
Ở tuổi xế chiều, bà Bùi Thị Thanh ở xóm nghèo Phản Chuông (Phú Thọ) vẫn phải nhọc nhằn chăm sóc chồng con trong cảnh nghèo khó và bệnh tật bủa vây.
Mẹ già bệnh tật vất vả chăm chồng khuyết tật, con tâm thần
Hai phận đời bất hạnh đè trên vai người mẹ già yếu
Giữa xóm nghèo Phản Chuông (xã Quyết Thắng, tỉnh Phú Thọ), có một ngôi nhà sàn nằm lọt thỏm dưới chân núi, đó là chốn nương thân của gia đình bà Bùi Thị Thanh - người phụ nữ đã quá kiệt sức vì tuổi già, bệnh tật, nhưng vẫn phải cáng đáng cả gia đình trong cảnh khốn khó.
Ở tuổi 63, trong khi nhiều người bạn đồng niên đã an hưởng tuổi già bên con cháu thì bà Thanh vẫn ngày ngày cặm cụi chăm chồng khuyết tật chân tay, con tâm thần trong căn nhà mục nát, ngả nghiêng, xiêu vẹo.

Người phụ nữ già yếu, bệnh tật ngày ngày vẫn phải cáng đáng cả gia đình trong cảnh khốn khó (Ảnh: Gia Khoa).
Đôi mắt bà đã mờ đi vì tuổi tác và bệnh tật, bàn tay gầy guộc run run do thoái hóa, những cơn đau nhức âm ỉ trên thân thể già yếu nhưng bà vẫn phải ngày ngày gắng sức chăm sóc chồng con không còn khả năng lao động.
Chồng bà, ông Bùi Văn Thân (64 tuổi), bị liệt tay phải và chân phải từ nhỏ nên không lao động được, có người dìu thì có thể đi cà nhắc được chút. Mọi công việc trong nhà đều do một tay bà Thanh lo liệu. Thậm chí, sinh hoạt cá nhân của ông Thân cũng phải nhờ đến sự chăm sóc của vợ.
Ông là một người hiền lành, ít nói, nhưng nước mắt cứ lăn dài mỗi lần nhắc đến con cái và nỗi vất vả đang đè lên vai vợ mình. Đôi mắt ông đờ đẫn, bất lực trước bệnh tật của bản thân và nỗi mặc cảm mình là gánh nặng cho vợ con.
Gia cảnh càng bi đát hơn khi người con trai út Bùi Văn Tùng (20 tuổi) bị câm bẩm sinh và mắc chứng rối loạn tâm thần từ nhỏ. Tùng không có khả năng nhận thức và lao động, càng không thể tự chăm sóc bản thân.

Em Bùi Văn Tùng - con trai út bà Thanh bị câm và tâm thần, không kiểm soát được hành vi (Ảnh: Gia Khoa).
Mỗi lần lên cơn động kinh, Tùng hay chạy nhảy bất thường, phá phách, không kiểm soát được hành vi. Những hôm trái gió trở trời, Tùng lăn lộn giữa nhà, ôm đầu gào khóc. Người mẹ gầy gò, sức yếu cũng không giúp gì được con, chỉ biết bất lực ngồi nhìn con mà lòng đau xót.
“Nhìn thằng Tùng như thế, tôi như đứt từng khúc ruột. Giá mà tôi có thể gánh thay bệnh cho con thì dù có chết tôi cũng cam lòng… Nhưng giờ tôi yếu lắm rồi… Tôi sợ một ngày nào đó tôi không còn đủ sức nữa, chồng con sẽ sống sao đây?”, bà Thanh bật khóc nức nở, giọng ngắt quãng, tay ôm chặt tấm áo cũ của con như cố bám víu vào điều gì đó mơ hồ, mong manh.
Bà Thanh còn một người con trai cả tên Bùi Văn Trưởng (24 tuổi) đi làm thuê ở Bắc Ninh, thu nhập cũng chẳng khấm khá gì. Có tháng gửi về ít tiền giúp bố mẹ mua gạo, mua thuốc, có tháng chẳng gửi đồng nào. Biết con ra ngoài mưu sinh cũng vất vả, khó khăn nên bà Thanh chẳng hề đòi hỏi.
“Ngày trước, Trưởng từng mơ ước được học nghề, có công việc ổn định, nhưng cảnh nhà cơ cực đã dập tắt tất cả. Không biết sau này con có thể gánh nổi cả nhà 4 khẩu với bao bệnh tật và nghèo đói triền miên?”, bà Thanh lo lắng.
Căn nhà mục ruỗng, xiêu vẹo và ước mơ có được cuộc sống tốt hơn
Trên nền sàn nhà được lát bằng tre ọp ẹp, thủng nhiều chỗ, ông Thân ngồi ủ rũ, chân tay co quắp. Gần đó là cậu con trai tâm thần với gương mặt ngô nghê giống như người bị bệnh Down. Xung quanh là vài chiếc xoong nồi móp méo, đống ngô mốc, vài bao tải chứa đồ và quần áo cũ treo lủng lẳng.

