Nhiễm phải loại "khuẩn ăn thịt người", tính mạng anh Lê Sĩ Hải (ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) đang "ngàn cân treo sợi tóc". Cuộc sống gia đình anh vốn khó khăn, giờ nợ lại chồng nợ.
Nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, người đàn ông 36 tuổi suy đa tạng, nguy kịch tính mạng
Trong phòng bệnh của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, anh Lê Sĩ Hải, SN 1988 (trú tại Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa) vẫn đang hôn mê sâu. Quanh giường bệnh là đủ loại máy móc, thiết bị y tế tối tân trợ giúp người bệnh duy trì mạng sống mong manh.
Không được vào phòng cách ly chăm chồng, chị Lê Thị Tâm, SN 1993 (vợ anh Hải) chỉ còn biết đứng bên ngoài buồng bệnh, ánh mắt lo lắng dõi theo từng cử động dù là nhỏ nhất của người chồng.
Nhiễm "khuẩn ăn thịt người", người đàn ông 36 tuổi suy đa tạng, nguy kịch tính mạng
Trong phòng bệnh của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, anh Lê Sĩ Hải (SN 1988, trú tại Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa) vẫn hôn mê sâu. Quanh giường bệnh là đủ loại máy móc, thiết bị y tế tối tân trợ giúp người bệnh duy trì mạng sống mong manh.
Không được vào phòng cách ly chăm chồng, chị Lê Thị Tâm (SN 1993, vợ anh Hải) chỉ còn biết đứng bên ngoài, ánh mắt lo lắng dõi theo từng cử động dù là nhỏ nhất của người chồng.
Nhìn cơ thể người chồng teo tóp, ngực phập phồng theo từng nhịp máy thở…, người vợ đã không thể chịu đựng nổi, 2 chân chị Tâm run rẩy rồi từ từ khụy xuống hành lang.
"Anh ấy bị sốt cao không hạ mấy ngày liền, nhưng cứ sợ tốn tiền nên không đi khám. Đến khi ngất xỉu thì được mọi người đưa đi cấp cứu. Gần một tháng rồi, chồng em vẫn chưa tỉnh. Bác sĩ bảo có lẽ do môi trường làm việc tiếp xúc với bùn đất nhiều, nên anh ấy bị nhiễm vi khuẩn chết người này….", chị Tâm bật khóc.
Bác sĩ Lê Thị Huyền, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ về tình hình bệnh nhân: "Ngày 8/11, bệnh nhân Lê Sĩ Hải được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết, đái tháo đường.
Kết quả cấy máu đã xác định, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei còn gọi là "khuẩn ăn thịt người", tác nhân gây bệnh Whitmore".
Bác sĩ Huyền cho biết thêm, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã điều trị tích cực với các can thiệp như Ecmo (hệ thống tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục, duy trì vận mạch liều cao.
Sau thời gian điều trị, hiện bệnh nhân đã có cải thiện, cắt được vận mạch, hết sốt, nhưng vẫn phải duy trì Ecmo, lọc máu, tiên lượng vẫn rất nặng.
"Do bệnh nhân phải sử dụng các trang thiết bị, thuốc bậc cao…, nên chi phí ước tính cần khoảng 10-15 triệu/ ngày (đã trừ BHYT). Nếu tiến triển tốt, bệnh nhân phải điều trị hồi sức tích cực ít nhất 1 tháng nữa.
Chúng tôi được biết, hoàn cảnh gia đình bệnh nhân hết sức khó khăn. Lao động chính của gia đình 6 miệng ăn bỗng dưng lâm bệnh hiểm nghèo, những người thân của anh chới với không biết bấu víu vào đâu. Qua đây, chúng tôi rất mong bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ, cho anh Hải thêm cơ hội được tiếp tục sống, trở về với gia đình", bác sĩ Huyền tha thiết.
Vợ nghèo khẩn cầu nhà hảo tâm cứu chồng
Vừa khóc, chị Tâm vừa chia sẻ với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình. Ở vùng quê nghèo ít ruộng đất, để kiếm kế sinh nhai trang trải cuộc sống, năm 2018, vợ chồng chị bàn bạc với bố mẹ chồng đem cầm cố ngân hàng cuốn sổ đỏ căn nhà đang ở được hơn 200 triệu để mua máy xúc, với hy vọng cải thiện cuộc sống khó khăn.
Nhưng mua máy chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát…, nên khó kiếm việc. Giờ đây, nợ vẫn chưa trả hết thì anh Hải bất ngờ lâm bệnh hiểm nghèo.
Chị Tâm làm công nhân giày da cách nhà hơn chục cây số, với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Từ ngày chồng đổ bệnh, chị phải xin nghỉ làm để vào bệnh viện chăm sóc, thành thử không còn thu nhập. Cuộc sống của gia đình chị Tâm vốn khó khăn nay lại càng túng quẫn hơn.
Thương chồng, nghĩ đến 2 đứa con, chị Tâm lại càng xót. Bé Thanh Trúc (8 tuổi), bé Nhật Minh (3 tuổi), gần tháng nay không thấy bố về nên lúc nào cũng hỏi han, đòi bố.
Chị Tâm bộc bạch, khi chị vừa trở về nhà để đi vay tiền, cả 2 đưa con khóc, đòi đi tìm bố khiến chị đau như có ai cầm dao cứa. Chị đành phải nói dối các con là "bố đi làm mấy bữa nữa mới về".
Ngậm ngùi, gạt nước mắt, theo chuyến xe muộn lên bệnh viện với chồng mà trong lòng chị Tâm ngổn ngang, bề bộn.
"Bệnh của chồng em tốn hàng chục triệu mỗi ngày, giờ em không biết hỏi vay ở đâu được nữa. 2 đứa con thơ ngày nào cũng khóc, bắt ông bà gọi điện cho bố, làm em càng rối bời…
Trong lúc này, em thấy mình vô dụng và bất lực quá. Xin các bác, cô, chú..., cứu chồng em với! ", 2 hàng nước mắt lăn dài, 2 tay chắp trước ngực, người vợ đau đớn ngồi bệt xuống nền nhà lạnh lẽo.