Bị bỏng trong lúc xông lá thuốc lúc 2 tuổi, 12 năm qua cậu bé người dân tộc H' Mông phải sống trong hình hài biến dạng khủng khiếp, cơ thể đau đớn, tứ chi co cứng không thể cử động.
Được tin Ma Văn Trường (SN 2010, trú tại thôn Mai Cai Thàng, xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), trở lại Bệnh viện Bỏng Quốc gia điều trị. Phóng viên Dân trí tức tốc tới Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình của bệnh viện, thăm cậu bé tội nghiệp.
Nằm co quắp trên giường bệnh, thấy chúng tôi Trường khẽ cựa mình… Gương mặt cậu bé 14 tuổi nhăn nhó, trán rịn mồ hôi sau khi khe khẽ cất lời chào. Dường như, chỉ một cử động rất nhỏ trên cơ thể, cũng khiến em vô cùng đau đớn.
Bởi, khắp người em chằng chịt các vết sẹo sâu kéo dài, nhất là đôi tay bị co kéo biến dạng hoàn toàn. Phần nách cậu bé gần như dính chặt với lồng ngực thành một khối, khiến em lúc nào cũng phải uốn cong lưng như con tôm.
Chia sẻ cùng chúng tôi về tình cảnh vô cùng éo le của cậu bé bất hạnh, chị Hoàng Ánh Dương, cán bộ Công tác xã hội, Bệnh viện Bỏng Quốc gia bùi ngùi:
"Nhìn thằng bé mà rơi nước mắt, 14 tuổi nhưng Trường nặng chỉ có 17kg. Thằng bé mang thân hình biến dạng, cơ thể chịu nhiều đau đớn hơn mười năm nay, nhưng gia đình không biết phải làm thế nào.
Cũng bởi bố mẹ cháu quá nghèo khó. Lần này 2 bố con Trường xuống đây, mong muốn được các bác sĩ cùng các nhà hảo tâm cho con có cơ hội được trở lại như đứa trẻ bình thường…".
Ngồi bó gối ngay cạnh con, anh Ma Dền (bố của Trường) ngước lên gương mặt thiểu não đến tội nghiệp, người cha nghèo rưng rưng 2 hàng nước mắt, giọng nghẹn lại:
"Hơn 10 năm nay, nhìn con mà vợ chồng em như đứt từng khúc ruột. Nhưng, hoàn cảnh gia đình em khó khăn quá. Em chỉ biết cầu xin các cô, các bác giúp cháu!...", nói rồi anh Dền quay mặt, đưa tay lên lén lau nước mắt.
Nén nỗi đau đang đè nặng tâm can, người đàn ông dân tộc H'Mông cả đời chưa đi ra khỏi con suối đầu bản buồn bã kể: Tai họa bắt đầu ập đến gia đình anh vào năm 2012.
Khi thấy đứa con trai 2 tuổi sốt cao nhiều ngày không dứt, anh Dền chỉ còn biết lên rừng hái lá thuốc giã nát, đắp lên trán cho con. Thằng bé không những không hạ sốt mà còn sốt li bì hơn… Khi bà con trong bản gom góp tiền đưa Trường tới bệnh viện, thì thằng bé đã bị liệt 2 chân.
"Bác sĩ nói thằng bé phải tập phục hồi chức năng mấy năm mới hy vọng. Mà ở Hà Nội tốn kém quá, không có tiền nên vợ chồng em đành bế con về.
Về nhà có người mách thằng bé nếu được xông bằng lá thuốc, thì sẽ khỏi. Ai ngờ, cũng tại vợ chồng em không cẩn thận nên mới ra nông nỗi này!...", người cha nghèo ôm mặt bật khóc.
Anh Dền cho biết, cả gia đình anh sinh sống trong căn nhà gỗ nhỏ đã cũ. Thu nhập của cả nhà chỉ trông vào mảnh đồi cằn cỗi trồng ngô, trồng sắn.
Thi thoảng anh Dền xin đi đốn cây, xách vữa thuê…, cuộc sống của gia đình 5 miệng ăn luôn trong tình trạng "thiếu trước hụt sau", nhất là từ khi bé Trường gặp nạn, khó khăn lại ngày càng chồng chất.
"Lần này bố con em xuống bệnh viện, là được 1 nhóm từ thiện cho tiền xe. Ở đây, em được bác sĩ và phòng Công tác xã hội cho cơm ăn. Tiền viện phí của con, em cũng chưa đóng.
Không biết vay mượn ở đâu, giờ em cũng chả biết tính sao!...", người cha tội nghiệp than thở, trong sự bế tắc đến cùng cực.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Cao Thùy Dung, điều dưỡng trưởng, Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết:
"Cháu Ma Văn Trường bị sẹo co kéo rất nặng, biến dạng 2 bên tay, nách, khủy tay phải, chân, lưng…, do bỏng hơi nóng cách đây 12 năm. Trường sẽ phải phẫu thuật nhiều lần, nâng cao thể trạng…, nên ước tính kinh phí cần tới cả trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, gia đình cháu nghèo quá, đến bữa ăn các y, bác sĩ và phòng Công tác xã hội phải quyên góp kêu gọi hỗ trợ 2 bố con, nên bệnh viện rất mong bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm chung tay giúp cháu.
Bởi, nếu được tiếp tục điều trị, cháu có hy vọng hồi phục được chức năng vận động, nhất là 2 tay, giúp cháu có thể tự chăm sóc được bản thân, cháu có cơ hội được sống ý nghĩa, được hòa nhập cộng đồng và không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội".