Giải bài toán giữ chân nhân tài

Nguồn nhân lực mạnh được coi là bí quyết tạo nên lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp thành công trên thế giới. Bill Gates, nguyên chủ tịch tập đoàn máy tính lừng danh Microsoft từng nói: “Nếu lấy đi 20 nhân vật quan trọng nhất của chúng tôi thì Microsoft sẽ trở thành công ty bình thường.”

Ngày nay, thu hút và giữ chân nhân tài không phải là chuyện nội bộ của một tổ chức cụ thể nào mà là vấn đề ưu tiên của mọi doanh nghiệp. Nhân sự chuyển việc gây ra biến động cho hoạt động của công ty và tốn kém về tài chính. Ước tính, chi phí tuyển dụng một người mới cao gấp 150% lương của nhân viên cũ, chưa kể thời gian để người mới hòa nhập làm quen với môi trường.

Mặc dù các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm cách thức thu hút và giữ chân nhân tài, phát hiện thú vị của Leigh Branham, tác giả cuốn “7 lý do nhân sự chuyển việc” – 1 trong 30 đầu sách quản trị “best seller” của năm cho thấy sự cách biệt giữa nhận thức của các nhà quản lý và thực tế. Trả lời câu hỏi: “Điều gì khiến nhân sự chuyển việc?”, các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng 89% là do muốn được tăng thu nhập; 11% là lý do khác. Trong khi đó, phản hồi từ người lao động chuyển việc lại cho thấy, chỉ có 12% ra đi vì muốn có thêm thu nhập và 88% là những lý do khác.

Theo Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, thu hút và giữ chân nhân tài phải là một chiến lược, chứ không phải là giải pháp đối phó. Đó là một chuỗi liên tục, từ khâu tuyển dụng đến đào tạo, gìn giữ và phát huy nguồn nhân lực.

Giải bài toán giữ chân nhân tài - 1

Các chuyên gia nhân sự đã phân loại các yếu tố tác động đến nhân viên thành 2 nhóm: yếu tố logic và yếu tố cảm xúc. Trong đó, yếu tố logic liên quan đến lương, phúc lợi, thách thức công việc, phát triển nhân viên gắn với thu nhập và năng lực, còn yếu tố cảm xúc liên quan đến cấp trên, văn hóa, giá trị, sự tôn trọng, trao quyền, sự tán thưởng… Yếu tố logic là những yếu tố trực tiếp tác động đến việc doanh nghiệp có thu hút được người tài hay không, nhưng yếu tố cảm xúc mới là điều kiện quyết định sự gắn bó của họ với doanh nghiệp.

Là ngân hàng quy mô lớn với trên 7.200 nhân viên và trải rộng hoạt động trên 54 tỉnh thành khắp cả nước, Techcombank được biết đến là một ngân hàng có chiến lược và chính sách nổi trội về giữ chân nhân tài. Trao đổi về chủ đề này, bà Phạm Vũ Minh Đan, Giám đốc Khối Quản trị nguồn nhân lực Techcombank chia sẻ: “Tại Techcombank, chúng tôi tâm niệm để khách hàng nhận được những dịch vụ tài chính hoàn hảo, đội ngũ cung cấp dịch vụ cần được đối xử và làm việc trong một môi trường hoàn hảo. Mảng phúc lợi của TCB đã và sẽ trở nên rất cạnh tranh trên thị trường, nhưng đó không phải là tất cả. Chúng tôi đặc biệt chú trọng những chính sách về đào tạo phát triển và xây dựng lộ trình nghề nghiệp cho cán bộ nhân viên”.

Cụ thể, trong năm 2015 là năm “Phát triển nhân lực” của Techcombank, ngân hàng tiếp tục thực hiện Dự án Phân nhóm & Phát triển nghề nghiệp (JobCat) bắt đầu từ năm 2014 với quy mô toàn hàng, trong năm 2015 triển khai tập trung cho đội ngũ bán hàng trực tiếp. Tính đến tháng 12/ 2015, đã có 35/39 môn học với 313 khóa học triển khai nội bộ với 16.478 lượt CBNV tham gia. Song song với đó, Techcombank cũng đẩy mạnh việc ghi nhận thành tích và khen thưởng. Năm 2015, Ngân hàng đã phát động “Giải thưởng người phát triển nhân lực của năm - WeGrow” nhằm tôn vinh các cán bộ quản lý vừa phát triển bản thân, vừa tích cực đào tạo, xây dựng đội ngũ kế thừa.

Không chỉ dừng ở đó, Techcombank cũng được ghi nhận là doanh nghiệp xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp trong những năm qua, với rất nhiều hình thức đa dạng như: văn hóa làm gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nỗ lực tăng cường hiệu quả phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các bộ phận, thúc đẩy và lan tỏa niềm tin đối với những việc làm tốt, con người tốt trong ngân hàng…

Chiến lược nhân sự toàn diện của Techcombank đã tỏ ra khá hiệu quả qua những chỉ số tích cực được cải thiện hàng năm. Khảo sát Mức độ Hiệu quả của Nhân viên Techcombank (EES) năm 2015 cho thấy chỉ số Gắn kết và chỉ số Tạo Điều kiện (Employee Engagement & Employee Enablement - lần lượt đạt mức 63% và 71% - có sự cải thiện đáng kể so với kết quả khảo sát gần nhất trước đó. Niềm tin của CBNV vào Ngân hàng (sẵn sàng giới thiệu bạn bè và người thân vào làm việc) cũng tăng điểm, đạt trên ngưỡng 70% tán thành. Mức độ gắn kết năm 2015 đã tăng thêm 8% so với năm 2013. Tỷ lệ CBNV dự định làm việc với Ngân hàng trong 5 năm tới tăng từ 35% năm 2013 lên 44%.

Mặc dù môi trường làm việc của ngành ngân hàng được coi là có mức độ cạnh tranh gay gắt và yêu cầu khá thách thức, giữa tháng 3 vừa qua, Ngân hàng này tiếp tục trở thành một trong 3 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành Tài chính và Ngân hàng và lần đầu tiên được ghi nhận là một trong 2 nơi làm việc tốt nhất trong ngành Đầu tư/Kiểm toán/Kế toán (theo Khảo sát “Sức khỏe thương hiệu nhà tuyển dụng Việt Nam năm 2015” của Anphabe và Nielsen).

Thực tế triển khai chiến lược quản trị nhân sự toàn diện tại Techcombank cho thấy, đối với người lao động, lương cao, phúc lợi tốt là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Đến một mức nhất định, môi trường làm việc và đặc biệt là văn hóa doanh nghiệp mới chính là những sợi “lạt mềm” giúp giữ chân nhân tài, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để họ cống hiến và gắn bó với tổ chức lâu dài.