Việt Nam "tiêu thụ" iPhone khoá iCloud để làm gì?
(Dân trí) - Để có thể bán được iPhone với giá tốt nhất các cửa hàng buộc phải tung ra nhiều chiêu trò và mánh khoé. Đặc biệt mới đây, PGmag cho biết, Việt Nam được xem là một thị trường tiêu thụ hàng iPhone bất hợp pháp. Vậy dòng máy này sẽ đi về đâu?
Nhiều mánh khóe - giá nào cũng có
iPhone hiện đang được bán chính hãng tại Việt Nam thông qua các đại lý uỷ quyền đang có mức giá chênh lệch khá nhiều so với các nguồn hàng xách tay về. Chính điều này cũng đã và đang "mở ra con đường" cho nhiều cửa hàng kinh doanh phất lên nhờ việc mua bán iPhone xách tay về nước cũng như iPhone cũ.
Theo quan sát của PV Dân trí, những cửa hàng điện thoại hiện nay tại các thành phố lớn, đa số đều có các bảng hiệu Apple với logo quả táo na ná nhau để thu hút người dùng, nhiều người dùng khi đi mua sắm cũng choáng ngợp không biết đâu là đơn vị được uỷ quyền của Apple tại Việt Nam.
Khi truy cập vào một số trang rao vặt bán điện thoại di động, khu vực sôi nổi và thu hút người dùng lẫn các chủ cửa hàng nhất vẫn là iPhone, việc mua bán diễn ra rất nhanh chóng. Hằng ngày, có tới hàng trăm topic cùng nhiều lượt bình luận được lập ra để mua sắm iPhone cũ lẫn mới.
Đặc biệt, đánh vào tâm lý chung của người dùng trong nước là ham rẻ nhưng muốn sở hữu một chiếc iPhone đúng nghĩa. Nhiều chiêu trò mánh khoé được tung ra nhằm hạ giá sản phẩm và cạnh tranh nhau.
Trong bài viết "Lật tẩy mánh khoé buôn iPhone, iPad đóng lại seal" đã đăng, Dân trí có đề cập việc vì hiểu tâm lý của người tiêu dùng mong muốn có 1 thiết bị nguyên seal mới chắc chắc là hàng mới chưa khui hộp nên một mánh lới mới cũng đã xuất hiện với tên gọi “dập seal mới”. Cụ thể, chỉ cần bỏ ra với số tiền chưa tới 500 ngàn đồng, các chủ cửa hàng sẽ nhanh chóng “hô biến” một chiếc máy đã gỡ seal thành chiếc mới như máy mới xuất xưởng. Chính điều này đã và gây ra nhiều biến chứng khó lường của thị trường, khi đã dập được seal đồng nghĩa việc tráo hàng sẽ rất dễ dàng. Người dùng phổ thông sẽ không thể phân biệt rõ ràng được đâu là phụ kiện chính hãng hay chỉ là một hàng “nhái” kém chất lượng dựng lên cho đủ đồ.
Nhưng người dùng cũng biết rằng, "tiền nào của đó", không có gì là thật sự rẻ mà như mới, việc thay thế linh kiện, tráo vỏ, tráo các phụ kiện đang được diễn ra hằng ngày ở một số cửa hàng làm ăn không uy tín.
"Máy cũ thì làm sao mà đẹp được, không tân trang, không thay vỏ thì sao mà bán được. Nên phải làm mới, mua những linh kiện về mà thay thế. Nếu linh kiện zin theo máy thì giá sản phẩm cao lên một chút. Nếu muốn giá rẻ hơn, mua các phụ kiện ở bên thứ 3 sản xuất về mà thay thế. Giá nào cũng có", chủ cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong (TP.HCM) cho biết.
Chính vì vậy, những chiếc iPhone ăn cắp và bị khoá iCloud đã trở nên vô dụng nên giá bán sẽ rất rẻ và được các cửa hàng ưu chuộng. Một mặt thu mua về để làm linh kiện thay thế cho khách, một mặt là có thể thay thế phụ tùng và tân trang cho những sản phẩm cũ được mua về, từ đó biến 1 chiếc iPhone cũ thành 1 iPhone "mới 99%" ra thị trường.
"Để bán được mức giá hời nhất, thu nhiều lợi nhuận và đánh đúng vào tâm lý ham của rẻ nhưng mong muốn một sản phẩm mới đẹp, buộc các cửa hàng phải dựng mới sản phẩm để bán." Một chủ cừa hàng trên đường Bạch Đằng (TPHCM) nhấn mạnh.
Với thông tin từ PCmag đưa ra, có thể hình dung rằng những chiếc iPhone bị khoá iCloud là những sản phẩm bất hợp pháp và theo con đường tiểu ngạch tuồn về Việt Nam. Việc mua sắm các thiết bị như trên đồng nghĩa với việc tiếp tay cho hành vi bất hợp pháp trên. Chưa kể, những sản phẩm được thay thế các linh kiện không rõ nguồn gốc cũng tạo ra những biến chứng khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng. Do đó, người dùng nên cân nhắc về quyền lợi khi mua sắm những chiếc iPhone đã qua sử dụng đồng thời nếu mua sắm, cần tìm những nơi uy tín và nguồn gốc rõ ràng.
Phan Tuấn