Ông Bùi Văn Thân (áo xanh) bị khuyết tật tay phải và chân phải, đi lại rất khó khăn (Ảnh: Gia Khoa).
Tất cả những gì có giá trị trong nhà chỉ là chiếc quạt điện và chiếc nồi cơm điện đã cũ. Cuộc sống thiếu thốn đến mức mỗi bữa ăn chỉ là nắm rau luộc, vài con cá khô hoặc cháo trắng chan nước mắm.
Gia đình bà Thanh hiện sống chủ yếu nhờ vào khoản trợ cấp người khuyết tật 1,5 triệu đồng của hai bố con ông Thân (mỗi người nhận 750.000 đồng/tháng). Số tiền này vốn không đủ ăn. Tiền mua thuốc cho ông Thân và Tùng hầu như không có nên bà Thanh thường xuyên phải vay mượn người quen mỗi khi con phát bệnh nặng.

Sàn nhà trống hoác là nơi ông Thân nằm suốt nhiều năm qua (Ảnh: Gia Khoa).
Theo khảo sát của phóng viên, căn nhà sàn của gia đình bà Thanh đã dựng được hơn 20 năm, nay mục ruỗng và ngả nghiêng nhìn như sắp sập. Tường nhà được che chắn bằng những tấm gỗ đơn sơ đã mục nát. Mái lợp fipro xi măng thủng nhiều chỗ, đặc biệt là các chỗ nối khiến mỗi khi mưa to nước theo khe hở tuồn vào nhà.
“Mỗi khi mưa to, mái dột ướt hết sàn nhà chúng tôi nằm. Tôi phải lấy áo mưa che lại, cả đêm mọi người không thể ngủ vì ướt và lạnh. Ước gì tôi có được căn nhà lành lặn để không còn lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến”, bà Thanh mong muốn.
Ông Bùi Xuân Trè, Trưởng xóm Phản Chuông nhận xét: “Tôi công tác ở xóm đã nhiều năm, nhưng ít thấy hoàn cảnh nào bi đát như gia đình bà Thanh. Cả nhà không có ai khỏe mạnh hoàn toàn, thu nhập bấp bênh, lại nuôi người bệnh. Họ sống chủ yếu nhờ vào trợ cấp khuyết tật và tình thương của bà con hàng xóm, nhưng cũng chỉ giúp được phần nào.

Ông Bùi Xuân Trè, Trưởng xóm Phản Chuông cùng gia đình bà Thanh bên ngôi nhà sắp sập (Ảnh: Gia Khoa).
Ông Trè cho biết thêm, địa phương đã đề nghị cấp trên hỗ trợ gia đình bà Thanh xóa nhà dột nát theo diện hộ nghèo nhưng vẫn đang chờ bố trí kinh phí. Trong lúc chờ đợi, gia đình bà Thanh rất cần sự hỗ trợ khẩn thiết của các nhà hảo tâm để xây nhà mới, đảm bảo an toàn và có điều kiện sống tốt hơn.
“Chúng tôi tha thiết kêu gọi những tấm lòng nhân ái của bạn đọc báo Dân trí giúp đỡ bà Thanh có mái nhà kiên cố, có điều kiện thuốc thang, để gia đình nghèo khổ và bệnh tật không còn sống trong nỗi lo sợ từng ngày”, Trưởng xóm bày tỏ.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Bà Bùi Thị ThanhĐịa chỉ: Xóm Phản Chuông, xã Quyết Thắng, tỉnh Phú Thọ.
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.