Vật vã cai nghiện... iPad cho con

Sau khi bạo chi sắm đồ chơi công nghệ cao cho con, các bậc phụ huynh lần lượt tá hoả tìm giải pháp khi con cái ngày càng phụ thuộc vào giải trí công nghệ thay vì tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Vứt iPad vì trẻ sinh bệnh

 

Cách đây 1 năm, chị Thu Lan, phó phòng một công ty xuất nhập khẩu đã từng khoe: "Từ hồi chị mua cái iPad cho thằng nhóc vừa học vừa chơi nó ngoan hẳn, cứ đến bữa lôi ra doạ là phải ăn hết thì mới cho chơi là nó nghe ngay. Công nghệ tiện thật".

 

Ấy vậy chỉ một thời gian sau, khi tình cờ gặp lại chị, đã thấy chị rầu rĩ than thở: "Cu Bo đang đi... cai nghiện iPad". Cậu nhóc hơn một tuổi nhà chị lúc đó giờ đã gần 3 tuổi nhưng từ hồi mẹ mua cho iPad, học đâu chẳng thấy, chỉ cắm mặt vào chơi chém hoa quả, đua xe mà quên... nói, quên các phản xạ thông thường của trẻ đang tuổi lớn.

 

Vậy là thay vì đem iPad ra để dỗ con ăn, dạy con học, chiếc máy tính bảng lại trở thành một phần tội đồ gây ra những hậu quả khá nguy hại đối với trẻ nhỏ.

 

Cũng có con nhỏ đang tuổi mầm non, anh Quang Hà vẫn cho con dùng iPad từ bé mà quên mất rằng từ hồi phổ cập công nghệ, nhóc nhà anh đã không còn giao lưu với bạn bè hay người xung quanh mà hầu như chỉ chực chờ bố ra khỏi nhà là nghịch máy.

 

Khổ một nỗi, mục đích sắm iPad của anh không phải dành cho việc chơi hay tương tác với các ứng dụng giải trí mà vì nhà neo người, mỗi con ở nhà không yên tâm nên anh mua máy là để thi thoảng gọi Facetime về kiểm tra tình hình con cho tiện.
 
 
Nhiều bố mẹ coi iPad là công cụ giải trí quyền năng dành cho con (Ảnh chỉ có tính minh hoạ).
Nhiều bố mẹ coi iPad là công cụ giải trí quyền năng dành cho con (Ảnh chỉ có tính minh hoạ).

Anh cho biết: "Từ hôm phát hiện ra cháu có những biểu hiện bất thường, mình cất ngay máy đi nhưng nó la hét rồi phản ứng rất mãnh liệt, chưa từng thấy bao giờ. Thử cho cháu đi khám bác sỹ tâm lý thì được bác sỹ khuyên là nên cho cháu đi ra ngoài với các hoạt động hướng ngoại hơn nếu không sẽ bị chứng rối loạn tâm lý".

 

Một điều dễ thấy là, chỉ cần một sáng cuối tuần đi qua các quán cafe của Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh các cô bé, cậu bé ngồi mải miết chơi game bên cạnh những ông bố, bà mẹ đang mải tám chuyện trong các quán cafe tầm trung.

 

Chỉ cần một phản ứng nhỏ như đòi lại máy hay không cho chơi là ngay lập tức đứa trẻ dỗi dằn, phản ứng tiêu cực như không chịu ăn tiếp hay thậm chí cầm máy ném thẳng đi như PV VietNamNet từng chứng kiến.

 

Tuy nhiên, không nhiều bậc phụ huynh nhận ra con mình đang có vấn đề với thiết bị Apple của mình mà hầu hết đều chỉ nhận định đó là vì đang chơi, bị xen ngang nên biểu hiện ích kỷ hoặc không vừa ý mà thôi.

Không phải lúc nào thiết bị công nghệ cũng là giải pháp tốt, đặc biệt đối với trẻ nhỏ đang độ tuổi phát triển.

 

Vật vã cai nghiện

 

Chị Thu Lan, sau gần 6 tháng "cai nghiện" cho con cuối cùng cũng đã thành công và "cạch" không cho bé sờ vào iPad. Phương pháp của chị là, giảm dần thời gian cho bé sử dụng máy, và thay vào đó là chơi đùa với con hoặc rủ bạn bè đến chơi các trò chơi tương tác thực.

 

"Nói thì dễ chứ hành trình 6 tháng cũng gian nan lắm. Tháng đầu thì không có máy là con khóc ngặt nhưng kiên quyết không mềm lòng. Các tháng sau bé đỡ hơn nhưng vẫn phải giấu tiệt cái máy và lúc nào lôi ra chơi là có mình ở cạnh để kiểm soát. Các game không phù hợp là xoá hết, chỉ để lại các game giáo dục. Cuối cùng là phải 'tặng' hẳn cái máy cho ông bà ngoại để bé không nhìn thấy máy nữa, và khi thành công 'cai nghiện' iPad cho con thì lại đến... ông ngoại nghiện, đến lượt bà ngoại kêu" chị Lan tâm sự.

 

Còn anh Hà, sau khi nghe bác sỹ phán bệnh thì rụng rời chân tay, chẳng nói nên lời. Thậm chí anh kể hai vợ chồng còn tính nước cho con về quê để trị liệu dần kết hợp với môi trường không dính dáng gì đến máy móc, lại không khí sạch sẽ để con ổn định dần tâm lý, bởi vốn là dân kỹ sư phần mềm nên nhà anh lúc nào cũng xếp đầy thiết bị số.

 

Cuối cùng giải pháp anh đưa ra là cho con theo sinh hoạt ngoại khoá tại một trường tư thục gói 3 tháng, với giá lên tới gần 2000 USD, bao gồm dạy các môn năng khiếu, bơi và dĩ nhiên theo hình thức 1 thày kèm 1 trò. May mắn thay cháu nhà anh cũng dần hoà nhập với bạn bè và quên dần thiết bị số, nhưng cũng đồng nghĩa với việc mọi iPad, iPhone trong nhà từ giờ anh phải cho vào tủ khoá chặt, "dùng lén lút như... ăn trộm" như lời anh miêu tả.

 

Theo bác sỹ tâm lý Trần Trọng Long thì: "Nhiều phụ huynh coi công nghệ như một thứ đồ chơi đa năng, giải quyết các vấn đề khó khi giao tiếp với trẻ. Từ đó dẫn tới hiện tượng trẻ bị lệ thuộc vào các thiết bị này, giảm dần các giao tiếp với xã hội cũng như tạo cho mình các phản ứng, phản xạ thông thường do ảnh hưởng nặng nề bởi một quá trình dài tương tác với màn hình ảo. Công nghệ cao nhưng chưa hẳn đã tốt và đó cũng là một phần nguyên do chính phát sinh tỷ lệ lượng trẻ tự kỷ cao như hiện nay, mà hầu hết là do môi trường sống".

 

Mặc dù đem lại những hiệu quả to lớn về mặt giao tiếp, tính tương tác nhưng không thể phủ nhận rằng các thiết bị như iPad đang làm con người "lười đi". Người lớn về hành vi và nhận thức có thể thay đổi kịp thời nhưng với trẻ em ở cái tuổi đang hình thành các giác quan thì chiều con có thể thành... hại con thời hi-tech.

 

Theo Võ Trung

VietNamNet