Tài chính và ngân hàng giữ thế “thượng phong” trong tỷ lệ thưởng

Kết quả khảo sát lương 2017 do Talentnet và đối tác quốc tế Mercer thực hiện vừa được công bố cho thấy Tài chính và Ngân hàng vẫn sở hữu tỷ lệ thưởng theo thành tích cao nhất, dù phần trăm tăng lương có hơi chững lại trong tốp thấp nhất.

Cụ thể, Ngân hàng và Tài chính là hai ngành có tỷ lệ thưởng theo thành tích cao nhất, đạt mức 20.7% và chỉ đứng sau Nông nghiệp (22.1%) vốn là một trong những ngành mũi nhọn quốc gia. Năm 2016, đây cũng là các ngành có tỷ lệ thưởng cao nhất trên thị trường.

Tuy nhiên, khi xét đến tỷ lệ tăng lương, Ngân hàng lại là một trong 3 ngành có tỷ lệ tăng thấp nhất (5.7%), chỉ nhỉnh hơn Dầu khí (4.6%).

Tài chính và ngân hàng giữ thế “thượng phong” trong tỷ lệ thưởng - 1

Theo những dự đoán khả quan về sự phát triển kinh doanh vào năm 2017-2018, các công ty có kế hoạch tăng mức thưởng cao hơn so với năm ngoái. Các công ty Việt Nam tiếp tục có mức thưởng cao hơn so với công ty nước ngoài.

Tài chính và ngân hàng giữ thế “thượng phong” trong tỷ lệ thưởng - 2

Năm 2017, mức lương trung bình của các công ty trong nước thấp hơn 29% so với các công ty đa quốc gia. Tỷ lệ chênh lệch về mức lương cơ bản hàng năm cho các vị trí khác nhau giữa các công ty đa quốc gia và doanh nghiệp Việt là 15% (Nhân viên), 30% (Chuyên viên) và 41% (Quản lý). Mức chênh lệch lương có xu hướng tăng ở cấp quản lý (41%) do các công ty đa quốc gia trả lương cao hơn cho vị trí quản lý cấp cao nhằm tương thích với mức độ đóng góp và phạm vi công việc. Mặt khác, các công ty trong nước có xu hướng linh hoạt trong việc chi thưởng để tăng cường khả năng thu hút ứng viên tài năng so với các công ty nước ngoài.

Tài chính và ngân hàng giữ thế “thượng phong” trong tỷ lệ thưởng - 3

Ngoài ra, kết quả Khảo sát lương Talentnet – Mercer 2017 cũng chỉ ra những vị trí “hot” trên thị trường, hiện đang khó tuyển và khó giữ nhất bao gồm cấp quản lý & chuyên viên sales, Kỹ sư. Dự kiến từ đây đến năm 2018, nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp sẽ gia tăng tuy một số công ty vẫn cần cắt giảm nhân lực.

“Sở hữu nguồn lực lao động có độ tuổi trung bình trẻ nhất trong khu vực (30 tuổi), cộng với sự phát triển của nền kinh tế 4.0, Việt Nam hiện là một thị trường lao động đầy thú vị nhưng cũng vô cùng thách thức với các doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược lương thưởng và phúc lợi để thu hút và giữ chân nhân tài.” Bà Hoa Nguyễn, Giám đốc cấp cao Bộ phận Khảo sát lương và Tư vấn Nhân sự của Talentnet chia sẻ.

Chưa kể đến thực tế Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực ở tỷ lệ nghỉ việc (cùng với Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc – Báo cáo lương từ Mercer năm 2015 & 2016), nên nếu các doanh nghiệp không “tích cực” hơn trong việc tăng thế cạnh tranh của mình trên thị trường, tìm ra được những chế độ đãi ngộ mang tính cải tiến khác biệt, sẽ rất dễ đi vào vòng luẩn quẩn tuyển người, đào tạo dàn trải mà không giữ được nhân viên.

Được biết, đây là năm thứ 10 liên tiếp Talentnet và Mercer - Công ty hàng đầu thế giới về tư vấn nhân sự thực hiện và công bố kết quả khảo sát lương tại Việt Nam. Năm 2017, khảo sát thu hút sự tham gia của 592 công ty trong 16 ngành nghề từ Công nghệ, Hàng tiêu dùng, Dược phẩm, Hóa phẩm, Dược và Sản xuất,…với nguồn thông tin dữ liệu được thu thập từ 289,236 nhân viên trên khắp Việt Nam.

Khánh Thơ (Theo Talentnet)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm