"Gia đình không còn cách nào khác, chỉ mong nhận được sự hỗ trợ của mọi người để cứu lấy con gái", người chồng khiếm thị nắm tay người vợ mù xúc động nói.
Hoàn cảnh éo le của vợ chồng khiếm thị
Chị Lương Thị Dung (SN 1995, trú tại thôn Đông, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội) và chồng là anh Lê Đức Hường (SN 1995) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cả hai đều bị khiếm thị. Anh Hường mắc chứng rung giật nhãn cầu bẩm sinh, chỉ nhìn được bóng người, không phân biệt rõ nét mặt. Trong khi đó, chị Dung bị mù hoàn toàn.
Cặp vợ chồng mù gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống (Ảnh: Thế Hưng).
Năm 2019, hai vợ chồng có với nhau một bé trai kháu khỉnh, đặt tên là Lê Đức Huy. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi đôi mắt của cậu bé sáng rõ. Từ khi có con, niềm vui nhân lên nhưng cuộc sống cũng chật vật hơn với một cặp vợ chồng khiếm thị.
Cả gia đình đều trông vào khoản thu nhập không ổn định 2-5 triệu đồng từ công việc tẩm quất của anh Hường. Để tiết kiệm chi phí đi lại, anh Hường thường xin ở lại nơi làm việc (Kim Ngưu, Hà Nội).
Ngoài khoản thu nhập ít ỏi từ công việc tẩm quất, hàng tháng, anh Hường, chị Dung được nhận khoản trợ cấp xã hội 1 triệu đồng/người. Song, khoản tiền đó chỉ như "muối bỏ bể" trước những gánh nặng sinh hoạt phí của gia đình.
Tháng 11/2024, gia đình vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi chị Dung sinh bé thứ hai, đặt tên là Lê Thảo Vy. Nhưng do sinh non, hiện bé vẫn phải nằm lồng kính và hỗ trợ thở tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Đôi mắt sáng của con là ánh sáng soi chiếu tương lai gia đình
Sau khi biết nhận được đơn thư xin hỗ trợ, phóng viên Dân trí đã hẹn gặp vợ chồng chị Dung tại một quán nước nhỏ gần bệnh viện để nghe họ trải lòng.
Theo chia sẻ từ anh Hường, bố mẹ 2 bên nội ngoại đều làm nông, anh chị em ruột có gia đình riêng, cuộc sống tương đối vất vả nên không có điều kiện để giúp đỡ nhau. Để lo viện phí cho con, hai vợ chồng đang phải vay mượn khắp nơi.
Để tiện bề thăm nom, chăm sóc con, chị Dung đang thuê phòng trọ nhỏ gần bệnh viện.
"Mắt em không nhìn thấy nên bà ngoại phải ở cùng để hỗ trợ mang sữa vào cho bé. Ở đây sinh hoạt đắt đỏ, các khoản tiền phải chi là quá sức đối với 2 vợ chồng em", chị Dung trải lòng.
Ngoài gánh nặng tiền nhà trọ, ăn uống, tiền viện phí hơn chục triệu đồng khiến vợ chồng khiếm thị lâm vào cảnh khốn khó. Hết tiền, không biết trông vào đâu, chị Dung đã nhiều lần nghĩ tới việc trả phòng trọ, dừng đưa sữa cho con.
Nhưng mỗi lần nghe bác sĩ động viên sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sinh non, chị Dung lại gắng gượng vay mượn từng đồng để bám trụ.
"Ngày sinh con, khi được bác sĩ báo rằng mắt bé bình thường, vợ chồng em vỡ òa trong sung sướng. Vì em rất sợ gen di truyền của bố mẹ ảnh hưởng tới con. Cảm xúc lúc đó thật sự rất khó tả", chị Dung kể.
Niềm hạnh phúc chỉ vội thoáng qua trên nét mặt khi chị Dung nghĩ tới tình trạng hiện tại của con. Dù đã hơn một tháng trôi qua nhưng cân nặng của Thảo Vy mới chỉ từ 1,7kg tăng lên 1,8kg.
Để hỗ trợ vợ và con, anh Hường cũng thường xuyên phải nghỉ làm để qua viện đưa sữa thay cho bà ngoài về nghỉ ngơi. Đối với một người khiếm thị như anh Hường, việc đi lại rất tốn kém do phải thuê xe ôm.
"Kinh tế kiệt quệ, có lúc chúng tôi đã nghĩ đến việc để cháu lại bệnh viện nương nhờ sự chăm sóc của các bác sĩ, vì bố mẹ không còn đủ khả năng. Khi đó, cháu phải ăn sữa công thức, nhưng khi nhìn con, tôi không đành lòng", anh Hường trăn trở.
Đôi tay như run lên, anh Hường khẽ nắm lấy tay vợ và nói: "Gia đình không còn cách nào khác, chỉ mong nhận được sự hỗ trợ của mọi người để cứu lấy con gái. Tôi vẫn sẽ cố gắng đi làm để góp nhặt từng đồng, lo cho con và trang trải cuộc sống".
Hiện nay, người thân, bạn bè và các bác sĩ đã hết lòng giúp đỡ, nhưng số tiền cần để tiếp tục chữa trị cho Thảo Vy ngày càng tăng. Anh Hường và chị Dung rất mong sự sẻ chia từ những tấm lòng nhân ái để níu giữ hy vọng sống cho con gái nhỏ, giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Ông Lê Quốc Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Tàm Xá cho biết, anh Hường và chị Dung đều là người khiếm thị, mới sinh non bé thứ hai.
"Hoàn cảnh của hai bạn đều khó khăn, bố mẹ dựng tạm cho một căn nhà để hai vợ chồng đi làm tự nuôi nhau. Hường và Dung vẫn đang được hưởng chế độ chính sách người khiếm thị tại xã", ông Tình cho hay.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Chị Lương Thị DungĐịa chỉ: thôn Đông, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội.
ĐT: 0388384556
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.
Đọc thêm chi tiết về hoàn cảnh MS 5437