Hồ sơ mã số 5198

16/04/2024

Đôi vợ chồng lao phổi, chạy xe ôm, nhặt rau kiếm từng đồng nuôi con ăn học

Hai vợ chồng chị Thúy đều mắc bệnh lao phổi, không thể lao động nặng nhọc. Hai cô con gái của chị Thúy mới học lớp 1. Cả nhà 4 người lay lất qua ngày bằng thu nhập từ chạy xe ôm và nhặt rau mướn.

Hai con 9-10 tuổi mới vào lớp 1

Một ngày giữa tháng tư, trong cái nắng hầm hập của tiết trời 40 độ, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (42 tuổi, ngụ ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang). Gọi là nhà nhưng đó lại là căn phòng trọ rộng chưa đến 10m2, không khí nóng bức càng khiến ai nấy mệt nhoài.

Đôi vợ chồng lao phổi, chạy xe ôm, nhặt rau kiếm từng đồng nuôi con ăn học - 1

Ba mẹ con chị Thúy ngồi nhặt rau trong dãy trọ chật hẹp, nóng bức (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chị Thúy mới ngoài 40 nhưng sức khỏe rất yếu. Chị kể, bản thân phát bệnh lao phổi mới 7 tháng nhưng biến chứng căn bệnh khiến chị bị thêm gan nhiễm độc, viêm dạ dày tá tràng... Ăn vào là ói, cổ họng lúc nào cũng nghẹn bứ chẳng nuốt được thức ăn cứng. Vì có khối u ở cuống họng nên chị chỉ có thể ăn cháo, uống sữa. Từ năm mươi mấy ký lận, người phụ nữ sụt cân còn 40kg bởi căn bệnh hiểm nghèo.

"Giờ đây tôi sống được ngày nào hay ngày đó, tiền ăn, tiền trọ còn không có lấy đâu ra tiền chữa bệnh. Tôi chết cũng không sao, chỉ khổ cho hai đứa con còn nhỏ xíu mà mồ côi mẹ...", chị Thúy bật khóc nói.

Đôi vợ chồng lao phổi, chạy xe ôm, nhặt rau kiếm từng đồng nuôi con ăn học (Video: Bảo Kỳ).

Chị Thúy vốn là người Sóc Trăng, 15 năm trước, qua mai mối, chị Thúy kết hôn với anh Nguyễn Văn Tèo (51 tuổi) quê gốc Hậu Giang. Do nhà vợ và chồng đều khó khăn, ruộng vườn chẳng có nên hai vợ chồng phải nay đây mai đó, bôn ba làm thuê xứ người. Những năm tháng đó, hai người làm phụ hồ cho các công trình xây dựng nhà ở tại TPHCM, Bình Dương.

Đôi vợ chồng lao phổi, chạy xe ôm, nhặt rau kiếm từng đồng nuôi con ăn học - 2

Gần 1 năm phát bệnh lao phổi biến chứng qua gan nhiễm độc, viêm dạ dạy tá tràng... chị Thúy không thể đi làm. Sự sống mỗi ngày cầm cự nhờ thuốc men nhưng nếu không đủ tiền chữa trị, sức khỏe sẽ ngày một suy yếu (Ảnh: Bảo Kỳ).

Năm 2014, 2015, chị Thúy lần lượt hạ sinh hai cô con gái là bé Nguyễn Thị Khả Hân và Nguyễn Thị Khả Linh. Lúc con còn nhỏ chị Thúy phải ở nhà chăm con. Khi ấy anh Tèo phải gánh vác kinh tế chính.

Khi Hân và Linh được 3-4 tuổi, chị Thúy xin vào quán cơm, may nhờ chủ quán thương tình cho chị mang con theo làm.

"Con theo tôi làm việc, đôi lúc nó giúp lau bàn, hoặc bưng nước cho khách. Chủ thấy thương lâu lâu cho hai đứa 10.000-20.000 đồng. Lúc đó làm cũng có tiền, định gửi con đi học nhưng ai ngờ chồng tôi phát bệnh lao, phải nghỉ làm hồ. Tiền bạc không đủ xoay sở nên chưa thể cho con đi học đúng tuổi. Từ lúc về quê tôi mới làm hồ sơ nhập học, hai đứa 9-10 tuổi và đang học lớp 1", chị Thúy giải thích vì sao cho hai con gái đi học trễ.

