Gia đình anh Chung vốn là hộ nghèo, vợ và con trai bị thiểu năng trí tuệ. Trong lần đi phụ hồ giúp hàng xóm, anh bị ngã giàn giáo, mất khả năng lao động, kinh tế gia đình kiệt quệ, nợ chồng nợ.
Lời khẩn cầu yếu ớt qua máy thở oxy
"Cứu gia đình anh với!", giọng nói yếu ớt của anh Cà Văn Chung (SN 1984, trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Sông Mã, Sơn La) khẽ cất lên khi thấy phóng viên bước vào phòng cấp cứu.
Đang phải thở oxy sau cuộc phẫu thuật, anh Chung vẫn hướng ánh mắt đau đớn, mệt mỏi, gắng gượng nói: "Nhà anh khổ quá! Vợ anh chẳng biết gì". Sau câu nói ấy, anh cầu cứu chị ruột Tòng Thị Chiên đứng bên cạnh tiếp lời.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Chiên cho biết, em trai chị đi phụ hồ giúp hàng xóm nhưng không may ngã giàn giáo từ tầng 2 xuống đất, chấn thương nặng. Tình trạng hiện tại, anh Chung bị chệch đốt sống lưng 5,6,7 và đốt sống cổ 5,6,7, chèn ép tủy sống cổ, dây thần kinh, mất khả năng lao động.
Anh Chung đã được đưa lên Hà Nội để phẫu thuật nhưng sức khỏe hiện rất yếu. Đi theo chăm sóc anh có vợ và chị gái. Song, chị Chiên là người duy nhất còn khỏe mạnh, bình thường trong gia đình.
Bố mất sớm, mẹ già hiện tại cũng không được tỉnh táo, anh Chung còn có một người em trai không bình thường. Gia đình quá nghèo khó, anh Chung không được đi học, còn chị Chiên thì phải đi ở nhà dì từ bé.
Theo chị Chiên, em dâu Lường Thị Pản (SN 1982, vợ anh Chung) thuộc diện chậm chạp, trí tuệ kém phát triển.
"Hoàn cảnh của Pản cũng rất đáng thương, từ khi cất tiếng khóc chào đời đến nay, Pản không biết cha mẹ là ai. Em Pản chỉ biết, được vợ chồng ông Lường Văn Khụt (SN 1961), bà Cà Thị Mon (SN 1962) nhặt về nuôi lớn. Nhà nghèo lại có bệnh trong người nên Pản không được đi học, chẳng biết mặt chữ", chị Chiên cho hay.
Một người quá nghèo khó, sớm mồ côi bố, mẹ và em trai không tỉnh táo, chị gái phải đi ở; một người mồ côi từ nhỏ, không biết cha mẹ đẻ là ai, lớn lên bệnh tật và chẳng được học hành.
Hai mảnh đời cơ cực gặp nhau, họ quyết định dọn về ở chung từ năm 2004. Hàng ngày, hai vợ chồng mưu sinh bằng công việc phụ hồ, bữa được bữa không. Chị Pản thường xuyên đau ốm, công việc phụ hồ đa phần một mình anh Chung đảm đương.
Cuộc sống rơi vào bế tắc, gia đình không còn biết trông vào đâu
Năm 2007, hai vợ chồng họ vui mừng khi sinh cậu con trai bụ bẫm, đặt tên Cà Ngọc Hữu. Nhưng thương thay, cậu bé sinh ra bị thiểu năng trí tuệ. Mặc dù cơ thể phát triển tốt, nhưng đến nay trí tuệ vẫn chỉ như đứa trẻ.
Chị Chiên cho biết: "Hữu cao 1m8, nặng gần 80kg nhưng sự ngờ nghệch hiện rõ trên khuôn mặt. Tuy chậm phát triển nhưng may là cháu rất ngoan, biết yêu thương và giúp đỡ cha mẹ".
Chị Chiên nói thêm, may mắn hơn người anh Cà Văn Hữu, cháu Cà Ngọc Ánh (SN 2017) khỏe mạnh bình thường nhưng còn quá nhỏ nên không đỡ đần được bố mẹ.
Nói đến đây, chị Chiên giàn giụa nước mắt. Thương cho cảnh bất hạnh của em trai và các cháu, chị nói: "Chung khỏe mạnh còn cáng đáng được gia đình. Bây giờ em nằm đó, tương lai gia đình không biết đi về đâu". Nghĩ tới cảnh các cháu không có miếng cơm ăn, không có mảnh áo mặc, chị Chiên khóc nấc thành tiếng.
Năm 2016, địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng, vợ chồng anh Chung tiết kiệm được một ít tiền và vay ngân hàng 70 triệu đồng, dựng được căn nhà cấp 4. Đến nay, sau 8 năm, gia đình vẫn nợ ngân hàng 50 triệu đồng.
Giờ đây, chi phí điều trị và phục hồi cho anh Chung lên tới hàng trăm triệu đồng, gia đình chẳng biết trông vào đâu nữa.
"Chủ thầu là hàng xóm, hoàn cảnh lại cũng khó khăn. Họ nhận được việc thì gọi vợ chồng em tôi đi làm cùng, nên khi sự việc không may xảy ra cũng chẳng hỗ trợ được gì.
Tiền để trang trải cho Chung là nhờ có bạn bè và làng xóm giúp, nhưng không thấm vào đâu so với chi phí phải trả. Cứ 2-3 ngày lại phải mua mấy triệu tiền thuốc, có hôm lên tới cả 10 triệu đồng", chị Chiên rầu rĩ.
Thay mặt gia đình, chị Chiên khẩn cầu các nhà hảo tâm, bạn đọc báo Dân trí giang rộng vòng tay, giúp anh Chung vượt qua khó khăn hiện tại.
Ông Lèo Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) xác nhận, gia đình anh Chung, chị Pản là công dân của địa phương và có hoàn cảnh khó khăn.
"Gia đình chị Lường Thị Pản hoàn cảnh khó khăn. Sau nhiều năm cố gắng, vừa mới thoát khỏi hộ nghèo thành hộ cận nghèo thì anh Cà Văn Chung, bị ngã giàn giáo trong lúc lao động. Anh Chung sau khi bị tai nạn, bệnh tình chuyển biến nặng phải chuyển viện từ Sơn La lên Hà Nội để điều trị", ông Hải nói.