Vinasat - Chuyện bây giờ mới kể!

(Dân trí) - Sự kiện vệ tinh Vinasat-1 được phóng lên quỹ đạo là một bước tiến dài trong việc chủ động khai thác vũ trụ, cũng như khẳng định chủ quyền về tần số và quỹ đạo của Việt nam trong không gian.

Tuy nhiên, dự án phóng vệ tinh Vinasat đã trải qua không ít khó khăn và chỉ đạt được kết quả hôm nay nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành.

Trong viễn thông, ba hình thức truyền dẫn cơ bản nhất là cáp (cáp quang và cáp đồng), viba và thông tin vệ tinh, mỗi loại hình có những ưu điểm riêng. Với thông tin vệ tinh, ưu điểm nổi bật nhất là vệ tinh có vùng phủ sóng rộng, giá thành không phụ thuộc vào khoảng cách, triển khai nhanh và linh hoạt. Nhờ những thế mạnh này mà thông tin vệ tinh được sử dụng phổ biến cho các ứng dụng phát thanh truyền hình, thiết lập các đường kết nối dịch vụ viễn thông đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

 

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Việt nam đã bắt đầu sử dụng thông tin vệ tinh, bắt đầu từ vệ tinh của các tổ chức quốc tế như Interspunik, Intelsat đến vệ tinh của các công ty như Thaicom, Asiasat, Palapa,..Tuy nhiên, cùng với việc ngày càng sử dụng nhiều thông tin vệ tinh, việc thuê dung lượng của vệ tinh của nước ngoài cũng nảy sinh một số bất cập, đó là hàng năm phải dùng một lượng ngoại tệ cho việc thuê vệ tinh, lệ thuộc vào  vệ tinh nước ngoài (đã từng xảy ra trường hợp bên sở hữu vệ tinh ngừng cho thuê vì lý do chính trị), không có chủ quyền về tần số, quỹ đạo trong không gian,...

 

Chính vì vậy, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù hình thức truyền dẫn qua cáp và viba đang phổ biến, nhưng nhận thức thấy tầm quan trọng của thông tin vệ tinh, Tổng cục Bưu điện (tiền thân của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay) đã nghiên cứu và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng dự án phóng vệ tinh và làm các thủ tục đăng ký tần số, quỹ đạo với Liên minh viễn thông quốc tế -ITU. Đề xuất đó đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngày 19/12/1995.

 

Báo cáo tiền khả thi dự án đã được hoàn thành và ban hành vào tháng 9 năm 1998, xác định mục tiêu của vệ tinh Vinasat là đáp ứng nhu cầu của các bộ, ngành và xác định ba mảng công việc quan trọng đó là dự án quả vệ tinh và các trạm điều khiển,  đăng ký và phối hợp vị trí quỹ đạo, xây dựng các trạm mặt đất của các bộ, ngành. Thủ tướng cũng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia dự án Vinasat do một Phó thủ tướng làm Trưởng ban.

 

Do dự án Vinasat liên quan đến một lĩnh vực mới, công nghệ cao và việc phóng và khai thác vệ tinh phải tuân thủ các quy định của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) nên trong quá trình triển khai dự án cũng đã gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến. Đó là vấn đề lựa chọn cấu hình, dung lượng quả vệ tinh, vấn đề công nghệ và giá cả, nhưng vấn đề khó khăn nhất là vấn đề đàm phán phối hợp vị trí quỹ đạo cho vệ tinh Vinasat.

 

Để phóng được vệ tinh địa tĩnh, mỗi quốc gia cần tiến hành đăng ký với ITU vị trí và các tần số vô tuyến mà vệ tính sẽ sử dụng. Việc đăng ký được thực hiện theo nguyên tắc “ai đến trước dùng trước”, quốc gia đăng ký tần số, quỹ đạo sau phải đàm phán với quốc gia đã đăng ký trước để đảm bảo vệ tinh phóng sau không gây nhiễu cho vệ tinh đã phóng trước. Mặc dù Tổng cục Bưu điện đã tiến hành đăng ký 08 vị trí quỹ đạo (68°E, 97°E, 103°E, 107°E, 114.5°E, 122.5°E và 132°E) từ những năm 1996, 1997 và 1999, trước cả khi dự án tiền khả thi được phê duyệt, nhưng khi đó các nước đã đăng ký quỹ đạo dày đặc với ITU, nên việc đàm phán với các nước đăng ký trước rất khó khăn. Việt nam phải tiến hành đàm phán với hàng chục nước để xác tìm được vị trí quỹ thích hợp nhất với yêu cầu của quả vệ tinh Vinasat. Với mỗi nước, việc đàm phán thường phải tiến hành nhiều vòng, nhiều cuộc họp kéo dài từ 9 giờ sáng hôm nay đến 7giờ sáng hôm sau và chỉ kết thúc để đoàn Việt nam kịp ra sân bay.

 

Năm 2002, khi dự án khả thi đã cơ bản được Chính phủ thông qua, vị trí 132°E được xác định là vị trí khả thi nhất để phóng vệ tinh Vinasat. Nhưng ngay cả với vị trí 132°E này, việc đàm phán với Nhật bản và Tonga (một đảo nhỏ ở Thái Bình Dương) cũng chưa thể kết thúc. Để thúc đẩy tiến độ dự án, vấn đề đàm phán quỹ đạo cho vị trí 132°E đã được đưa vào hồ sơ mời thầu năm 2003. Tuy nhiên, cả 8 nhà hãng tham dự đợt chào thầu đó đã không đưa ra được cam kết giúp Việt nam hoàn thành phối hợp cho vị trí quỹ đạo này. Trước khó khăn đó, Bộ Bưu chính, Viễn thông, mà trực tiếp là Cục Tần số Vô tuyến điện, đã đứng ra chủ trì tiếp tục việc đàm phán phối hợp.

 

Với sự  kiên trì, sáng tạo của Bộ Bưu chính, Viễn thông, sự phối hợp của VNPT, việc đàm phán quỹ đạo với các nước cho vị trí quỹ đạo 132°E đã cơ bản hoàn thành vào đầu năm 2006, qua đó cho phép việc tiến hành đấu thầu và ký hợp đồng sản xuất vệ tinh Vinasat với hai băng tần C và Ku vào tháng 5 năm 2006.

 

Bên cạnh việc phục vụ trực tiếp cho dự án Vinasat, với việc được ITU công nhận vị trí quỹ đạo 132°E, Việt nam đã khẳng định được chủ quyền sử dụng tần số vô tuyên và quỹ đạo trong không gian, một nguồn tài nguyên rất hữu hạn và có giá trị. Một chuyên gia có tiếng của Hàn quốc trong lĩnh vực này, khi biết được vệ tinh Vinasat có băng tần C đã ngạc nhiên vì bản thân Hàn quốc khi phóng vệ tinh 10 năm trước cũng không có băng tần này do khó khăn trong vấn đề đàm phán quỹ đạo.

 

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm