Ngày chồng mất, chị Duyên ôm các con về nhà ngoại ở xóm Nà Chang (xã Trương Lương, Hòa An, Cao Bằng), sống biệt lập giữa núi đồi. Cuộc đời chị, ước có chỗ kín gió cho các con nằm đã thấy quá khó.
Xóm Nà Chang cách thủy điện Nà Ngàn (xã Trương Lương, Hòa An, Cao Bằng) chừng 1 cây số, nhưng nằm ở vùng núi cao, địa hình hiểm trở. Phải là người bản địa, thông thạo và chắc tay mới đi được xe máy vào đây.
Men theo con đường mòn nhấp nhô, xung quanh là đồi núi để vào xóm Nà Chang, trên vùng hoang vu nhất có 1 khu vực dường như biệt lập, chỉ 4 hộ dân sinh sống. Căn nhà của chị Lý Thị Duyên (SN 1988, dân tộc Mông) nổi bật nhất khóm bởi sự chắp vá, tuềnh toàng, tạm bợ, xiêu vẹo và dột nát.
Trong căn nhà nhỏ, gió nhẹ cũng lung lay, bốn bề trống hoác, chị Duyên mặc chiếc áo lem nhem ngồi yên một góc, rụt rè nói chuyện với chúng tôi. Người phụ nữ dân tộc Mông trầm lặng nói, cũng từng mơ một căn nhà kiên cố, nhưng "cái số tôi nghèo quá".
Chị Duyên là con thứ hai trong gia đình có 5 anh chị em tại xóm Nà Chang. Sau kết hôn, chị theo chồng chuyển đến sống tại huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), sinh con trai đầu lòng vào năm 2008. Hai vợ chồng không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy để kiếm tiền mưu sinh qua ngày.
Cũng trong năm 208, vào một ngày nắng gắt, vừa về đến nhà, chồng chị Duyên bị đột quỵ, dù được đưa đến bệnh viện nhưng không qua khỏi. Ngày chồng mất, chị Duyên đang mang thai đứa con thứ 2.
Trong căn nhà dột nát, trống hoác không có vật dụng gì đáng giá ngoài 2 chiếc giường gỗ cho 4 mẹ con. Nền đất nứt toác như ruộng khô hạn dài ngày. Bên hiên, đặt 1 chiếc chum chứa nước, được dẫn từ con suối gần nhà.
"Nhà làm bằng phên tre nứa, mùa đông lạnh tê tái. Năm ngoái, gió cuốn bay mấy tấm tôn xi măng và cửa gỗ, tôi phải đi nhặt về nhờ người lợp lại, không có tiền mua mới", chị Duyên kể.
Trong căn nhà dột nát, trống hoác không có vật dụng gì đáng giá ngoài 2 chiếc giường gỗ cho 4 mẹ con. Nền đất nứt toác như ruộng khô hạn dài ngày. Bên hiên, đặt 1 chiếc chum chứa nước, được dẫn từ con suối gần nhà.
"Nhà làm bằng phên tre nứa, mùa đông lạnh tê tái. Năm ngoái, gió cuốn bay mấy tấm tôn xi măng và cửa gỗ, tôi phải đi nhặt về nhờ người lợp lại, không có tiền mua mới", chị Duyên kể.
Không có đất sản xuất, chị Duyên chủ yếu đi vác củi thuê 40.000 đồng/gánh, trong xóm ai thuê gì làm nấy. Quanh năm, cả gia đình chỉ ăn mèn mén.
Thương mẹ vất vả, hai con trai của chị Duyên đã bỏ học, đi làm thuê ở làng dưới, phụ mẹ lo cho em út ăn học. Tuy nhiên, thu nhập chẳng được là bao. Do đó, chuyện sửa sang, xây lại nhà cửa mẹ con chị không dám mơ tới.
"Ước có chỗ kín gió để các con nằm thôi cũng đã thấy khó, tiền đâu mà mơ đến nhà kiên cố", chị Duyên buồn bã nói.
Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBMTTQ xã Trương Lương cho biết, chị Lý Thị Duyên thuộc hộ nghèo trên địa bàn, là mẹ đơn thân, không có đất sản xuất, không có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
"Căn nhà dột nát, những tấm vách lợp bằng tre nứa không còn trụ nổi. Thông qua báo Dân trí, chúng tôi mong bạn đọc, các nhà hảo tâm hỗ trợ chị Duyên xây dựng được căn nhà kiên cố hơn để yên tâm sinh sống", ông Thắng nói.