Con trai bị bỏng điện 50% cơ thể, với chi phí điều trị lên tới 30 đến 40 triệu đồng/ngày, do không có Bảo hiểm y tế, nên bà Xuân phải bán ruộng, thế chấp nhà để cứu con.

Không có BHYT, mẹ góa phải chi trả 30 đến 40 triệu đồng/ngày viện phí của con

Con trai bà Nguyễn Thị Xuân (trú tại Thanh Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh) là anh Nguyễn Ngọc Quy không may bị bỏng điện cao thế 50% cơ thể, với 25% bỏng sâu độ 4, độ 5 nguy cơ tổn thương cả mạch máu, thần kinh và các tạng sâu ở  vùng ngực, bụng, tay trái, 2 chân và lưng.

Quy bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng đa tạng nên phải lọc máu liên tục, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, kháng sinh mạnh liều cao, hồi sức tích cực…

Điều đáng nói là do không có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) nên gia đình Quy phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị, mỗi ngày dao động từ 30 đến 40 triệu đồng.

Nếu có Bảo hiểm y tế, tôi đã không phải thế chấp nhà, bán ruộng cứu con - 1

Bị bỏng điện cao thế 50% cơ thể, do không có thẻ BHYT, gia đình bệnh nhân Nguyễn Ngọc Quy phải chi trả 30 - 40 triệu đồng/ ngày (Ảnh: Hương Hồng).

Chồng mất đã lâu, các con lớn đã có gia đình riêng và đều vất vả mưu sinh, chỉ có đứa con út Nguyễn Ngọc Quy chưa xây dựng gia đình ở cùng. Khi con trai gặp nạn với chi phí chữa trị vô cùng lớn, nên không còn cách nào khác, bà Xuân phải bán ruộng, thế chấp sổ đỏ căn nhà đang ở để có chút tiền chạy chữa cho con.

"Cũng bởi hoàn cảnh quá khó khăn, thằng Quy nó khỏe mạnh không ốm đau bao giờ, nên em nó không mua BHYT. Nếu có thẻ BHYT gánh đỡ viện phí, tôi sẽ không phải bán ruộng, thế chấp nhà… ", bà Xuân buồn rầu chia sẻ.

"Nếu không có BHYT, 5 năm qua con tôi không thể cầm cự mạng sống được"

Mắc căn bệnh ung thư phần mềm, 5 năm qua cuộc sống của cậu bé em Tạ Nguyễn Hoàn, (SN 2016, trú ở tổ 12, P. Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn), gắn chặt với Bệnh viện K Tân Triều.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến (mẹ bé Hoàn) cho biết, trung bình mỗi tháng con trai chị phải nằm viện điều trị từ 10 đến 20 ngày. Tiền thuốc, tiền hóa chất, tiền máu…, mỗi lần từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Nhưng có BHYT, số tiền mỗi đợt điều trị của bé Hoàn được giảm xuống còn rất ít, có lần gia đình còn không mất tiền, chỉ phải thanh toán tiền ăn uống, đi lại.

Với mong muốn góp phần mang đến những điều kiện tốt nhất cho thế hệ tương lai, báo Dân trí trân trọng giới thiệu chương trình "Nâng bước đến trường - Trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn" lần thứ 3.

Chương trình được triển khai với mục tiêu trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước, giúp các em được tiếp cận với dịch vụ y tế đầy đủ, kịp thời, từ đó có thể an tâm học tập và phát triển toàn diện.

Mỗi tấm thẻ là một món quà vô giá, mang đến niềm hy vọng về sức khỏe và tương lai tươi sáng cho các em.

"BHYT rất quan trọng, đi viện ai cũng khổ cả, nhất là những gia đình nghèo như gia đình tôi, riêng chỉ lo tiền xe, tiền cơm hàng ngày cũng đã chật vật nói gì đến tiền thuốc. Nếu không có BHYT, gia đình tôi không thể tự chi trả các chi phí chữa trị, 5 năm qua con tôi không thể cầm cự mạng sống được", chị Yến cho biết.

