Cho vay tiêu dùng: Miếng bánh hấp dẫn còn bỏ ngỏ

Quy mô thị trường đạt mức hơn 26,55 tỉ USD nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng ¼ nhu cầu cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng và nhu cầu của người dân đang còn rất lớn.


Trong 2 năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng

Trong 2 năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng

Hàng loạt công ty tài chính ra đời, báo lãi lớn

Trong 2 năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Điển hình có thể kể đến cuộc “kết hôn” giữa ngân hàng với công ty tài chính tiêu dùng, như; VPBank thành lập FE Credit sau khi nhận sáp nhập công ty TNHH MTV tài chính Than khoáng sản, HDBank mua lại công ty TNHH MTV Tài chính Việt Société Générale (SGVF), hay như Techcombank mua lại công ty tài chính cổ phần Hóa Chất, chuyển thành công ty tài chính TNHH MTV Kỹ thương.

Năm 2016, một loạt các công ty tài chính khác ra đời như: Maritime Bank mua lại công ty tài chính cổ phần Dệt may; Ngân hàng Quân Đội nhận sáp nhập công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC), thành lập công ty Tài chính TNHH MTV MB…

Không chỉ dừng lại ở định nghĩa là “tiềm năng”, hoạt động thực tế của các công ty tài chính thời gian qua đã cho thấy sự sôi động của thị trường cho vay tiêu dùng. Điển hình là Công ty tài chính TNHH MTV Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng (thương hiệu FE Credit) với hơn 32.000 tỷ đồng dư nợ và thị phần dẫn đầu thị trường chiếm 48,42% - cao gấp 3 lần so với công ty tài chính khác trên thị trường vào cuối năm 2016 (theo số liệu thống kê của Stoxplus). Đến nay, FE Credit đã có hơn 5 triệu khách hàng và 9.000 điểm bán hàng (POS) trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, công ty tài chính Home Credit công bố tổng lũy kế khách hàng của công ty là 4,9 triệu người, tăng trưởng doanh số cho vay đạt 94%. Tính chung, sau 7 năm hoạt động tại Việt Nam, tăng trưởng bình quân của Home Credit đạt 57%.

Hay như HD Saison, dù, ra đời chưa lâu nhưng năm 2014, công ty này đã mang về cho HDBank 175 tỷ đồng lợi nhuận, thì tới năm 2015 gia tăng lên hơn 280 tỷ đồng và năm 2016 tăng mạnh lên hơn 440 tỷ đồng.

Tăng trưởng gấp đôi dự báo

Năm 2015, thị trường TCTD Việt Nam được dự báo sẽ có tiềm năng lên tới 15 tỷ USD (khoảng 330.000 tỷ đồng). Thế nhưng, năm 2016, vay tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt đạt ngưỡng 26,55 tỉ USD, gấp đôi dự báo của một năm trước đó. Thị trường tài chính tiêu dùng đang chứng kiến một sự tăng trưởng vượt bậc.


Năm 2016, vay tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt đạt ngưỡng 26,55 tỉ USD, gấp đôi dự báo

Năm 2016, vay tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt đạt ngưỡng 26,55 tỉ USD, gấp đôi dự báo

Báo cáo của NHNN cho thấy, năm 2016, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, góp phần duy trì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ so với GDP. Cụ thể, tín dụng tiêu dùng ước tăng 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng so với mức 9,8% của năm 2015.

Theo TS. Cấn Văn Lực, trong cơ cấu tín dụng tiêu dùng năm 2016 tại các công ty tài chính ước tính có đến 42,5% là vay phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; Mua sắm đồ dùng gia đình chiếm 28%; Vay mua phương tiện đi lại chiếm 19,6% tổng tín dụng tiêu dùng...

Dù vậy, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn được giới chuyên gia cho rằng, mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai do thói quen tiết kiệm đề phòng rủi ro đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập, những xu hướng mới về tiêu dùng cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Theo ghi nhận, tài chính tiêu dùng hiện mới chỉ khai thác được ¼ tiềm năng của thị trường, với đà phát triển này, ước tính cho vay tiêu dùng có thể đạt hơn 30 triệu khách hàng trong độ tuổi lao động từ 18-60 trong những năm tới.

Theo các chuyên gia, tài chính tiêu dùng cần được tập trung phát triển không chỉ vì tiềm năng lớn về doanh thu, lợi nhuận mà trên thực tế còn có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế nhờ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng.

TS. Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho biết, trước đây động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là đầu tư nhưng do sự chuyển đổi của nền kinh tế theo hướng hội nhập kinh tế thế giới, những năm gần đây, động lực thúc đẩy tăng trưởng chính là tiêu dùng dân cư.

“Năm 2015, tăng trưởng kinh tế cải thiện nhờ vào tăng tiêu dùng, năm 2016 tăng trưởng chậm lại cũng do tiêu dùng. Cấu trúc này cũng phù hợp của chuyển biến hiện nay Việt Nam đã trở thành nền kinh tế trung bình thấp mà ở các nền kinh tế này thì tiêu dùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng”..

Theo ông Thành, nếu như trước đây các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu tăng trưởng nhanh thì hiện tại nhóm ngành có biên lợi nhuận cao và hấp dẫn với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lại là ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ phục vụ tiêu dùng trong nước.

Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay được coi là “thời cơ vàng” cho các doanh nghiệp tài chính cho vay tiêu dùng bứt phá để không chỉ mở rộng hoạt động, tăng cường hiệu quả hoạt cho chính mình mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế trong nước.

PhươngD

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm