Cửa vẫn hẹp cho các công ty tài chính tìm vốn đầu vào

Dù được phép phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn, thực tế dù đưa ra mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi rất hấp dẫn nhưng vẫn rất khó để các công ty tài chính có thể tìm được nguồn vốn trung, dài hạn.


Hiện nay, các Công ty tài chính vẫn phải chịu những quy định của NHNN khiến cho việc giảm lãi suất cho vay trở nên khó khăn.

Hiện nay, các Công ty tài chính vẫn phải chịu những quy định của NHNN khiến cho việc giảm lãi suất cho vay trở nên khó khăn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của toàn hệ thống tín dụng Việt Nam đã tăng hơn 16% so với đầu năm, vượt mức 8,5 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 378 tỷ USD.

Năm 2016, tất cả tổ chức tín dụng (TCTD) trong hệ thống đều ghi nhận tổng tài sản tăng so với hồi đầu năm. Trong đó, nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính là nhóm có mức tăng tổng tài sản lớn nhất hệ thống với tỷ lệ tăng hơn 30%, đạt mức 114.370 tỷ đồng.

Cho phép tự huy động vốn để giảm lãi suất

Như các chuyên gia tài chính đã phân tích, áp lực khiến lãi suất cho vay của các CTTC cao hơn ngân hàng thương mại do 2 yếu tố chính. Thứ nhất, các CTTC không thể tự chủ trong việc huy động vốn, buộc họ phải tìm nguồn vốn bằng cách đi vay từ các ngân hàng và TCTD khác với lãi suất rất cao, lãi suất đầu vào cao khiến cho lãi suất đầu ra cũng tăng theo. Thứ hai, với bản chất là cho vay tín chấp, hỗ trợ tiêu dùng, các hợp đồng cho vay tiêu dùng có độ rủi ro cao hơn so với vay tại ngân hàng. Vì vậy, các CTTC phải tính một phần chi phí rủi ro vào lãi suất cho vay.

Theo Thông tư 34/2013/TT-NHNN ban hành hồi cuối năm 2013 thì các TCTD phi NH trong đó có các CTTC sẽ được phép phát hành các loại giấy tờ có giá, bao gồm chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn.

Đối tượng mua là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đối tượng mua giấy tờ có giá do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành lần đầu trên thị trường không bao gồm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con của TCTD.

Các CTTC muốn phát hành trái phiếu cũng phải đăng ký và được sự đồng ý của NHNN về số lượng phát hành, nếu lượng đăng ký mua không bằng lượng phát hành phải báo lại số lượng đã phát hành với chi tiết cụ thể. Đối với chứng chỉ tiền gửi, các CTTC chỉ báo cáo với NHNN về số lượng sau khi đã phát hành, điều này giúp CTTC chủ động được thời gian và nguồn vốn của mình, hơn nữa lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cũng thấp hơn so với chi phí đi vay trung, dài hạn tại các ngân hàng.

Mở cửa nhưng vẫn hẹp

Với hình thức huy động vốn bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi, các CTTC đã chủ động hơn trong việc huy động vốn của mình và có thể đa dạng hóa các kỳ hạn huy động.

Tuy nhiên, được cởi trói bởi Thông tư 34 nhưng thực tế, các CTTC vẫn phải chịu những quy định của NHNN khiến cho việc giảm lãi suất cho vay trở nên khó khăn.

Cụ thể, theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm. Với điều kiện này, các CTTC buộc phải tăng cường huy động nhiều vốn trung và dài hạn. Nhưng tại Thông tư 21/2012/TT-NHNN cho biết các CTTC chỉ có thể vay vốn từ các ngân hàng trong nước với kỳ hạn tối đa là 1 năm. Vì vậy, để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn, buộc các CTTC phải vay vốn từ các TCTD nước ngoài. Lúc này, dù được hưởng lãi suất thấp hơn nhưng sẽ bao gồm chi phí hoán đổi tiền tệ, phòng ngừa rủi ro tỷ giá… nên tổng chi phí vốn đầu vào của các CTTC vẫn tăng cao.

Áp lực cơ cấu lại nguồn vốn trung, dài hạn khiến cho chứng chỉ tiền gửi trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hữu hiệu nhất đối với các CTTC.

Để thu hút được nguồn vốn thông qua kênh này, các CTTC phải đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn so với ngân hàng. Tuy nhiên, đưa ra mức lãi suất cao không đồng nghĩa với việc có thể dễ dàng có được vốn đầu vào. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay quy mô huy động vốn qua chứng chỉ tiền gửi của các CTTC chỉ đạt 40.000 tỷ đồng (tương đương 1 ngân hàng thương mại cỡ nhỏ) rất nhỏ so với quy mô huy động của các ngân hàng.

Chia sẻ về vấn đề này chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện nay NHNN đang áp trần lãi suất 5,5% với các khoản huy động dưới 6 tháng. Đối với các khoản huy động trên 6 tháng, lãi suất sẽ là lãi thỏa thuận. Điều này có nghĩa ngân hàng cũng được phép thỏa thuận lãi suất huy động như CTTC, hiện nay, một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất lên tới 9,2% đối với chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn từ 5-7 năm, cao hơn nhiều so với lãi suất huy động thông thường.

Theo ông Hiếu, việc lãi suất chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thấp hơn CTTC là do ngân hàng có những uy tín nhất định và được giám sát chặt chẽ bởi NHNN.

“Các ngân hàng có sức khỏe tài chính rất tốt, rủi ro thấp, và được giám sát chặt chẽ bởi các định chế tài chính của NHNN. Trong khi đó, tỷ lệ đòn bẩy của các CTTC cao hơn ngân hàng nên rủi ro khi gửi tiền vào các CTTC cũng cao hơn. Buộc họ phải phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn lãi suất của ngân hàng”, ông Hiếu cho biết.

Hà Anh