Trên đường đi chặt keo thuê kiếm tiền chữa bệnh cho vợ, anh Pon, ở Con Cuông, Nghệ An không may đụng phải con chó chạy qua đường dẫn đến tai nạn, chấn thương sọ não.
Vợ ốm đau bệnh tật, gắng gượng chăm chồng đang nằm viện vì chấn thương sọ não
Hơn một tháng trước, đang chạy xe máy đi làm thuê kiếm tiền chữa bệnh cho vợ, anh Lô Văn Pon (40 tuổi, trú bản Quăn, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An) không may đụng vào một con chó từ trong ngõ chạy ra. Anh Pon ngã, nằm bất động, được người dân đưa đi cấp cứu.
Anh được bác sĩ kết luận bị chấn thương sọ não và được phẫu thuật gấp. "Một phần não của chồng tôi vẫn đang được gửi nuôi ở bệnh viện, đợi khi sức khỏe phục hồi mới phẫu thuật ghép não", chị Tuyết, vợ anh Pon chia sẻ.
Hiện anh Pon nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh (cơ sở 2). Anh đã tỉnh táo hơn, có phản xạ, chưa nói, chưa vận động, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người thân.
Bác sĩ Trần Ngọc Huyền, Trưởng khoa Y học Cổ truyền - Phục hồi chức năng 02, Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh (cơ sở 2) cho biết, bệnh nhân Pon vào viện với triệu chứng đau nhức dọc cột sống cổ lan lên đầu; đau căng nặng đầu, chóng mặt ít, đau nhức vai, tay phải, cử động vai tay khó khăn, tê bì tay.
Sau thời gian được điều trị, bệnh nhân đỡ đau đầu, đỡ đau nhức và tê bì cánh tay, cử động tay khá, ăn ngủ tốt, chất lượng cuộc sống cải thiện.
Chị Vi Thị Tuyết (39 tuổi, vợ anh Pon) cho biết, 6 năm trước, sau khi sinh con thứ 2, chị bị bệnh viêm đa khớp nặng, không thể lao động, các khớp chân tay nổi nhiều u cục. Vào mùa đông lạnh, bệnh càng nặng, các cơ co cứng, vận động khó khăn.
Ngày còn khỏe, anh Pon đi phụ hồ; trồng, chặt, vác keo thuê... Những hôm không có ai thuê làm hoặc mưa gió, anh vào rừng tìm mật ong, cây lan, hái măng mang về xuôi bán để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày, nuôi 2 con ăn học, lo thuốc thang, chữa trị cho vợ.
Mẹ ngậm đắng, dằn lòng để con gái lớn nghỉ học, rửa bát thuê ,"cứu cánh" gia đình đang cùng cực
Gần một tháng qua, từ ngày bố gặp tai nạn, cứ chiều chiều đi học về, bé Lô Thị Mỹ Hiên (6 tuổi) lại ngồi trước hiên nhà ngóng cha mẹ. Nhiều hôm, đến tối mịt vẫn không thấy bóng dáng cha mẹ, Hiên lấy vạt áo lau nước mắt rồi thui thủi qua nhà ông cậu gần đó để ăn, ở nhờ.
"Rất lâu rồi bố mẹ chưa về nhà. Nghe nói bố bị tai nạn rất nặng, rất đau. Cháu thương bố, nhớ mẹ và buồn lắm. Ngày nào cháu cũng về nhà chờ đợi nhưng không biết bao giờ bố mẹ mới trở về", bé Hiên nói.
Năm ngoái, mẹ anh Pon qua đời sau nhiều năm mắc bệnh hiểm nghèo. Ngày anh Pon gặp nạn, trong nhà không có bất kỳ tài sản nào giá trị, cũng không tiền, chị Tuyết nhờ 2 bên nội ngoại vay mượn được 15 triệu đồng để đưa chồng nằm viện.
"Gia đình tôi thuộc hộ nghèo nên không mất viện phí. Tuy nhiên, tiền bỉm, sữa cho chồng, ăn uống, đi lại của 2 vợ chồng trong quá trình nằm viện cũng tốn kém lắm. Đến nay, tiền vay mượn đã hết, thời gian điều trị của chồng còn rất dài mà tôi không biết trông chờ vào đâu để vay mượn thêm.
Nay thời tiết chuyển lạnh, bệnh của tôi nặng thêm, các cơ co cứng, đau mỏi nhưng không có tiền mua thuốc điều trị nữa. Chồng gặp nạn, vợ đau ốm thế này, ai sẽ lo cho 2 đứa con của tôi đây, chúng còn quá nhỏ", chị Tuyết lo lắng.
Từ ngày bố gặp nạn, em Lô Thị Như (15 tuổi, con gái lớn của anh Pon) phải nghỉ học, ra Hà Nội rửa bát trong một quán cơm bình dân để kiếm tiền gửi về chạy chữa cho bố. Ngoài bao ăn ở, mỗi tháng, chủ quán trả cho Như 4 triệu đồng.
"Vừa qua, tôi nhờ người quen giới thiệu nên cháu đi rửa bát thuê ở Hà Nội. Ở nhà không có tiền đi học nữa, vợ chồng tôi đều bị bệnh cả rồi, xót con lắm nhưng đành chấp nhận hoàn cảnh", chị Tuyết vừa nói, vừa khóc khi nghĩ đến cảnh con gái đang tuổi ăn học đã phải đi làm thuê.
Ông Vi Văn Luyện, Trưởng bản Quắn, xã Bình Chuẩn, chia sẻ với phóng viên Dân trí, gia đình anh Pon là hộ nghèo trong xã, kinh tế chỉ trông chờ vào một sào ruộng nhưng đất cằn, không có năng suất. Từ ngày sinh bé thứ 2, chị Tuyết mắc bệnh, không thể đi làm. Cuộc sống trông chờ vào anh Pon nhưng nay lại gặp tai nạn khiến gia đình lâm vào cảnh bi đát.
"Nghe tin anh Pon gặp nạn, các đoàn thể trong bản kêu gọi ủng hộ, nhưng ai cũng khó khăn, là người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi nên chỉ quyên góp được phần nhỏ. Rất mong các cấp, ban, ngành quan tâm, giúp đỡ để anh Pon có thêm kinh phí điều trị, sớm phục hồi trở về", ông Luyện chia sẻ.