
Dù mắc ung thư vòm họng, sức khỏe suy yếu, nhưng bà Nam vẫn phải gồng mình lo từng miếng ăn, viên thuốc cho con gái và đồng hành theo từng bước chân của đứa cháu ngoại sinh ra trong sóng gió cuộc đời.
Mẹ ung thư vòm họng cố sống để chăm lo con gái tâm thần và cháu ngoại nhỏ dại
Khi biết bản thân bị mắc ung thư vòm họng vào năm 2012, bà Phương Thị Nam ở thôn La Xuyên, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, từng nghĩ sẽ không qua khỏi. Kể lại câu chuyện của mình, bà Nam tin rằng, chính nỗi lo lắng cho cô con gái mắc bệnh tâm thần và đứa cháu ngoại còn nhỏ dại thiệt thòi đã tiếp thêm nghị lực sống, giúp bà vượt qua bệnh tật.
Vợ chồng bà Nam sinh được 5 người con gái. Chị Lê Thị Liên (SN 1992) là con gái đầu và bị mắc bệnh tâm thần nặng.

Tuổi ngày càng cao, sức đã mòn, bà Nam đã cùng cực, tấm áo cũng chẳng lành (Ảnh: Thu Hằng).
Ở nhà, mọi việc chăm sóc cho chị Liên chỉ mình bà Nam làm được. Mỗi khi vắng mẹ, Liên vật vờ khắp làng trên, xóm dưới. Có lần, chị đi lang thang bị ngã xuống ao, may mắn có người phát hiện kịp thời và kéo lên.
Do mắc bệnh nên chị Liên không kiểm soát được hành vi, nhiều lần còn đánh cả mẹ. Thương con, bà Nam chưa bao giờ giận hay trách móc.
Đầu năm 2016, khi cả gia đình vẫn đang tập trung lo chạy chữa bệnh cho bà Nam thì biến cố ập đến. Chị Liên bất ngờ có thai mà không biết ai là bố đứa trẻ.
Nghĩ đến đứa trẻ sắp chào đời trong cảnh éo le, bà Nam khóc mấy đêm liền. Bà tự trách bản thân, vì bệnh tật không trông coi con gái chu đáo nên mới xảy ra cơ sự.

Bà Nam bảo: "Cứ sểnh ra là Liên lại đi lang thang khắp làng trên, xóm dưới, chẳng biết sợ ai" (Ảnh: Xuân Quang).
Bé Lê Tiến Dũng, con của chị Liên, sinh ra trong hoàn cảnh đó. Thương con, xót cháu, bà Nam đã trở thành người bạn đồng hành của Dũng trong từng bữa ăn, giấc ngủ và mỗi buổi đến trường.
"Sinh con được mấy ngày, Liên lại đi lang thang, mặc kệ ở nhà bà và các dì thay nhau bón cho cháu từng thìa sữa. Mấy ai hiểu được cảnh con sinh ra đã không có bố, mẹ có cũng như không…", bà Nam nói trong nước mắt.
Chồng bà Nam là ông Lê Thế Vượng (59 tuổi), trước đây làm xây dựng và thường xa nhà. Từ khi chị Liên sinh bé Dũng, ông Vượng bỏ nghề xây dựng, chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. Bà Nam vừa chăm con gái, trông cháu, vừa đi thu gom phế liệu quanh xã để bán. Công việc không ổn định nên thu nhập của 2 vợ chồng bà Nam rất bấp bênh.
Giữa năm 2020, ông Vượng không may bị tai nạn giao thông, gãy cả hai chân và xương bả vai, mất gần 2 năm để hồi phục. Vậy là mọi gánh nặng mưu sinh dồn hết lên vai bà Nam.
Thương mẹ ung thư mà vẫn phải tần tảo nuôi cả gia đình, 2 người con gái đang học đại học định bỏ ngang để đi làm kiếm tiền giúp mẹ. Biết chuyện, bà Nam khóc rồi đi vay đi mượn khắp nơi, động viên các con tiếp tục đến trường. Người phụ nữ lam lũ biết rằng, chỉ đi học, có kiến thức, các con mới có cơ hội thay đổi cuộc đời.

Đi học về, Dũng lại phụ giúp bà ngoại phân loại phế liệu (Ảnh: Xuân Quang).
Mẹ tâm thần, ông bà ngoại bệnh tật, tương lai nào cho đứa trẻ thiệt thòi?
Bà Nam kể: "Ngày trước, cháu Dũng thường hỏi tôi, bà ơi, các bạn hỏi con vì sao không có bố, bố con đâu? Sao mẹ Liên không bế con? Tôi ít chữ, chỉ biết dỗ cháu chấp nhận thực tế là mình không được như các bạn.
Lớn hơn, Dũng dần hiểu chuyện và không hỏi nữa, nhưng tôi biết, sâu trong lòng thằng bé vẫn khao khát được như những đứa trẻ khác, có cha vỗ về, có mẹ ôm vào lòng".

Dù rất cố gắng để kết nối, nhưng Dũng dần hiểu, mẹ mình không giống như mẹ của các bạn (Ảnh: Thu Hằng).
Có lần, bà Nam thấy cháu ngồi ở một góc nhà, vẽ lên tường một ngôi nhà nhỏ. Trong bức tranh, một phía có ông bà ngoại, còn phía bên kia là người mẹ nhưng khuôn mặt trống trơn. Nhìn tranh cháu vẽ, bà nghẹn ngào không nói nên lời.
Nhìn Dũng ngày một lớn, bà Nam và ông Vượng lại càng trăn trở về tương lai của đứa cháu thiệt thòi.
"Chúng tôi đều bệnh tật, ốm yếu, chả biết sống chết thế nào. Mấy em gái của Liên cũng đều khó khăn. Chúng tôi lo lắm, không biết cuộc sống sau này của hai mẹ con nó sẽ thế nào. ", bà Nam thở dài.
Không dám nghĩ tiếp, nhưng nỗi lo ấy cứ thế đè nặng trên vai người ông ốm đau, người bà bệnh tật. Bà Nam luôn tự nhủ: "Chỉ cần còn sống, bà sẽ làm tất cả để cháu có tương lai tốt đẹp hơn".
Mẹ già "gánh" con gái tâm thần và cháu ngoại nhỏ dại không cha
Cô Hoàng Thị Nụ, giáo viên chủ nhiệm của Dũng cho biết: "Dù học lực ở mức trung bình khá, nhưng Dũng rất thông minh, nhất là môn toán. Tuy nhiên, em lại ít có hoạt động giao tiếp với bạn bè. Có lẽ, em ý thức được hoàn cảnh của mình không được tròn trịa như các bạn khác".

Bé Dũng đang học lớp 3, rất ngoan ngoãn, ham học và chịu khó giúp ông bà việc nhà (Ảnh: Xuân Quang).
Là người trực tiếp nắm địa bàn, ông Hoàng Xuân Thành, Trưởng thôn La Xuyên cho biết, cháu Lê Tiến Dũng có mẹ mắc bệnh tâm thần, cuộc sống hàng ngày đều do ông bà ngoại già yếu, bệnh tật lo liệu.
"Chúng tôi rất mong bạn đọc và các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ để gia đình vượt qua khó khăn, cháu Dũng có thêm cơ hội được học tập và trưởng thành", ông Thành bày tỏ.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Bà Phương Thị NamĐịa chỉ: Thôn La Xuyên, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.