Thuê bao di động trả sau hết lo chuyện hộ khẩu

Từ trước đến nay, mỗi khi đăng ký dịch điện thoại cố định, di động hay ADSL, khách hàng phải xuất trình sổ hộ khẩu. Theo Thông tư hướng dẫn Luật Cư trú, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải bỏ yêu cầu này.

Theo quy định tại Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7 và Thông tư hướng dẫn áp dụng từ ngày 20/7, các doanh nghiệp, tổ chức không được lợi dụng các quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, không được yêu cầu công dân phải có hộ khẩu thường trú làm điều kiện bắt buộc để đăng ký sử dụng dịch vụ hay và các lợi ích khác. Ngược lại, người được cấp hộ khẩu cũng không được phép sửa chữa, tẩy xóa, cho mượn, đặc biệt thế chấp, cầm cố...

 

Giới luật sư nhận định việc nghiêm cấm các dịch vụ ăn theo hộ khẩu là sự cải tiến rất lớn trong Dự án Luật. Điều này cũng đồng nghĩa, các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông... sẽ không được phép "đòi" khách hàng phải có hộ khẩu khi mua dịch vụ.

 

Theo quy định mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng, khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ di động theo hình thức thuê bao trả sau bắt buộc phải khai báo các thông tin cá nhân, gồm tên tuổi, quê quán, địa chỉ, kèm theo đó là bản sao hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Hộ khẩu được coi là căn cứ cho các nhà khai thác dịch vụ biết được địa chỉ, nơi cư trú của khách hàng để thu hồi cước phí hàng tháng. Thế nhưng cách làm này đã nảy sinh hiện tượng, nhiều người khi đi làm thủ tục lắp đặt dịch vụ Internet hay dịch vụ di động trả sau... phải đứng tên người khác, và không ít chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra xung quanh chuyện mượn hộ khẩu này.

 

Lo nạn xù cước

 

Trao đổi với VnExpress, hầu hết các nhà khai thác di động đều cho rằng việc bãi bỏ quy định về hộ khẩu khi đăng ký dịch vụ sẽ khiến tốc độ phát triển thuê bao tăng nhanh. Song họ cũng lo ngại khi không nắm rõ địa chỉ, nơi cư trú của khách hàng, việc thu hồi các khoản nợ khó đòi sẽ càng khó khăn hơn. Chính vì thế, tính đến thời điểm hiện tại trong số 6 nhà khai thác di động mới có mình Viettel cho phép đăng ký dịch vụ trả sau không cần hộ khẩu". Giai đoạn đầu doanh nghiệp này đã phải mất hàng chục triệu đồng tiền cước do một khách hàng ở Thái Bình làm giả chứng minh thư, đăng ký nhiều số điện thoại để gọi quốc tế. Vụ việc chỉ được phát hiện khi số tiền cước mà mỗi số máy lên đến vài triệu đồng mà không được chủ thuê bao thanh toán. Tuy các thuê bao này đã bị khóa chiều gọi song Viettel cũng thừa nhận, việc quản lý khách hàng không hộ khẩu chẳng đơn giản chút nào.

 

Điều này cũng phần nào lý giải tại sao VNPT vẫn lưỡng lự, chưa ấn định được thời điểm áp dụng cho các đơn vị thành viên của mình. Theo một quan chức cấp cao của VNPT, đơn vị này vừa có văn bản gửi cho các đơn vị thành viên yêu cầu đề xuất giải pháp quản lý khách hàng khi quy định về hộ khẩu bãi bỏ. Theo ông, rất có thể VNPT sẽ sử dụng một số giấy tờ khác, như bằng đại học, giấy phép lái xe hay giấy chứng nhận cơ quan... để thay thế hộ khẩu. Các loại giấy tờ này cũng có giá trị tương đương và khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng giấy tờ này để đăng ký dịch vụ.

 

"Bãi bỏ những thủ tục rườm rà thời gian đầu có thể khiến tốc độ phát triển thuê bao tăng lên song việc thu hồi cước sẽ càng khó khăn hơn. Hiện các doanh nghiệp thành viên đều rất lo ngại vấn nạn xù cước nên song song với việc bỏ quy định về xuất trình hộ khẩu, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp quản lý chặt hơn", vị quan chức này nói.

 

Giám đốc EVN Telecom - Nguyễn Mạnh Bằng nhấn mạnh: "Đã là quy định thì không thể không làm song cần phải có thời gian". Theo ông, việc cấm áp dụng quy định về hộ khẩu chỉ có thể áp dụng khi các nhà khai thác dịch vụ đã có mạng lưới nhân viên thu cước chuyên nghiệp. Trong khi trên thực tế, việc thu cước của EVN Telecom hiện vẫn do các nhân viên ngành điện đảm nhận. "EVN Telecom đang trong quá trình xây dựng đội ngũ này, vì vậy nếu áp dụng ngay quy định trên thì nguy cơ một số khách hàng lợi dụng quy chế này để xù cước là không thể tránh khỏi", ông nói.

 

Trên thực tế, thời gian qua, ngay khi các nhà khai thác di động áp dụng quy định bắt buộc khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ trả sau phải xuất trình hộ khẩu thì tình trạng xù cước vẫn xảy ra. Theo thống kê của các nhà khai thác dịch vụ, số cước được xếp vào diện nợ khó đòi trong năm 2005 và 2006 vẫn chiếm tới gần 1% doanh thu của các nhà khai thác di động. Theo thống kê của VinaPhone - trong tổng số hơn 200 tỷ đồng doanh thu mỗi tháng thì số tiền cước được xếp vào nợ khó đòi chiếm khoảng 1-2%. Còn MobiFone, do công ty thực hiện việc thu hồi cước trực tiếp nên con số nợ khó đòi thấp hơn một chút, chỉ chiếm chưa đầy 0,5% doanh thu của tháng.

 

Theo Hồng Anh

VnExpress