Căn nhà gỗ tạp, nằm chơ vơ trên đỉnh đồi của gia đình anh Bàn Tuấn Văn đã quá mục nát. Những đêm mưa gió, cả nhà không ai dám ngủ, bởi lo sợ nó sập xuống lúc nào không hay.
Nơm nớp lo nhà sập, nhưng không có tiền tu sửa
Trên đường dẫn chúng tôi đến thăm nơi ở của gia đình người đàn ông khuyết tật Bàn Tuấn Văn, (SN 1974, trú ở xóm Nà An, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), ông Nguyễn Văn Duyến, trưởng xóm Nà An cho biết:
"Gia đình ông Bàn Tuấn Văn ở một mình trên đỉnh đồi. Ngày nắng khô ráo tôi còn đi xe máy lên được. Chứ hôm mưa, thì chỉ người nhà ông Văn quen đường mới dám đi, vì lối đi nhỏ, trơn trượt ngay bên cạnh là khe suối…".
Chiếc xe máy cà tàng của vị trưởng xóm, bò từng mét trên đoạn đường đất cheo leo bên bờ vực sâu thăm thẳm. Nhiều đoạn đường nếu không phải là những người có "tay lái lụa" thì không thể đi nổi.
Hiếm khi thấy có người đến thăm, anh Bàn Tuấn Văn run rẩy chống gậy ra đầu nhà đón khách. Người đàn ông mới 50 tuổi, nhưng trông già nua như ông lão ngoài 70 tuổi, gương mặt nhăn nhúm với 2 cẳng chân teo tóp.
Tay vân vê vạt áo, anh Văn cúi mặt, lí nhí mời khách vào nhà. Thật khó có thể gọi nơi trú ngụ của gia đình người đàn ông khốn khó này là nhà được. Bởi, căn nhà được dựng lên bằng gỗ tạp đã quá mục nát, bốn bề trống hoác.
Phần mái ngói xô lệch để lộ ra những khoảng trống lớn, các cột gỗ đã bị mối mọt ăn nham nhở không còn đủ khả năng làm trụ đỡ…, có lẽ chỉ cần một cơn gió thoảng qua thôi, cũng khiến căn nhà đổ sụp bất cứ lúc nào.
Anh Văn kể, năm 2012, nhờ sự chung tay của bà con trong bản và chính quyền địa phương, anh Văn vay ngân hàng chính sách 10 triệu đồng, dựng căn nhà bằng gỗ tạp thay cho căn nhà tre lợp lá cọ đã bị đổ sau một cơn lốc trước đó.
Sau hơn 10 năm, căn nhà làm bằng gỗ tạp đã ọp ẹp mục ruỗng, nhất là sau trận mưa đá hồi cuối tháng 1 năm nay, căn nhà gần như hư hại hoàn toàn. Phần mái ngói nhiều chỗ đã bị vỡ nát, mỗi khi mưa to nước trong nhà lênh láng nước không khác gì ngoài sân.
"Những đêm mưa gió, 5 con người nhà em không ai dám ngủ. Tôi và con trai phải đứng giữ cột nhà, bà nhà tôi cùng con dâu và cháu trai chui xuống gầm giường để tránh. Tôi muốn sửa nhà lắm, nhưng không có tiền… ", anh Văn ứa nước mắt nói.
2 mảnh đời khiếm khuyết mong ước có căn nhà không bị dột
Đưa ánh mắt mờ đục nhìn xa xăm về phía cánh rừng trước mặt, người đàn ông nghèo khó kể, năm lên 10 tuổi anh bất ngờ bị sốt cao, sống ở nơi heo hút đường sá xa xôi cách trở, nên anh không có cơ hội đến bệnh viện chữa trị. Đến khi cắt sốt thì chân tay anh dần teo tóp lại, đi lại, làm lụng rất khó khăn.
Những tưởng người đàn ông tật nguyền này sẽ sống cô độc cả đời, thì may mắn qua mai mối anh cũng lấy được vợ. Người gắn bó cả cuộc đời với anh Văn là một phụ nữ hơn anh 4 tuổi, vốn sức khỏe không tốt lại chậm chạp… 2 mảnh đời khiếm khuyết nương tựa vào nhau lay lắt sống qua ngày.
Người vợ mắc bệnh xương khớp nặng nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Cuộc sống của gia đình anh Văn bao năm qua chủ yếu dựa vào mảnh nương nhỏ, từ nguồn trợ cấp xã hội và thi thoảng là từ tiền công làm thuê của cậu con trai.
Năm 2022, anh Văn bị tai biến, may mắn phát hiện kịp thời, nhưng khoản nợ vài chục triệu đồng đi bệnh viện chạy chữa đến nay chưa trả nổi đồng nào.
5 con người sống luôn sống trong cảnh "chạy ăn từng bữa", nên dù nơm nớp lo lắng căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào gia đình anh Văn cũng đành lực bất tòng tâm.
"Gia đình tôi bao năm chỉ lo cái ăn còn chưa đủ. Nhìn thằng cháu nội đã 3 tuổi suy dinh dưỡng chỉ nặng 11 cân, tôi đau lòng lắm, nhưng cũng không biết phải làm sao. Giờ tôi chẳng ước mơ gì, nếu được ở trong căn nhà chắc chắn, không bị dột có nhắm mắt, xuôi tay cũng an lòng…"
Ông Nguyễn Văn Duyến, trưởng xóm Nà An cho biết, ông Văn là hộ nghèo nhiều năm nay ở địa phương. Hoàn cảnh hiện nay của gia đình thì chưa biết đến khi nào mới có thể thoát được nghèo.
"Căn nhà của ông Văn đã quá dột nát, xiêu vẹo, hư hỏng nặng sau cơn mưa đá đầu năm khiến chúng tôi rất lo lắng cho tính mạng những người sống trong ngôi nhà.
Địa phương đang tìm mọi nguồn lực để giúp đỡ gia đình ông Văn. Nếu được bạn đọc báo Dân trí chung tay hỗ trợ xây nhà cho hoàn cảnh ông Văn, bà con chúng tôi mừng lắm. Chúng tôi sẽ chung tay hỗ trợ nhân công phá dỡ, vận chuyển vật liệu, và xây dựng cùng gia đình…", ông Duyến chia sẻ.
Hưởng ứng mục tiêu của Chính phủ đến cuối năm 2025, đầu năm 2026 cả nước cơ bản không còn nhà tạm, nhà dột nát, báo Dân trí triển khai Chương trình Xóa 100 căn nhà tạm, nhà dột nát, tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng lao động trên cả nước. Mục tiêu của báo Dân trí đề ra mỗi hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tối thiểu 50 triệu đồng từ nguồn tiền ủng hộ của bạn đọc, mạnh thường quân trong nước và nước ngoài. Chương trình đặt ra tiêu chí mỗi ngôi nhà "3 cứng" đều có sự chung tay của chính quyền địa phương, bạn đọc, mạnh thường quân đồng hành cùng báo Dân trí. |
Bài, ảnh, video: Hương Hồng
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Chị Triệu Thị Mai (vợ anh Bàn Tuấn Văn)Địa chỉ: Xóm Nà An, Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng
ĐT: 0365219126
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.
Đọc thêm chi tiết về hoàn cảnh MS 5222