"Ông đồ trẻ" tiết lộ từng thu nhập hơn 100 triệu đồng dịp Tết

Trịnh Trang

(Dân trí) - "Thời điểm năm 2016, tôi từng kiếm được hơn 100 triệu đồng khi ngồi viết chữ trên phố ông đồ", thư pháp gia Xuân Thành chia sẻ với Dân trí.

Mỗi năm, từ rằm tháng Chạp đến 30 Tết Âm lịch, phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh Niên (TPHCM) lại nhộn nhịp, tấp nập người dân đến tham quan, thưởng tranh hoặc mua sắm.

Đây cũng là khoảng thời gian chính để những ông đồ có cơ hội phô diễn kỹ năng thư pháp của mình cũng như kiếm nguồn thu nhập đáng kể trong năm.

Từ năm 2006, phố ông đồ dần trở thành không gian văn hóa phục vụ người dân thành phố và du khách nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Năm nay, phố ông đồ càng thêm sôi động khi TPHCM kết thúc thời gian dài giãn cách. Người dân có cơ hội ra ngoài tận hưởng không khí ngày Tết đang cận kề. Đặc biệt, gian hàng của "ông đồ trẻ" Xuân Thành luôn luôn thu hút sự quan tâm của khách tham quan.

Ông đồ trẻ tiết lộ từng thu nhập hơn 100 triệu đồng dịp Tết - 1
Gian hàng thư pháp của Xuân Thành tại phố ông đồ TPHCM. Anh viết thư pháp, mẹ hỗ trợ trong việc tiếp khách và quản lý thu nhập (Ảnh: Trịnh Trang).

Bước vào tuổi 23 nhưng Xuân Thành đã có 15 năm theo đuổi môn thư pháp. Anh bén duyên với bộ môn nghệ thuật này từ năm 2007, trong một lần dạo chơi tại phố ông đồ cùng gia đình.

"Lúc đó tôi chỉ mới 7 tuổi nhưng cảm giác phấn khích khi thấy chữ viết được viết theo phong cách thư pháp bằng bút lông, mực tàu. Sau đó tôi bắt đầu tìm hiểu về thư pháp. Tuy hạn chế vì quá nhỏ, tiếng Việt vẫn còn chưa nắm rõ nhưng niềm đam mê vẫn thôi thúc tôi phải theo đuổi và đến nay đã hơn 15 năm", Xuân Thành chia sẻ,

Xuân Thành cho rằng, thư pháp vốn là bộ môn nghệ thuật dùng để chứa đựng tâm tư, tình cảm và giá trị truyền thống của dân tộc nên đòi hỏi người viết phải am hiểu về nhân sinh, thế thái mới có thể biểu lộ được tâm ý của con người thông qua chữ viết.

Ông đồ trẻ tiết lộ từng thu nhập hơn 100 triệu đồng dịp Tết - 2
Từ lúc bén duyên với thư pháp, Xuân Thành đã trải qua nhiều khó khăn thử thách mới được như ngày hôm nay (Ảnh: Trịnh Trang).

Anh tâm sự: "Từ những ngày bắt đầu học viết thư pháp, tôi có ba trở ngại lớn. Đầu tiên là tôi còn quá bé để hiểu nhân tình thế thái, nhiều câu chữ tôi còn chưa hiểu hết nghĩa của nó.

Thứ hai là tôi còn phụ thuộc vào kinh tế gia đình, lúc đấy tôi phải xin tiền mẹ để mua giấy bút, đó trở ngại lớn khi bút viết thư pháp hay mực rất đắt.

Điều thứ ba là tôi vẫn phải theo học chính quy trên trường. Gia đình muốn tôi phải hoàn thành các cấp học, học đại học nên quỹ thời gian khá là eo hẹp".

Ngoài ra, Xuân Thành còn cho biết, thư pháp là bộ môn đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, thậm chí phải khổ luyện. Trong suốt 15 năm qua, anh chưa từng bỏ viết thư pháp một ngày nào. Chỉ như vậy khả năng viết mới được trau dồi.

Ông đồ trẻ tiết lộ từng thu nhập hơn 100 triệu đồng dịp Tết - 3
Trong suốt 15 năm qua, Xuân Thành chưa từng bỏ viết thư pháp một ngày nào (Ảnh: Trịnh Trang).