Làm đủ nghề vẫn bữa đói, bữa no

Dịch Covid-19 ập đến, vợ chồng chị Thúy không thể đi làm, tiền tích góp bao nhiêu năm xài đã hết. Sau đại dịch, kinh tế suy thoái, nhiều nơi cắt giảm nhân sự, các công trình mướn người trẻ thay vì lao động lớn tuổi như anh Tèo, thế là người đàn ông chuyển sang chạy xe ôm.  

Tâm sự với phóng viên, anh Tèo kể, từ ngày vợ anh phát bạo bệnh, tiền ăn uống, chi tiêu hằng ngày trở thành gánh nặng quá lớn, cầm cự không nổi nên giữa năm 2023, vợ chồng anh chuyển về Hậu Giang thuê nhà trọ sống tạm. 

"Nhà mẹ ruột tôi cũng nghèo, có con cái ở chung nữa, dọn về sống lại không có chỗ nên tôi mướn tạm căn phòng trọ cách đó 5km. Mỗi ngày tôi chạy xe ôm kiếm được đồng nào hay đồng đó", anh Tèo nói. 

Thời buổi bây giờ chạy xe ôm truyền thống như anh Tèo chẳng dễ dàng, có hôm may mắn chạy được nhiều cuốc anh kiếm được trên trăm nghìn đồng, lắm khi ế khách chẳng làm được đồng nào còn lỗ tiền xăng. 

"Nhiều lần chạy xe không có tiền tôi phải mượn mẹ vài chục nghìn đồng đổ xăng, mua đồ ăn cho cả nhà. Mẹ già rồi tôi không trả hiếu được mà còn khiến bà lo lắng. Lắm lúc muốn bỏ hết, chết cho xong nhưng nghĩ lại còn các con nên lại thôi. Cố nuốt nước mắt vào trong lòng để sống qua ngày", anh Tèo buồn bã nói.

Theo anh Tèo, thu nhập từ chạy xe ôm không đủ sống, vài tháng nay anh lãnh thêm 50 tờ vé số bán dạo. Còn chị Thúy nhặt rau nhút mướn cho vựa, mỗi kg rau nhút nhặt sạch được trả công 2.000 đồng. Không nhiều nhưng gom góp vẫn mua được ít gạo, muối...

Đôi vợ chồng lao phổi, chạy xe ôm, nhặt rau kiếm từng đồng nuôi con ăn học - 3

Anh Tèo chạy xe ôm, bán vé số nhưng cả gia đình vẫn bữa đói, bữa no (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Phan Thành Tuấn, giáo viên trường tiểu học Long Thạnh 2 cho biết, hoàn cảnh em Hân và Linh rất khó khăn, do cha mẹ không có điều kiện nên các con mới đi học trễ. Thời gian qua nhà trường cũng giúp đỡ sách vở để hai em đến trường. 

"Tôi mong rằng bạn đọc của báo Dân trí khi xem được bài viết này sẽ chung tay giúp đỡ, tạo điều kiện cho Hân và Linh được học hành đến nơi đến chốn", ông Tuấn nói.

Bà Phạm Ngọc Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh xác nhận hoàn cảnh hộ chị Thúy thuộc diện khó khăn, cần sự sẻ chia của cộng đồng. Địa phương mong rằng mạnh thường quân, nhà hảo tâm sẽ đồng cảm, giúp đỡ để gia đình chị Thúy vượt qua nghịch cảnh. 

Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy
Địa chỉ: ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang.
SĐT: 0383620371

Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.

Cập nhật số tiền quyên góp MS 5198

Số liệu tới 04/05/2024

Đang hoạt động

Thông tin quyên góp

Số tiền đã nhận được

-

Lượt quyên góp

-

Hoàn cảnh khác