Tính chuyên nghiệp
Đến giờ chót, tay vợt Kiefer của Đức đành phải làm khán giả tại giải Heineken Stars! Lý do vì hành lý của anh bị thất lạc vẫn chưa thể tìm ra. Vậy là BTC đành phải để ba tay vợt còn lại là Ferrero, Moya và Schuettler thi đấu vòng tròn với nhau. Kết quả, Schuettler đã đoạt cúp vô địch trị giá 40.000 USD, Ferrero xếp thứ nhì và Moya hạng ba.
Khi nghe thông báo lý do tay vợt hạng 20 thế giới Kiefer không thể thi đấu vì thất lạc hành lý, không ít khán giả VN đã đặt câu hỏi: “Sao ban tổ chức không mua vợt, giày, vớ, áo, quần cho anh ấy thi đấu?”.
Thật sự, mọi chuyện không đơn giản như thế. Vì Kiefer ký hợp đồng sử dụng mọi thứ của hãng Diadorra (Italia) trong khi thi đấu. Mà hàng của hãng này thì không có ở VN.
Thậm chí ban tổ chức đã nhờ người săn lùng ở Thái Lan cũng không có hàng. Vì vậy, Kiefer đành “chịu chết”! Bởi nếu anh sử dụng đồ của hãng khác, thiệt hại kinh tế cho bản thân thật khó lường.
Một câu chuyện khác của hậu trường giải này đó là khi tay vợt Monfils (Pháp) bị chấn thương không thể tham dự. sóng gió đã nổi lên ở hậu trường giữa Công ty TLT với đối tác ở Hong Kong - đơn vị chịu trách nhiệm mời các VĐV nổi tiếng đến VN.
Mọi chuyện chỉ êm ả sau khi từ Hong Kong phải fax sang bức thư xin lỗi của Monfils, kèm theo đó là giấy chứng thương của bệnh viện thể thao tại Paris, và bản cam kết thay thế bằng một tên tuổi lớn hơn là Ferrero. Nếu không, mọi chuyện sẽ phải giải quyết bằng cách đưa nhau ra tòa!
Tính chuyên nghiệp trong thể thao có thể đúc kết ngắn gọn rằng đó là tiền bạc và hợp đồng theo luật pháp quốc tế. Từ câu chuyện này, nghĩ cũng là một bài học cho các nhà quản lý bóng đá VN, khi đã nhiều năm chúng ta cứ bị mãi cái chuyện “treo đầu dê bán thịt chó”!
Nói đâu xa, ở một giải quốc tế sắp diễn ra tại Hà Nội, ban đầu đã hào hứng tuyên bố có sự tham gia của tuyển quốc gia Thái Lan và Malaysia. Nhưng giờ chót mới tẽn tò rằng họ chỉ đưa sang đội U21 của mình!
Sở dĩ bóng đá (và nhiều môn khác), cứ bị mãi tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” là bởi người ta cứ cố sử dụng mối quan hệ giữa các liên đoàn với nhau nhằm tiết kiệm chi phí.
Nhưng như đã đúc kết, thể thao chuyên nghiệp là tiền bạc và hợp đồng, nên thà tốn thêm tiền để có hợp đồng kinh tế rõ ràng mà được cái lợi lớn là không mất lòng tin người hâm mộ; còn hơn tiết kiệm mà giải nào rốt cuộc cũng bị “việt vị”!
Theo H.T.- T.P.
Tuổi trẻ