Cần cân nhắc thiệt, hơn khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Quốc hội đang cân nhắc tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá, bia và rượu. Trong chuyến công tác đến Việt Nam đầu tháng 10, ông Daniel A Witt, Chủ tịch Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế (ITIC) có trụ sở tại thủ đô Washington, đã chia sẻ về những tác động của việc tăng thuế này đối với Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Daniel A Witt, Chủ tịch Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế (ITIC)

Ông Daniel A Witt, Chủ tịch Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế (ITIC)
 
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia đang là chủ đề nóng hiện nay trên các báo. Là chuyên gia quốc tế về lĩnh vực này, ông cho rằng đâu là những điểm mà Việt Nam cần lưu ý khi tăng thuế TTĐB?

Theo tờ trình của Chính phủ, thuế đối với mặt hàng bia sẽ tăng theo lộ trình, từ ngày 1/7/2015 sẽ tăng từ 50% lên 55%, từ ngày 1/1/2017 lên 60% và từ ngày 1/1/2008 lên 65%. Trong khi đó, mặt hàng rượu sẽ tăng từ 50% lên 65% đối với loại từ 20 độ trở lên và tăng từ 25% lên 35% đối với rượu dưới 20 độ.

Hiện chưa có thông tin rõ ràng về lộ trình tăng thuế đối với rượu nhưng tôi cho rằng Chính phủ cần áp dụng một lộ trình tương tự và công bằng (tăng 5% đều đặn qua các năm) đối với tất cả các sản phẩm thức uống có cồn.

Theo thông lệ chung, chính sách thuế và tỷ suất thuế cần thể hiện tính trung lập và khi tuân theo quy tắc này, các nhà làm luật có thể sẽ tránh việc phân biệt trong việc tính thuế giữa các sản phẩm có cồn.

Việc tăng thuế TTĐB một cách không cân xứng và không cân bằng (disproportionate or inequitable increases) có thể dẫn đến việc tăng chi phí hoạt động cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việt Nam cần cân bằng lợi ích của Chính phủ (nguồn thu), doanh nghiệp (lợi nhuận), người tiêu dùng và môi trường. Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, chính vì vậy bất cứ kế hoạch nào trong việc tăng thuế cần phải được cân nhắc cẩn thận trước khi được áp dụng.

Một trong những mục tiêu Chính phủ tăng thuế là để tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tăng thuế cũng có thể dẫn đến thất thu ngân sách. Vì sao có mâu thuẫn này, thưa ông?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng việc tăng thuế quá cao có thể làm gia tăng tình trạng nhập lậu và buôn bán bất hợp pháp - vốn được xem là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn thu của Chính phủ.

Lẽ thường, khi tăng thuế đối với một loại sản phẩm, giá bán lẻ của các sản phẩm đó sẽ tăng lên, dẫn đến mức tiêu thụ các sản phẩm tương tự nhưng có giá rẻ hơn cũng sẽ tăng lên. Như thế có nghĩa là chính sách đang “tạo thuận lợi” cho nạn buôn lậu và hoạt động thị trường chợ đen.

Tôi cho rằng các nhà làm luật cần xác định một mức thuế TTĐB phù hợp cho các thức uống có cồn, điều này đặc biệt phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam hiện nay. Thực hiện đúng theo nguyên tắc và không đặt mức thuế suất quá cao là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng buôn lậu vốn đang tăng cao tại các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.

ITIC có kinh nghiệm gì trong việc tư vấn cho các quốc gia trong cách xây dựng hệ thống thuế TTĐB?

Chúng tôi đã cung cấp một hệ thống thông tin về phương pháp thực hiện tối ưu trong việc áp dụng chính sách thuế và đầu tư từ năm 1993. Chúng tôi cũng có những chương trình đào tạo để chuyển giao kiến thức phục vụ quá trình phát triển của doanh nghiệp và tạo nên các nền kinh tế thịnh vượng.

Hơn 85 quốc gia đã tham gia vào các chương trình của ITIC. Những ý kiến mà chúng tôi chia sẻ với các nhà chức trách Việt Nam hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm thực tế tối ưu từ những nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Chúng tôi đã làm việc với Chính phủ Việt Nam về chính sách thuế với buổi hội thảo đầu tiên của ITIC ở Hà Nội là vào năm 1996. Chúng tôi khuyến khích Việt Nam và các nước khác trong khu vực đảm bảo rằng các chính sách thuế của mình phù hợp với các tập quán quốc tế.

Các nhà làm luật cần chú ý khi ra quyết định áp dụng một loại thuế mới, hoặc tăng các loại thuế cũ đối với các sản phẩm vì những giải pháp mới có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như toàn bộ thị trường.

Trên thế giới, Chính phủ rất coi trọng tư vấn từ các bên liên quan, bao gồm nhà sản xuất, hiệp hội doanh nghiệp và thậm chí là người tiêu dùng trước khi đưa ra quyết định có nên tăng thuế hay không để đảm bảo chính sách mới hài hòa được lợi ích của Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thuế là một trong những công cụ để Chính phủ có thể điều tiết quản lý thị trường. Tuy nhiên, thuế cũng sẽ tạo ra những hậu quả không mong muốn nếu được áp dụng không hợp lý.

Xin cảm ơn ông!

Ông Daniel A Witt có mặt tại Việt Nam để tham dự Diễn đàn thuế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 11 do Bộ Tài chính phối hợp với ITIC tổ chức vào ngày 1/10 tại Hà Nội. Sự kiện này được Bộ Tài chính đánh giá là cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế của Việt Nam có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực thuế đến từ các quốc gia trong khu vực, qua đó góp phần có hiệu quả hơn cho tiến trình cải cách thuế ở Việt Nam.

Quốc Bình thực hiện

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm