Phong tục lạ trong dịp vui Xuân đón Tết của người Thái

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Đồng bào dân tộc Thái, quanh năm có rất nhiều cái Tết nhưng họ chỉ ăn ba cái Tết chính: "Chiếng Xám" (Tết Thanh Minh), Tết "Xíp Xí" và Tết Nguyên đán - được người Thái gọi là "Bướn Chiếng".

Thạch Giám, huyện Tương Dương, Nghệ An - nơi đồng bào Thái sinh sống từ bao đời nay. Người Thái ở một số bản của Thạch Giám như: Bản Mác, Nhặn, Lau, Phòng, Chắn, Mon hiện còn giữ được nhiều phong tục tập quán độc đáo của người Thái xa xưa (đám cưới, tục cúng gia tiên,…), đặc biệt là trong ngày Tết cổ truyền.

Tục tiễn năm cũ, đón năm mới

Tết Nguyên đán của người Thái ở Thạch Giám có nhiều phong tục rất thú vị, mang đậm nét đặc trưng riêng. Đồng bào Thái nơi đây quan niệm không cần phải chuẩn bị Tết quá sớm như người Kinh, bởi vì theo họ cần phải giải quyết việc ruộng đồng, nương rẫy xong mới chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa đón Tết.

Đặc biệt, vào ngày 23 tháng Chạp, họ không cúng ông Công ông, Táo bằng các lễ vật như cá, mũ táo quân… mà chỉ rót chén rượu và thắp hương báo cáo với tổ tiên về việc dọn dẹp nhà cửa. Bởi người Thái rất kiêng kị khi làm gì liên quan đến nhà cửa, vì vậy muốn dọn dẹp, trang trí nhà phải báo cáo với tổ tiên cho phép.

Phong tục lạ trong dịp vui Xuân đón Tết của người Thái - 1

Thiếu nữ Thái đi hái lá rừng về nấu nước tắm chiều 30 Tết.

Theo bà Vi Thị Phúc, ở bản Mác (thị trấn Thạch Giám) một thầy mo nổi tiếng trong vùng, để chuẩn bị đón xuân mới, vui Tết cổ truyền, ngay từ tháng 9 Âm lịch hàng năm, đồng bào Thái đã chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp để dành. Nhà nào khá giả thì chuẩn bị một con trâu hoặc một con lợn từ 9-10kg trở lên, còn những nhà khác thì thường 2-3 gia đình chung nhau mổ một con để ăn Tết. Đặc biệt, là họ không thể thiếu những bộ quần áo mới để mặc vào ngày đầu năm.

Từ ngày 25-26 tháng Chạp, bà con bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ trong gia đình quét dọn sàn, sân, lối vào nhà, chuồng trại… thật sạch sẽ. Còn người đàn ông là trụ cột trong gia đình mới được dọn dẹp trên bàn thờ tổ tiên, để lên đó nải chuối, bánh kẹo, buộc thêm 2 cây mía ở hai bên tượng trưng cho hai chiếc thang để đón tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Sáng 29 Tết, người Thái mổ lợn, nhà nào cũng làm vài mâm mời anh em, họ hàng, thông gia, con cháu đến ăn bữa cơm tất niên "Xổng pí cẩu, tòn pí mở" (tiễn năm cũ, đón năm mới).

Trước khi mời khách ăn cỗ, chủ nhà mang thủ, đuôi, chân, xương sườn lợn đã luộc chín đặt lên bàn thờ thắp hương, mời tổ tiên về ăn Tết, cầu xin tổ tiên phù hộ sức khỏe, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà đều tốt... 

Chiều 30 Tết, con trai, con gái lớn trong nhà thường vào rừng hái lá thuốc quý về nấu cho cả nhà tắm vào chiều tối 30 Tết để rửa trôi hết những điều không may mắn trong năm cũ.

Sau khi cúng xong, tất cả phải để nguyên trên bàn thờ không được ăn mà chỉ bê mâm đã chế biến các món lòng, chả nướng, thịt tái, thịt luộc... từ bếp lên mời khách. Cứ như vậy, bữa trưa nhà này mời thì bữa tối và hôm sau lại nhà khác mời đến uống rượu ăn Tết, vui Xuân mới.

Tết của người Thái có thịt trâu, thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, bánh kha, rượu, mứt... Bánh chưng của đồng bào Thái là bánh hình ống, tròn đều với 2 loại là bánh trắng và bánh đen. Bánh đen được làm từ gạo nếp trộn với tro của cây muối và cây vừng đen để có mùi thơm, khi ăn có vị bùi, nhân bánh được làm từ đỗ đen nấu bông lên, giã ra cùng với thịt lợn. 

Đêm giao thừa cả nhà không ai ngủ

Người Thái ở Thạch Giám gọi thời khắc giao thừa là "Pống cháy, kháy hoọng". Ông Vi Đình Tuân, cũng là một thầy mo nổi tiếng ở bản Mác, xã Thạch Giám cho biết, đêm 30 Tết cả nhà không ai được ngủ, đèn trên bàn thờ không được tắt, hương nhang không được tàn.

Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh và các món ăn thỉnh thoảng con cháu trong nhà đánh cồng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.

Đúng giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, các món ăn, hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng), 8 chén nước chè xanh, 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt cạnh mâm cỗ. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng gia tiên.

Phong tục lạ trong dịp vui Xuân đón Tết của người Thái - 2

Thiếu nữ dân tộc Thái vui hội ném còn ngày Xuân.

Đúng vào giây phút giao thừa, người Thái thực hiện lễ rước, mang trống, chiêng từ nhà đến địa điểm như nhà văn hóa, sau đó tất cả mọi người trong bản tụ tập, trưởng bản sẽ đánh trống, chiêng với mong muốn năm mới tốt đẹp, may mắn hơn; ai cũng đều được đánh trống, nếu không sẽ không được may mắn trong năm mới.

Trong đêm giao thừa, người Thái thức để lắng nghe con gì kêu trước để biết được năm đó làm ăn có thuận lợi hay không. Nếu là con nai rừng kêu trước thì sang năm mới sẽ hạn hán, khó làm ăn; nếu là con mèo kêu thì năm đó có nạn loạn hổ;…

Bước sang ngày mùng Một Tết, chủ nhà dọn mâm cơm đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn cơm trước bản, trước mường. Sau khi cúng tổ tiên xong, chủ nhà tiếp tục dọn mâm khác để cúng các vị thần trong nhà mình như thần bếp, thần giữ trẻ con và thần thổ địa ở dưới cầu thang… vì các vị thần này luôn chăm lo cho nhà mình được mọi sự bình an trong cả một năm.

Sáng mùng Một Tết, người Thái kiêng không đi chúc Tết hàng xóm mà chỉ có con cháu trong gia đình đem rượu, mứt, bánh chưng đến Tết bố mẹ đẻ; ngày Mùng 2 đi Tết bố mẹ bên vợ; từ ngày mùng 3 đến chúc Tết ông mối, sau đó bắt đầu vui chơi cộng đồng với các trò chơi dân gian được tổ chức rất sôi nổi.

Có thể nói đồng bào dân tộc Thái ở Thạch Giám có nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, theo thời gian nhiều phong tục tập quán đang dần bị mai một.

Để gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa mà đồng bào Thái, những năm qua nhiều gia đình ở đây đã xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng nhằm giới thiệu những truyền thống văn hóa của dân tộc Thái đến với du khách.

Trước khi chơi trò ném còn, đồng bào Thái làm lễ cúng cây còn. Nếu ai ném trúng thì báo hiệu một năm mới sẽ được may mắn, thuận lợi trong mọi việc.

Cùng với trò chơi ném còn, các trò chơi khác cũng được tổ chức liên tục trong những ngày Tết như: Tó mác lẹ, hạn khuống (dành cho nam, nữ chưa chồng, chưa vợ hát giao duyên). Người Thái tìm một bãi đất rộng làm một cái sàn, sau đó con gái chưa chồng lên sàn thêu, dệt, se tơ; còn con trai chưa vợ mang khèn, vè, sáo... đến hát xin lên sàn.

Các chàng trai Thái vừa hát vừa leo lên sàn trò chuyện hát đối với các thiếu nữ. Cũng từ lễ hội mùa xuân này mà nhiều đôi lứa đã nên vợ nên chồng và chung sống hạnh phúc với nhau.

Phong tục lạ trong dịp vui Xuân đón Tết của người Thái - 3

Múa xòe Thái trong ngày hội Xuân.

Đồng bào Thái ở Thạch Giám ăn Tết, vui Xuân đến Rằm tháng Giêng thì lại gói bánh chưng để thắp hương tổ tiên và báo cáo là hết Tết. Sau đó, họ mở hội Lồng Tồng (hội xuống đồng), thi đua lao động sản xuất, bắt đầu một năm mới, mùa vụ mới với nhiều niềm vui và đầy ước vọng.

Đặc biệt, những bạn trẻ tự tìm hiểu văn hóa truyền thống về ẩm thực, phong tục tập quán trong ngày lễ, Tết… để dạy lại cho những thế hệ sau.

"Tôi mong muốn gìn giữ được truyền thống văn hóa trước tiên phải xuất phát từ mỗi gia đình. Cũng vì thế, tôi thường xuyên kể những câu chuyện từ xa xưa của người Thái và dạy lại toàn bộ những điều mình đã biết cho những đứa con của mình; để các cháu sau này lớn lên vẫn còn nhớ về cội nguồn", chị Vi Thị Sơn, ở bản Lau, xã Thạch Giám chia sẻ.