(Dân trí) - Đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày vợ chồng cụ Khang ở Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) vẫn gắng gượng chăm sóc 2 cô con gái tật nguyền.
Đó là hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Khang (82 tuổi) và Trần Thị Trường (81 tuổi), trú tại xóm 3, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An.
Trong căn nhà cũ nát, cụ Trường vẫn tất bật các công việc thường ngày để chăm sóc 2 cô con gái là Nguyễn Thị Túy (SN 1975) và Nguyễn Thị Thảo (SN 1987).
Từ khi sinh ra, chị Túy và chị Thảo đã bị khuyết tật bẩm sinh, 2 mắt mù lòa; đôi chân, tay của 2 chị cũng bị khiếm khuyết (bàn chân và tay đều 6 ngón) không đi lại được như người bình thường.
Mặc dù đã đưa con đi nhiều bệnh viện nhưng chưa thể chữa trị được. Gần 50 năm trôi qua, cũng là từng đó thời gian vợ chồng cụ Khang áy náy nhất là đôi mắt của các con.
Ông bà thay các con nhìn cuộc sống, nói những điều đang diễn ra hàng ngày mà con không thể nhìn thấy. Hình hài của mỗi món đồ vật, khuôn mặt từng thành viên trong gia đình đều được vợ chồng cụ kể cho các con nghe.
Đôi chân của các con không thể đi lại bình thường, người cha lại dìu con từng bước một. Từ bữa cơm, giấc ngủ hay sinh hoạt cá nhân hàng ngày, 2 người con đều trông chờ vào bố mẹ mình.
Gần nửa thập kỷ, không biết bao đêm trắng, người cha khóc thầm. Dù yêu thương con hết mực nhưng cái nghèo, cái khổ khiến họ phải để các con phải chịu không ít thiệt thòi.
Đã không ít lần, vì miếng cơm, manh áo, họ phải để 2 cô con gái ở nhà để đi làm việc. Rồi mỗi lần các con ốm, không có tiền đưa chúng đến bệnh viện, mà chỉ hái nắm thuốc lá trong vườn để các con uống đỡ.
Giờ đây, vợ chồng cụ Khang lo lắng hơn khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Hai con gái của cụ Khang đang hưởng chế độ hỗ trợ dành cho người khuyết tật.
"Vợ chồng tôi sinh được 5 người con. Ngoài 2 con gái không may tật nguyền, các con khác đã lập gia đình, cuộc sống chẳng khá giả gì nên dù thương bố mẹ, thương chị, thương em cũng không giúp được gì nhiều. Vợ chồng tôi động viên các con luôn cố gắng, bố mẹ còn chút sức lực nào sẽ cố gắng từng đó", cụ Trường nói.
Cụ ông Nguyễn Văn Khang có 18 năm tham gia dân công hỏa tuyến ở những chiến trường khác nhau.
"Những năm tháng tuổi trẻ, sung sức nhất tôi đã cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc dù đó chỉ là một phần rất nhỏ bé. Tôi còn may mắn được trở về với gia đình, với những người thân yêu được hưởng cuộc sống hòa bình.
Giờ đây, ở cái tuổi gần đất xa trời, điều tôi lo lắng nhất là 2 con gái tật nguyền, không biết nếu vợ chồng tôi chết đi rồi chúng sẽ tiếp tục sống ra sao. Mất đi bố mẹ là các con tôi mất hẳn đôi mắt, mất hẳn 2 chân", cụ Khang nghẹn ngào.
Nhìn 2 người con ngồi bơ vơ trước thềm nhà, khuôn mặt vô hồn, cụ Khang nói: "Từ trước đến nay, mấy chục năm rồi, dù mưa hay nắng, dù trời đã tối đen như mực, các con vẫn ngồi đó đợi bố mẹ về. Bây giờ, các con cũng ốm đau nhiều hơn, vợ chồng tôi lo lắm", cụ Khang tâm sự.
Hoàn cảnh khó khăn, ông bà tuổi cao, sức yếu theo thời gian nhưng luôn trăn trở, lo lắng về 2 người con gái khuyết tật của mình. Nếu không còn bố mẹ 2 chị em không biết sẽ tiếp tục sống ra sao trên cõi đời này.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Đinh Thế Vinh, Phó chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa, Nghệ An cho biết, gia đình cụ Khang hiện gặp rất nhiều khó khăn và mong muốn được độc giả báo Dân trí chia sẻ, giúp đỡ họ vượt qua nghịch cảnh này.
"Hai con của cụ Khang từ khi sinh ra, bàn tay, bàn chân đã có 6 ngón, mù mắt... rất đáng thương. Dù trước đó, cụ Khang có tham gia dân công hỏa tuyến, được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến, tuy nhiên do giấy tờ mất hết nên cụ chưa làm được chế độ chính sách. Qua báo Dân trí, tôi tha thiết mong mọi người sẻ chia với các con của cụ vượt qua khó khăn", ông Vinh chia sẻ.