"Tôi ước gì có căn nhà tử tế để con ngủ không bị mưa dột và có nhà vệ sinh để tôi tắm rửa cho con thuận tiện hơn, không phải để con ở sàn nước tắm, gội nữa", bà Hiền bày tỏ mơ ước có ngôi nhà mới.
"Có người kêu tôi gửi con ở trung tâm trẻ khuyết tật, nhưng con mình làm sao nỡ bỏ"
27 năm trôi qua, Nguyễn Thị Cẩm Tiên, con gái bà Lâm Thị Hiền (46 tuổi, ngụ xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng), nằm một chỗ vì bại não từ nhỏ. Từng ấy năm, bà Hiền tần tảo chăm sóc, lo lắng, chạy chữa bệnh tật cho người con gái bất hạnh.
Chưa bước qua tuổi ngũ tuần nhưng vẻ ngoài của bà Hiền vô cùng tiều tụy kém sắc, bởi bà vừa lo cho con gái và phụ giúp chồng là ông Nguyễn Văn Cường (55 tuổi) mưu sinh, lo cái ăn, cái mặc mỗi ngày.
Căn nhà của gia đình bà Hiền nằm lọt thỏm trong khoảnh đất khá xa lộ. Phải đi theo con đường mòn rộng chưa được 1m, băng qua ruộng mía và hàng dừa mới đến nơi. Mấy chục năm qua, căn nhà này chưa từng sửa chữa, kèo cột đã bị mối mọt ăn, vách lá rách tả tơi, chỗ vợ chồng, con cái ngủ phải che chắn bằng tấm cao su để ngăn mưa dột.
Ngồi bên giường của con gái, bà Hiền trải lòng, bà và chồng được mai mối mới nên duyên vợ chồng. Hai gia đình đều khó khăn nên làm đám cưới nhỏ để cả hai về chung nhà. Một năm sau đó, bà Hiền mang thai con gái đầu lòng.
"Lúc sinh ra thì thấy nó bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng càng lớn càng phát hiện con chậm phát triển, không cử động hay nói năng. Hồi đó nhà nghèo, đường sá lại không có, tôi cũng ẵm con đi tìm thầy thuốc chữa trị nhưng vô ích.
27 năm qua nó không khác gì "Sọ Dừa", đặt đâu nằm đấy. Tắm rửa, ăn uống, đút thuốc đều do cha mẹ làm hết", bà Hiền rầu rĩ nói.
Tuổi tác cứ tăng, sức khỏe của Cẩm Tiên ngày một suy yếu. Hiện tại Tiên chỉ có thể cử động cánh tay phải, nửa người bên trái đã bị liệt. Cô còn bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, viêm phổi, tần suất đi viện ngày càng tăng.
"Nhà trong ruộng, khổ nhất là đưa con đi bệnh viện. Trời nắng thì kêu xe ôm tới nhà chở, lúc mưa tôi phải cõng con băng qua con đường đất, trơn trượt ra đến lộ mới bắt xe ôm đi khám. Cha nó bị thoái hóa cột sống, chân khập khiễng không thể cõng được", bà Hiền kể những lần vất vả đưa con đi trị bệnh.
"Còng lưng" chuốt cọng dừa bán được 3.000 đồng/kg
Bên nội ngoại đều khó khăn, anh em họ hàng đều là lao động tự do, không có công việc ổn định nên không giúp được nhiều. Con gái út của bà Hiền có gia đình nhưng cũng không mấy khá giả, thỉnh thoảng giúp mẹ trông chừng chị gái hoặc gửi chút tiền sinh hoạt. Phần chi phí ăn uống, thuốc men mỗi ngày đều trông vào khoản tiền mà vợ chồng bà đi đánh lá mía (chăm sóc mía), chuốt cọng dừa.
Ông Cường cho biết, chuốt cọng dừa rất tốn thời gian nhưng tiền công rất thấp. Mỗi kg cọng dừa bán được 3.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng có cọng dừa để chuốt. Hai ba ngày, thậm chí cả tuần lễ, hai vợ chồng mới chuốt được 10kg. Tiền kiếm được để dành mua gạo, muối, đường và lo thuốc men cho con. Thức ăn thì ông đi xúc tép, mò cua, văng lưới bắt cá lo bữa ăn qua ngày.
"Thu nhập bữa đực, bữa cái nên tôi không thể lo cho con được bữa ăn tử tế, vì thế lần nào đi khám bệnh bác sĩ cũng bảo thiếu máu, cần bổ sung đạm. Nhưng nhà nghèo quá, gạo còn không mua nổi...", ông Cường rưng rưng nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông, cho biết, hoàn cảnh của hộ bà Hiền thuộc diện cận nghèo của địa phương, kiếm sống bằng nghề chuốt cọng dừa.
"Trường hợp của em Tiên bị bại não từ nhỏ nên được cấp bảo trợ xã hội từ trước. Còn các thành viên trong gia đình cũng được hỗ trợ bảo hiểm y tế miễn phí. Địa phương rất mong, báo Dân trí sẽ là cầu nối giúp đỡ cho hộ bà Hiền có được căn nhà tử tế, che nắng, trú mưa", ông Minh nói.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Bà Lâm Thị HiềnĐịa chỉ: xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng
ĐT: 0375.579.695
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.
Đọc thêm chi tiết về hoàn cảnh MS 5415