Trong lúc phụ hồ anh Tuấn bị phóng điện cao thế. Người đàn ông trụ cột gia đình may mắn còn giữ lại được mạng sống, nhưng đôi chân và tay phải buộc phải cắt cụt, gia đình anh rơi vào cơn cùng quẫn.
Một đêm muộn cuối tháng 5, sự tĩnh lặng hiếm hoi của phố phường Hà Nội bỗng chốc bị phá vỡ, bởi những tiếng còi hú liên hồi của chuyến xe cứu thương chạy một mạch từ Nghệ An đến thẳng Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội). Chuyến xe chở theo người đàn ông 47 tuổi, tính mạng đang rơi vào nguy kịch sau cú phóng điện cao thế oan nghiệt.
Trên giường bệnh của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, anh Trương Công Tuấn, SN 1977 (trú tại Văn Sơn, Đô Lương, Nghệ An), đã hồi tỉnh sau nhiều ngày hôn mê. Người đàn ông tội nghiệp nằm bất động, ánh mắt trân trối, nhìn không chớp mắt lên trần nhà.
Mỗi khi dịch vàng từ những vết bỏng sâu tứa ra thấm đẫm lớp băng trắng khắp cơ thể, hay máu rỉ ra từ chỗ ống chân, cánh tay bị cắt cụt tôi chỉ thấy anh khẽ rùng mình cựa quậy…
Hẳn là anh Tuấn đang phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Nhưng, dường như những nỗi đau thể xác kia, cũng khó mà sánh được với sự dằn vặt, giằng xé ghê gớm trong tâm can người đàn ông trụ cột gia đình này.
Hết đưa ánh mắt thảng thốt nhìn xuống đôi chân bị cắt cụt đến ngang cẳng chân, lại đưa bàn tay trái sờ nắn "cánh tay phải" giờ chỉ còn là núm thịt nơi mỏm vai, anh Tuấn nấc nghẹn:
"Cả nhà trông chờ vào em, nay chân tay không còn, sau này em biết làm gì để nuôi gia đình. Em tàn phế rồi, lại trở thành gánh nặng cho vợ con…".
Đứng túc trực bên giường bệnh của chồng, gương mặt chị Thái Thị Chính (SN 1980, vợ anh Tuấn) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ngước đôi mắt đỏ hoe, sưng húp chị Chính thổn thức cho biết, từ lúc đưa chồng đi bệnh viện cấp cứu, chị chưa có được một giấc ngủ đúng nghĩa.
Chị bảo, có lúc cũng muốn tranh thủ ngủ một lát để còn có sức chăm chồng, nhưng cứ hễ chợp mắt thì hình ảnh người chồng bị cắt cụt 2 chân và tay phải hiện về trong tâm trí, lại khiến chị giật mình choàng dậy.
Nước mắt lưng tròng, chị Chính nắm chặt lấy bàn tay trái còn lại đang được quấn băng trắng toát, nhìn vào đôi mắt mệt mỏi của chồng mà trái tim người vợ nghèo khó như thắt lại.
Chị Chính tâm sự, để lo cho mẹ chồng già yếu mắc bệnh tim thường xuyên phải nằm viện cùng 3 đứa con đang tuổi đi học, ngoài 2 sào ruộng được chia, mọi chi tiêu trong nhà trông cả vào đồng tiền công phụ hồ của anh Tuấn.
"Ngày 29/5, trong lúc phụ xây trên tầng 3 gần đường điện cao thế, chồng em không may bị phóng điện. Nghe mọi người kể lại, chỉ thấy chớp lóe lên, anh ấy ngã xuống sàn, lúc ấy quần áo mặc trên người cháy như ngọn đuốc… ", chị Chinh nức nở nói.
Người vợ nghèo cho biết, khi nhận tin chồng bị tai nạn, trong nhà chị không có lấy một đồng. Những người hàng xóm tốt bụng, thương tình gom góp được 5 triệu đồng để chị đưa chồng đi cấp cứu.
Sau khi sơ cứu ở bệnh viện huyện Đô Lương, anh Tuấn được chuyển đến bệnh viện Ba Lan rồi chuyển ra Bệnh viện Bỏng Quốc gia ngay trong đêm 29/5.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Hoàng Văn Vụ, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết: "Bệnh nhân Trương Công Tuấn được chẩn đoán bỏng điện 22% ở mặt, cổ, thân, tứ chi, phải thở máy, hồi sức tích cực.
Do tình trạng bỏng quá sâu, để cứu tính mạng, bệnh nhân đã được phẫu thuật 2 lần cắt bỏ 2 chân và tay phải".
Bác sĩ Vụ cho biết thêm, việc phải bỏ đi một phần cơ thể để cứu tính mạng, khiến bệnh nhân từ người trụ cột trở thành người tàn phế, đây là một tổn thất lớn cả về thể xác lẫn tinh thần, không chỉ với bệnh nhân mà cả gia đình người bệnh.
"Việc chữa trị cho bệnh nhân Tuấn sẽ rất lâu dài, tốn kém. Sau khi hồi phục nếu có nguồn kinh phí, bệnh nhân sẽ được lắp tay chân giả, hỗ trợ cho sinh hoạt sau này. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ bệnh nhân", bác sĩ Vụ nói.