vẩy khi rưới dầu nóng, nên bác phải thay 3 con cá chép mới có được món cá "nằm võng" hoàn hảo. Quá trình làm món này từ sáng mùng 2 đến 2h ngày mùng 3 Tết mới xong, may mắn vẫn kịp thời gian để đội lễ ra đình làng", anh Trọng Tùng thông tin thêm.

Sau khi cỗ được dâng, toàn bộ người "lên lão" trong làng sẽ thắp hương cúng bái và thực hiện nhiều nghi lễ truyền thống khác. Mọi việc xong xuôi, các cụ cao niên được mời sẽ đến nhà để ăn cỗ. 

"Việc mời các cụ cao niên trong làng đến ăn cỗ đòi hỏi nghệ thuật thuyết phục của gia đình. Trước ngày tổ chức phong tục này, làng sẽ phân công cho gia đình có người lên lão, chịu trách nhiệm mời một vài cụ cao niên tới ăn cỗ. Nếu mời được càng nhiều cụ theo danh sách đã phân công, gia đình đó cảm thấy rất vinh dự", anh Trọng Tùng chia sẻ.

Phong tục này ở làng Diệc không chỉ mang đến niềm vui cho các gia đình mỗi dịp Tết, mà còn đánh dấu bước ngoặt quan trọng với người đàn ông nơi đây. Người đã "lên lão" sẽ có vinh dự tham gia tế lễ cùng các hoạt động theo hương ước của làng. 

Dù đang lập nghiệp ở Hà Giang nhưng những người con xa nhà như anh Trọng Tùng cảm thấy tự hào về một phong tục đẹp, hiếm có của quê hương. Điều đáng mừng là thế hệ trẻ vẫn tiếp nối và giữ gìn tục mừng "lên lão" để không bị mai một.