"Từ năm 7 tuổi đến bây giờ chưa một ngày nào tôi bỏ luyện viết. Nếu quá bận tôi cũng dành ra từ 30 phút đến một tiếng để luyện viết. Thậm chí những hôm đi công tác xa nhà, không có giấy, bút thì tôi luyện bằng app trong điện thoại. Có thể quên ăn quên uống nhưng luyện viết là việc không được phép quên".

Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy "ông đồ trẻ". Đúng với câu này, 10 năm qua "ông đồ trẻ" Xuân Thành đều bày biện hàng tranh thư pháp của mình tại phố ông đồ vào ngày 15 tháng Chạp Âm lịch. Nhiều người vẫn thường hay nói "ông đồ bán chữ ngày xuân" nhưng đối với Xuân Thành, anh cho rằng, viết thư pháp không phải là một nghề để "nuôi thân".

"Thật ra nhiều người vẫn nghĩ rằng, đây là công việc chính của tôi, nhưng tôi không nghĩ việc viết thư pháp là một nghề. Lúc còn bé thư pháp đối với tôi là đam mê, nhưng sau 15 năm tôi lại nghiệm ra, đó là cái nghiệp của mình.

Viết thư pháp đến với tôi như một cái duyên và tôi có trách nhiệm phải phát huy và gìn giữ nét đẹp của văn hóa. Còn công việc chính của tôi là thiết kế và đó cũng là thu nhập chính của tôi. Dù có nhiều bức tranh thư pháp tôi bán được 30-50 triệu đồng.

Thời điểm năm 2016, tôi kiếm được hơn 100 triệu đồng sau nửa tháng ngồi viết chữ trên phố ông đồ. Nhưng đối với tôi, viết thư pháp không phải là nghề chính "nuôi thân" mà là "nuôi tâm hồn" của tôi", thư pháp gia Xuân Thành chia sẻ.

Ông đồ trẻ tiết lộ từng thu nhập hơn 100 triệu đồng dịp Tết - 4
Tranh thư pháp tuổi Dần được Xuân Thành trưng bày tại phố ông đồ (Ảnh: Trịnh Trang).

Tuy thời gian gần đây, số lượng tranh thư pháp được bán ra trên phố ông đồ không còn nhiều như trước kia nhưng điều đó cũng không khiến những "ông đồ trẻ" như Xuân Thành buồn phiền hay nản lòng.

Bởi anh hiểu rõ nhu cầu đi xuống không phải do chất lượng thư pháp hay mọi người đã bớt mặn mà với tranh thư pháp mà do kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch kéo dài.

"Có thể cách đây vài năm nhiều người bỏ ra vài chục triệu để mua một bức tranh thư pháp, lúc ấy đối với họ đó là chuyện bình thường. Nhưng ở thời điểm này, sau khi trải qua đại dịch Covid-19, áp lực chuyện cơm áo gạo tiền nên họ sẽ đắn đo nhiều và nhu cầu cũng đi xuống. Có thể nói năm nay phố ông đồ không còn như xưa nhưng khi mọi thứ ổn định thì sẽ khác", "ông đồ trẻ" trải lòng.

Ông đồ trẻ tiết lộ từng thu nhập hơn 100 triệu đồng dịp Tết - 5
Tuy thời gian gần đây, số lượng tranh thư pháp được bán ra trên phố ông đồ không còn nhiều như trước kia nhưng điều đó cũng không khiến những "ông đồ trẻ" như Xuân Thành buồn (Ảnh: Trịnh Trang).

Những năm gần đây, thư pháp được ưa chuộng và dần trở nên phổ biến với giới trẻ qua các tác phẩm, tranh vẽ, hình họa… Trên thực tế cũng nhiều bạn trẻ Việt đang theo đuổi bộ môn này vì cho rằng, đây là một nghề có tiềm năng và kiếm được thu nhập ổn định.

Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, anh Xuân Thành cho biết: "Việc làm nghiêng về nghệ thuật sẽ không có một mức thu nhập ổn định như lương cứng của các ngành nghề khác, nó còn phụ thuộc vào từng sản phẩm của mình cũng như thị hiếu của mọi người.

Có thể một tháng tôi bán được 3, 4 bức tranh trị giá 20 đến 30 triệu đồng, thậm chí có bức lên tới 50 triệu đồng. Nhưng cũng có tháng thì tôi cũng sẽ không bán được bức nào cả. Đặc biệt tranh thư pháp còn phụ thuộc vào những tháng có diễn ra lễ truyền thống như lễ Vu Lan, Trung Thu hoặc Tết, những dịp đó sẽ bán được nhiều hơn…".