(Dân trí) - Thẻ bảo hiểm y tế được xem là cứu cánh cho bệnh nhân nghèo. Dẫu biết lợi ích từ tấm "phao cứu sinh", nhưng người dân vùng cao Phú Yên vẫn không mua nổi cho con vì còn khó khăn, phải chạy ăn từng bữa.
Sáng sớm, chị Hờ Nin (33 tuổi, ở Buôn Quen, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), cùng chồng lên rẫy cắt 3 bao cỏ cho con bò mới mua từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách. Vừa về đến nhà, chồng chị Nin ăn vội cái bánh lót dạ rồi nhanh chóng leo lên xe, hướng về phía đồi cao để bốc vác cây keo lá tràm thuê.
"Anh đi làm tới tối mịt mới về, nhưng một ngày công lao động ở đây chỉ 200.000 đồng, thấp lắm", chị Nin cho hay.
Một mình chồng đi làm, còn chị Nin ở nhà chăm 2 con nhỏ và hái rau, cắt cỏ nuôi bò. Với nguồn thu nhập ít ỏi, bấp bênh, lại nuôi 4 miệng ăn nên gia đình chị Nin vẫn thuộc hộ khó khăn suốt nhiều năm liền.
Mới đây, cậu con trai Y Thương (14 tuổi) phải nhập viện vì căn bệnh viêm tai, nhưng ngặt nỗi gia đình không mua Bảo hiểm y tế (BHYT) cho cháu, nên tiêu tốn cả chục triệu đồng, trong đó phải nộp 100% tiền viện phí.
Ngoài Y Thương, thêm 3 thành viên trong gia đình chị Nin cũng không tham gia BHYT.
"Có đi viện mới thấy được giá trị của BHYT nhưng bây giờ nhà tôi 4 người nếu sắm bảo hiểm hết cũng mất tiền triệu. Muốn có số tiền trên, gia đình tôi chắc phải nhịn ăn, nhịn mặc một tháng mới đủ tiền mua, khó lắm", chị Nin chia sẻ.
Là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, lại thất nghiệp chị Hờ Mai, ở xã Ea Bar, cũng canh cánh nỗi lo khoản tiền đóng học phí và cả tiền BHYT cho các con sắp vào năm học mới 2024-2025.
Chị Hờ Mai cho biết trước đây làm việc ở quán ăn với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời gian gần đây hàng quán ế ẩm, nên chị mất việc. Một mình chăm lo từ cơm ăn, áo mặc đến chuyện học hành cho 2 con thơ, đối với bản thân chị thực sự khó khăn.
"Mua được thẻ BHYT, nếu nhỡ có phải đi viện bảo hiểm sẽ "gánh" phần lớn viện phí, mình chỉ lo chi phí đi lại, ăn uống. Dẫu biết lợi ích của BHYT, nhưng giờ bản thân thì thất nghiệp, còn thêm phần nợ nần nên tôi sợ không mua được bảo hiểm cho 2 con", chị Hờ Mai chia sẻ.
Ông Lê Mô Y Bông, Phó Chủ tịch UBND xã EaBar, cho biết những năm gần đây các đơn vị, tổ chức của địa phương đã đến từng hộ dân vận động mọi người tham gia mua thẻ BHYT để đề phòng rủi ro cho các thành viên trong gia đình.
Theo ông Bông, sau khi vận động, một số gia đình cố gắng tiết kiệm, tham gia. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hộ vì gia cảnh còn khó khăn nên chưa mua được thẻ BHYT.
"Đại bộ phận người dân ở địa phương chủ yếu sống nhờ vào ngày công lao động đi làm thuê, sau khi trừ sinh hoạt phí trong gia đình, không còn khoản để dành mà mua thẻ BHYT. Một ngày làm công ở đây, người dân chỉ được trả 200.000 - 250.000 đồng", Phó Chủ tịch xã EaBar cho hay.
Theo Bảo hiểm xã hội huyện Sông Hinh, tính đến giữa tháng 7, trên địa bàn toàn huyện còn khoảng 3.000 người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điều kiện tham gia BHYT.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội huyện Sông Hinh cho biết thêm hiện nay, đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ đối tượng này 70% mức đóng BHYT trong 3 năm kể từ ngày 1/11/2023.
Tuy nhiên, nhiều gia đình ở Sông Hinh điều kiện kinh tế thật sự khó khăn, làm ăn xa, thiếu ổn định nên chưa quan tâm tham gia BHYT để dự phòng rủi ro.
Chương trình "Nâng bước đến trường - Trao tặng thẻ BHYT cho học sinh khó khăn" lần thứ 3 do báo Dân trí phát động được triển khai với mục tiêu trao tặng thẻ BHYT cho 1.500 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc trong năm học 2024-2025. Mỗi tấm thẻ là một món quà vô giá, mang đến niềm hy vọng về sức khỏe và tương lai tươi sáng cho các em. |