Việt Nam sắp có luật chống thư rác
Sẽ xử phạt từ 1 - 20 triệu VNĐ đối với các cá nhân và tổ chức phát tán thư rác, buôn bán địa chỉ thư điện tử, số điện thoại vì mục đích quảng cáo, cài phần mềm độc lên trang quảng cáo? Như thế nào là thư điện tử quảng cáo hợp lệ?...
Đó là những nội dung chính được đưa ra bàn bạc, tranh luận tại hội thảo “Quảng cáo thương mại (QCTM) trên các phương tiện điện tử” do Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) tổ chức ngày 16/8/2006.
Tại hội thảo, Bộ thương mại cũng đưa ra “Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về quảng cáo thương mại trên các phương tiện điện tử”. Trong đó giải thích khá chi tiết về thư quảng cáo và thư rác.
Thứ nhất: thư quảng cáo là thư điện tử có các nội dung giới thiệu đến người nhận về hàng hóa, dịch vụ, cơ hội kinh doanh, đầu tư... Thứ hai, khuyến khích mua hàng, sử dụng dịch vụ, tham gia kinh doanh, đầu tư.. Thứ ba: Cung cấp địa chỉ website có chứa các nội dung như trên.
Đồng thời, dự thảo Thông tư cũng nói rõ, thư quảng cáo phải đáp ứng các yêu cầu như: Tiêu đề rõ ràng, không gây nhầm lẫn, phù hợp với nội dung thông tin. Địa chỉ gửi thư hợp lệ, còn hiệu lực sử dụng. Nội dung thư không chứa các thông tin sai lệch có thể gây hiểu nhầm, đồng thời phải ghi rõ thông tin họ tên, số điện thoại, địa chỉ liên hệ của người gửi. Nội dung thư không vi phạm pháp luật về quảng cáo thương mại.
Đặc biệt: “Thư quảng cáo phải có chức năng cho phép người nhận từ chối các thư quảng cáo tiếp theo, chức năng này phải có tác dụng ít nhất 30 ngày kể từ ngày gửi thư quảng cáo”.
Như vậy, những thư điện tử không đáp ứng các yêu cầu trên sẽ được coi là thư rác.
Bản dự thảo Thông tư đưa ra các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại để áp dụng vào các hành vi phát tán thư rác.
Trong đó nói rõ mức xử phạt hành chính từ 1 đến 20 triệu đồng đối với các hành vi phát tán thư rác, buôn bán địa chỉ email và số điện thoại vì mục đích quảng cáo, cài các đoạn mã độc xâm nhập máy tính người dùng tại các trang quảng cáo trên web...
Hội thảo QCTM trên các phương tiện điện tử cũng đề cập khá nhiều đến vấn đề trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gửi thư quảng cáo, nhưng rất tiếc chưa đưa vào các quy định đối với ISP.
Về mặt tổng quan, trong cuộc chiến chống thư rác, có rất nhiều biện pháp về mặt hành lang pháp lý, biện pháp kỹ thuật, song con người phải chăng vẫn là yếu tố quyết định. Còn người dùng thì vẫn còn thư rác!
Trong khi 48% người dùng vẫn nghĩ rằng họ có thể ngừng đăng ký nhận thư rác bằng cách... trả lời các bức thư này, hay 35% người dùng vẫn “vô tư” đăng địa chỉ thư điện tử của họ trên các bảng tin? (Thông tin được công bố trong hội thảo)
Bà Vân Anh - chuyên viên Bộ Thương mại cho biết nhiều khả năng thông tư hướng dẫn quảng cáo trên các phương tiện điện tử sẽ ra đời và có hiệu lực vào cuối năm nay. Đại diện Vụ TMĐT - Bộ Thương mại cũng tỏ ý mong muốn nhận được sự tham gia góp ý của các cơ quan chức năng và công chúng đối với các nội dung của Dự thảo.
Một số ý kiến tại Hội thảo:
TS. Vũ Quốc Khánh - (GĐ Trung tâm VNCERT): Luật pháp bị hạn chế bởi biên giới quốc gia. Nhưng thư rác thì không. Không thể xử lý, mà chỉ có thể ngăn chặn thư rác có nguồn gốc từ nước ngoài!
Các ISP, các tổ chức, các công ty, hệ thống... phải nhận thư rác nên sử dụng biện pháp kỹ thuật để lọc, chặn thư rác cho hiệu quả. Còn trong trường hợp có tính khẩn cấp, hậu quả nghiêm trọng, thì các trung tâm phản ứng sự cố máy tính quốc gia (CERT) sẽ có vai trò quyết định, xử lý tận gốc!"
Ông Trần Đăng Duy - (Phó trưởng phòng Quảng cáo triển lãm - Cục VHTT cơ sở): “Quản lý các vấn đề về Quảng cáo, nhiều văn bản Luật hiện nay còn bất cập, chẳng hạn quy định không được quảng cáo trên trang nhất ấn phẩm báo chí sẽ không phù hợp với loại hình báo chí mới: Báo điện tử”. Bà Ứng Ngọc Anh - GĐ DotVN, trưởng đại diện công ty Hi-Tek tại Việt Nam: “Càng có hành lang pháp lý chặt chẽ sớm chừng nào, quá trình phát triển của thị trường QCTM trên các phương tiện điện tử sẽ càng vững chắc và sớm đi vào ổn định chừng đó”. |
Theo Thế Phong
Vietnamnet