Nếu có Bảo hiểm y tế, tôi đã không phải thế chấp nhà, bán ruộng cứu con - 2

Thẻ BHYT chi trả phần lớn chi phí điều trị suốt 5 năm qua, giúp cậu bé Tạ Nguyễn Hoàn đã cầm cự được mạng sống

Thẻ BHYT là phao cứu sinh cho những hoàn cảnh khốn khó

Trên đây chỉ là 2 ví dụ điển hình của việc người bệnh có hoặc không có thẻ BHYT, mà chúng tôi đã từng gặp rất nhiều. Có thể nói thẻ BHYT là cứu cánh của những cảnh đời khốn khó.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Hoàng Ánh Dương, tổ Công tác xã hội, Bệnh viện Bỏng Quốc gia chia sẻ: "Mỗi khi bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân không có BHYT, thực sự chúng tôi rất lo lắng ái ngại thay cho họ".

Chị Dương cho biết thêm, bệnh nhân bị bỏng thường do tai nạn bất chợt ập đến mà không lường trước hay có sự chuẩn bị nào. Với các bệnh nhân bị bỏng sâu, việc điều trị tính bằng tháng thậm chí là năm bởi các di chứng sau bỏng rất nặng nề.

Nếu có Bảo hiểm y tế, tôi đã không phải thế chấp nhà, bán ruộng cứu con - 3

Bà Nguyễn Thị Xuân (Uông Bí, Quảng Ninh) đã phải bán ruộng, thế chấp sổ đỏ căn nhà để cứu con (Ảnh: Hương Hồng).

Nên với các bệnh nhân không có BHYT, việc đầu tiên bệnh viện vận động gia đình mua ngay BHYT cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân quá khó khăn, tổ Công tác xã hội sẽ tìm nguồn hỗ trợ bệnh nhân mua thẻ BHYT.

Từng có bệnh nhân do không có BHYT nên phải tự chi trả số tiền điều trị rất cao, họ phải bán ruộng đất, nhà cửa… Có trường hợp bệnh nặng quá trong khi gia đình lâm vào khánh kiệt đành phải xin xuất viện…

"Tính từ 1/1 đến nay bệnh viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận và điều trị cho 212 bệnh nhân không có BHYT, trong đó 160 ca là các em học sinh trong độ tuổi từ 7 đến 18 tuổi", chị Dương nói.

Chị Dương chia sẻ, năm 2023 bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân là  học sinh lớp 7, quê Nghệ An bị bỏng lửa xăng rất nặng. Người bố khóc lóc kể, do gia đình vừa thoát hộ cận nghèo, chưa kịp mua BHYT.

Khi tai họa xảy ra, người bố phải bán sạch mọi thứ trong nhà và vay mượn khắp mọi nơi chạy chữa cho con. Lần đó, tổ Công tác xã hội phải vận động các nhà hảo tâm tặng cháu thẻ BHYT và hỗ trợ một phần kinh phí điều trị.

Sau khi có thẻ BHYT, gia đình cháu chỉ phải thanh toán một phần chi phí chữa trị, nhờ vậy mà cháu được ở lại tiếp tục điều trị.

"Thẻ BHYT là phao cứu sinh cho gia đình lúc ốm đau, hoạn nạn bất ngờ ập đến. Tiện ích của thẻ BHYT là không phải bàn cãi, nhưng ngặt một nỗi không phải gia đình nào cũng sẵn sàng mua thẻ BHYT, khi mà họ quá nghèo, đến lo cái ăn hàng ngày còn chật vật…  ", chị Dương thở dài.

Mã số 240309:

"Nếu có Bảo hiểm y tế, tôi đã không phải thế chấp nhà, bán ruộng cứu con"

08/08/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng dự án

Báo Dân trí