Cô giáo Vi Thị Bái, có hơn 13 năm bám bản tại điểm trường Nà Thưa đã nghẹn ngào, nói về nỗi lo thường trực mỗi khi chờ các học sinh đến trường.

 17 năm học nhờ nhà văn hóa thôn

Xã Vân An là một xã vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Năm 2024, ở đây có 106 hộ nghèo, 228 hộ cận nghèo.

Trường tiểu học Vân An có 4 điểm trường, với tổng số 362 học sinh. Trong đó, điểm trường Nà Thưa thuộc diện đông học sinh nhất (5 lớp với 112 học sinh) và cũng là nơi khó khăn nhất trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, điểm trường Nà Thưa được xây dựng từ năm 1997. Hiện nay, hầu hết các phòng học đã xuống cấp, trên tường để lộ rõ nhiều vết nứt, ẩm mốc và nước mưa ngấm từ ngoài vào trong.

Trường thì luôn có 5 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5) nhưng chỉ có 4 phòng học. Từ năm 2007 đến nay, điểm trường này luôn trong tình trạng thiếu phòng học. Vì vậy, các em học sinh ở đây phải đi học nhờ trong nhà văn hóa của thôn.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Vân An cho biết, năm 2008, thôn Khau Thung (nay là thôn Bình Trung) mượn đất của điểm trường Nà Thưa để xây nhà văn hóa. Từ đó đến nay, điểm trường Nà Thưa cũng mượn và dùng chung nhà văn hóa làm phòng học cho học sinh ở đây.

Lớp học tạm 17 năm và nỗi lo của giáo viên cắm bản - 1

Căn nhà cấp 4 vừa làm nhà văn hóa vừa làm lớp học, giờ đã quá cũ kỹ, sơ sài, xuống cấp (Ảnh: Mạnh Mường).

Theo quan sát của phóng viên, căn nhà cấp 4 vừa làm nhà văn hóa vừa làm lớp học này, giờ đã quá cũ kỹ, sơ sài, xuống cấp, mái đã dột, hệ thống các cửa đã hỏng. Ở bên trong, thiết bị phục vụ lớp học đơn sơ chỉ có bàn ghế, bảng, bóng đèn và cả chiếc quạt trần cũ kêu kèn kẹt, không đủ xua đi cái nóng mùa hè trong căn phòng lợp pro xi măng.

Điểm trường lẻ Nà Thưa cách điểm trường chính 5km. Nhưng do thiếu phòng học và thiếu trang thiết bị phục vụ môn tin học nên các em học sinh mỗi tuần đều phải di chuyển từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính để học.

Lớp học tạm 17 năm và nỗi lo của giáo viên cắm bản - 2

Nhà văn hóa thôn Khau Thung (nay là thôn Bình Trung) đã trở thành lớp học tạm trong suốt 17 năm qua của các em học sinh điểm trường Nà Thưa (Ảnh: Mạnh Mường).

Điểm trường lẻ Nà Thưa cách điểm trường chính 5km. Nhưng do thiếu phòng học và thiếu trang thiết bị phục vụ môn tin học nên các em học sinh mỗi tuần đều phải di chuyển từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính để học.

Hiện tại, ở Nà Thưa có 5 cô giáo phụ trách 5 lớp. Điều mà các cô giáo "cắm bản" ở Nà Thưa lo lắng nhất là, đường di chuyển tới trường chính là đường độc đạo. Đây là địa bàn trồng và khai thác keo nên xe chở nguyên liệu thường qua lại nhiều.

Cô giáo Vi Thị Bái, công tác ở phân trường Nà Thưa đã hơn 13 năm, mỗi khi nhắc đến con đường tìm cái chữ của các học sinh ở đây thì chị lại rơi nước mắt:

"Chúng tôi mỗi khi cho học sinh ra điểm trường chính đi học đều thấp thỏm lo vì đường nhỏ hẹp, xấu, xe chở gỗ đi lại nhiều, thấy rất nguy hiểm. Nhưng nếu không cho các con ra điểm trường chính thì ở Nà Thưa cơ sở vât chất không đủ phục vụ học tập.

Có những lần, các cô giáo chờ không thấy học trò đến lớp, còn cha mẹ thì không thấy con đi học về nên tả hóa đi tìm. Hóa ra con đi giữa đường núi, hỏng xe cứ ngồi khóc."

Cô giáo Vi Thị Bái, có hơn 13 năm bám bản tại điểm trường Nà Thưa đã nghẹn ngào, nói về nỗi lo thường trực mỗi khi chờ các học sinh đến trường (Video: Mạnh Mường).

Niềm mong mỏi của giáo viên, học sinh có thêm 2 phòng học kiên cố

Theo cô giáo Nông Thị Hà, Hiệu trưởng trường tiểu học Vân An, hiện tại điểm trường Nà Thưa có 112 học sinh với tổng số là 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Nhưng điểm trường chỉ có 4 phòng học. Đây cũng là điểm trường có số học sinh đông nhất trường.

Trong năm học 2024-2025 tới đây, các bạn nhỏ lớp 4D, với tổng số là 30 học sinh sẽ là lứa học sinh tiếp theo phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn. Nhu cầu cấp thiết của nhà trường là có thêm 2 phòng học kiên cố, trong đó một phòng học văn hóa, một phòng tin học.

"Nhà trường kính mong nhà tài trợ, bạn đọc báo Dân trí và các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ. Nếu xây được thêm 2 phòng học, cả phụ huynh và giáo viên sẽ không còn phải nơm nớp lo lắng mỗi lần các con tự đạp xe đi học từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính", cô giáo Nông Thị Hà chia sẻ.

Lớp học tạm 17 năm và nỗi lo của giáo viên cắm bản - 3

Nhu cầu cấp thiết của nhà trường là có thêm một phòng học văn hóa, một phòng tin học tại đây (Ảnh: Mạnh Mường).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Mai Huyền, Trưởng Phòng GD&ĐT Chi Lăng cho biết, ngành giáo dục cũng rất trăn trở về việc này và cũng đã có báo cáo lên cấp trên nhưng cũng không biết đến khi nào mới có thể được xây dựng vì cho tới hiện tại vẫn chưa có kế hoạch.

Ông Hoàng Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Vân An chia sẻ: "Chúng tôi lo lắng nhất việc thiếu phòng học, khiến các cháu phải đi học xa, đường đi lại khá nguy hiểm. Chúng tôi mong mỏi được cộng đồng quan tâm, chung tay xã hội hóa chứ ngân sách địa phương cũng eo hẹp.

Nếu được các nhà hảo tâm, bạn đọc báo Dân trí hỗ trợ xây lớp học, chúng tôi sẽ nhanh chóng lên phương án, xây dựng để công trình kịp đưa vào sử dụng trước thềm khai giảng năm học mới."

Mã số 240104:

Lớp học tạm 17 năm và nỗi lo của giáo viên "cắm bản"

26/06/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng dự án

Báo Dân trí