Thanh Hóa:

Nghề làm hàng mã "chạy nước rút" trước ngày ông Công ông Táo chầu trời

Bình Minh

(Dân trí) - Ngày Tết ông Công ông Táo đang đến gần, những người làm nghề hàng mã ở Mật Sơn (Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) lại vào dịp chạy đua với thời gian để kịp đơn hàng xuất ra thị trường.

Những ngày này, đến với làng nghề Mật Sơn, sẽ cảm nhận được không khí Tết đang đến rất gần, ai nấy đều đang tất bật công việc chuẩn bị cho vụ mùa lớn nhất trong năm.

Theo người dân, có hai dịp trong năm khiến họ làm việc quên ăn quên ngủ là dịp cung ứng hàng cho tháng 7 âm lịch và dịp Tết nguyên đán.

Nghề làm hàng mã chạy nước rút trước ngày ông Công ông Táo chầu trời - 1

Các cơ sở làm hàng mã đang tất bật cho đơn hàng phục vụ dịp Tết ông Công ông Táo.

Để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết, thông thường những hộ làm nghề nơi đây phải chuẩn bị từ giữa năm. Từ những công đoạn sản xuất, chọn nguyên liệu đều được tiến hành từ trước để đến cuối năm kịp cho những đơn hàng đi các tỉnh.

Ngày thường, các cơ sở sản xuất thường có 5-6 thợ làm, tuy nhiên dịp cao điểm thường lên đến 9 - 10 người tập trung làm, thậm chí xuyên đêm.

Nghề làm hàng mã chạy nước rút trước ngày ông Công ông Táo chầu trời - 2

Học sinh, sinh viên là nguồn nhân lực dồi dào để làm thời vụ trong dịp này.

Nghề làm hàng mã chạy nước rút trước ngày ông Công ông Táo chầu trời - 3

Đơn hàng đã được lên kệ, chỉ chờ khách đến lấy đi.

Với tư tưởng trần sao âm vậy nên rất nhiều mẫu mã được người thợ làm ra rất đa dạng với hàng trăm chủng loại, không những thế yêu cầu về thẩm mỹ cũng tăng cao.

Bà Châu Thị Thanh, chủ cơ sở sản xuất lớn nhất tại đây cho biết, dịp cuối năm, gần như phải thức cả đêm để làm hàng. Nhiều nơi, khách đặt hàng trước cả tháng, gia đình nào cũng phải thuê thêm nhân lực. 

"Ngay từ tháng 9 âm lịch gia đình đã bắt đầu làm hàng cho mùa Tết ông công, ông táo. Ngoài các thành viên trong gia đình thì tôi thuê thêm 10 nhân công địa phương và tăng thời gian sản xuất mới đủ hàng giao cho khách.

Cũng may, thời điểm gần Tết, học sinh, sinh viên được nghỉ học nên là nguồn nhân lực dồi dào được thuê làm thời vụ. Ngoài các đại lý hàng mã trong khu vực thành phố thì thị trường các huyện trong tỉnh cũng là nơi tiêu thụ số lượng lớn nên hàng làm đến đâu hết đến đó", bà Thanh cho biết thêm.

Nghề làm hàng mã chạy nước rút trước ngày ông Công ông Táo chầu trời - 4

Ngày nay, người thợ làm hàng mã chỉ phải làm thủ công phần lắp ghép còn hầu hết khâu tạo hình cho nguyên liệu đều được sử dụng bằng máy móc in ấn, cắt vẽ...

Theo bà Thanh, những năm gần đây, kỹ thuật làm vàng mã tại làng Mật Sơn ngày càng phát triển. Chỉ phần lắp ghép là người thợ phải làm hoàn toàn bằng thủ công còn hầu hết khâu tạo hình cho nguyên liệu đều được sử dụng bằng máy móc in ấn, cắt vẽ... nên sản phẩm vừa chất lượng vừa giảm được thời gian, chi phí nhân công cho các cơ sở làm nghề.

Chị Minh, chủ một cơ sở khác cũng chia sẻ, nguyên liệu làm hàng mã chủ yếu là các loại tre nứa được tạo hình và các loại giấy dán. Giá thành những mặt hàng này cũng rất đa dạng, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn/sản phẩm, tùy theo chủng loại và kích thước. Các gia đình ở làng nghề làm những đồ dành cho ngày 23 tháng Chạp thì còn làm những món đồ mã phục vụ cho ngày Tết Nguyên Đán, dịp tháng Giêng.

Nghề làm hàng mã chạy nước rút trước ngày ông Công ông Táo chầu trời - 5

Mẫu mã đẹp mắt để cạnh tranh với thị trường.

Làm nghề này thường theo mỗi mùa vụ khác nhau, những ngày giáp Tết thì tập trung làm bộ ông Công, ông Táo, đầu năm thì làm các bộ lễ khai xuân. Có những thời điểm cháy hàng dịp cuối năm".

"Để làm ra sản phẩm có chất lượng, đòi hỏi người làm hoa giấy ngoài sự khéo léo, phải có con mắt thẩm mỹ. Người làm nghề phải không ngừng đổi mới mẫu mã để cạnh tranh với các cơ sở khác trên thị trường", chị Minh nói.

Nghề làm hàng mã chạy nước rút trước ngày ông Công ông Táo chầu trời - 6

Hàng phục vụ cho ngày 23 tháng chạp sắp tới.

Được biết, toàn phường Đông Vệ hiện có gần 100 hộ dân làm nghề hàng mã, tập trung chủ yếu ở các phố Mật Sơn 1, Mật Sơn 2 và Mật Sơn 3.

Nghề làm hàng mã đã tạo việc làm thường xuyên cho người dân ở nơi đây, đặc biệt lao động thời vụ vào các dịp lễ, Tết.