Thú chơi của các ông chồng khiến bà vợ nào cũng hãi
Đến nửa đêm gà gáy, con thì sắp thi mà ông chồng và đám bạn vẫn bật nhạc tranh luận không ngừng, chị bèn tìm cách gọi người trợ giúp 'giải tán' dân chơi.
Có ông chồng mê mẩn thú chơi âm thanh, không ít bà vợ tỏ ra không hài lòng vì họ nhiều khi mê nhạc quên cả vợ.
Cái lạ của người chơi âm thanh là không bao giờ thỏa mãn với tai nghe của mình và những gì mình có, họ lúc nào cũng muốn nữa, muốn nữa. "Thú chơi băng cối này cũng thi thoảng ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến nồi cơm đấy", anh Đăng cười nói khi chúng tôi đề cập đến thái độ của vợ khi anh suốt ngày chỉ đĩa than, băng cối.
Những cuốn băng cối vẫn đều đều ra lò với số lượng giới hạn và giá cao ngất ngưởng cùng chất lượng xuất sắc nhưng đầu đọc lại không được sản xuất nữa khiến nhiều dân chơi âm thanh bị thú chơi này khuất phục.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chiếc máy chạy băng cối màu trắng đặt chình ình trên chiếc tủ ly trên căn phòng nhỏ trên gác của bố tôi những năm 1990. Tiếng nhạc vàng của Chế Linh, Tuấn Vũ.. đều đều phát ra từ chiếc băng cối quay tít mù, thi thoảng lại rối băng méo tiếng. Cả khu mặt phố Khâm Thiên khi ấy gần như nhà nào cũng có băng cối.
Rồi đầu thập niên 1990, khi gia đình tôi chuyển khỏi phố Khâm Thiên, cũng chẳng nhớ cái máy chạy băng cối đó biến đâu. Dần dần chúng cũng không còn xuất hiện trong nhiều gia đình ở Hà Nội nữa bởi sự xuất hiện của đầu cát-sét, của đầu CD và những dàn âm thanh đắt tiền....
Có những chiếc băng cối mới sản xuất với vỏn vẹn 300 chiếc có giá đến gần 500 USD (khoảng 11 triệu đồng/chiếc).
Thời đại công nghệ, người ta dễ dàng tìm nghe bất cứ một bản nhạc nào trên mạng nhưng với những người sành nhạc, cái thú nghe nhạc qua băng cối thích hơn nhiều. Âm thanh băng cối được tính bằng thời gian thực trong phòng thu nên người nghe có cảm giác đang có mặt trong studio để nghe ca sĩ hát trực tiếp.
Thêm vào đó, cái thú được lấy cuộn băng cối ra và lắp váo máy trước khi thưởng thức cũng khiến người ta bị mê hoặc. Và khi những âm thanh êm ả phát ra từ chiếc máy phát, nhìn chiếc băng quay đều trong phòng khiến người ta thư thái lạ, cảm giác như được trở lại với quá khứ.
Những chiếc đầu đọc băng cối cũ nhưng có giá lên tới hàng ngàn, thậm chí cả chục ngàn đô.
Vài năm gần đây, cùng sự trở lại của thú chơi đĩa than , người anh em song sinh của nó là băng cối cũng được sủng ái trở lại. Người ta nghe vì chất lượng băng cối và nghe bằng cả kỷ niệm như một cách ôn lại ký ức đã lùi xa nhiều thập kỷ trước khi băng cối là thú chơi thời thượng của dân chơi Hà Thành.
Không còn được sản xuất, sự hiếm có của những chiếc máy chạy băng cối lại một lần nữa đang dần trở thành trào lưu với những người yêu âm nhạc và những cỗ máy hoài cổ.
Những thập kỉ trước, theo sự phát triển của công nghệ, chỉ những nhà có điều kiện tại các thành phố mới sở hữu cho mình một ‘máy loa kèn’ cùng với những chiếc đĩa than như trở thành một biểu tượng của sự quyền quý và ‘đẳng cấp’ về văn hóa. Cùng với đó, băng cối ra đời và được ưu ái trở thành thước đo cho sự sành điệu của dân chơi Hà Nội.
Nhưng nếu như đĩa than và đầu đọc được sản xuất mới thường xuyên, giá nào cũng có, loại nào cũng sẵn thì băng cối lại chơi khó người chơi khi người ta chỉ sản xuất băng nhưng không đoái hoài gì đến máy quay băng cối. Thế là dân chơi lại phải tìm đến thị trường buôn bán đồ cũ trên mạng hoặc phải lặn lội xách tay từ châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á sẵn hàng như Hàn quốc, Trung Quốc...
Một chiếc đầu chạy băng cối STUDER có giá chừng từ 5000-12.000 USD
Chúng tôi tìm đến một địa chỉ quen thuộc với dân nghiền đĩa than và băng cối ở Hà Nội để tìm gặp anh Trần Hải Đăng (Viện Phó Viện âm nhạc) để lý giải sự trở lại của băng cối. 'Với các đĩa CD, để đạt được chất lượng âm thanh như băng cối thì giá thành sẽ vô cùng đắt.
Rất nhiều đĩa CD hiện nay phải nhờ đến băng cối để master lại bởi nó đạt chất lượng âm thanh hoàn hảo. Nó mang chất lượng âm thanh analog rất dịu dàng, gần gũi với đôi tai người nghe khi được phát với thời gian thực, điều mà công nghệ digital ngày nay người chơi phải tốn rất nhiều chi phí mới có thể làm được", anh Đăng - chủ nhân của Hà Nội đĩa than lý giải.
Tuy nhiên, chơi băng cối không phải dễ. Bởi đĩa mới sản xuất ra thì nhiều, có khi lên tới 500 USD 1 chiếc (chừng 11 triệu đồng) nhưng đầu chơi đĩa thì đã 'tuyệt chủng', chỉ còn nhờ vào đồ cũ. Anh Đăng cho biết, rất nhiều băng cối quý hoặc đầu chạy băng cối được dân chơi săn lùng từ các hàng đồng nát.
Chúng được các gia đình 'thanh lý' bán đồng nát khi dọn nhà vì nghĩ không còn giá trị khi tìm thấy trên gác xép hay nhà kho. Ở Hà Nội có một nhóm người hay đi săn thứ này và rất nhiều người trong giới sưu tầm phải tìm đến họ. Đã có rất nhiều chiếc băng cối quý hiếm được khui ra từ những chiếc chum được phủ vôi để giữ ẩm.
"Săn lùng đầu băng cối ở Việt Nam không có nhưng ở nước ngoài lại rất nhiều. Những người mua có rất nhiều nguồn từ ebay, xách tay ở nước ngoài rất phong phú. Những người chơi băng cối ở Hà Nội rất đông. Trí thức có. Nghệ sĩ có. Lao động có. Những người chơi dù ở tầng lớp nào tự tìm đến nhau và đều biết nhau gần hết. Đó là điều kì lạ ở người chơi", anh Đăng nói.
Chính vì vậy, địa chỉ Hà Nội đĩa than của anh luôn được những người yêu đĩa than và băng cối tìm đến để chia sẻ và tìm sự đồng cảm về một thú chơi đẹp. Tìm người chơi không khó, tìm 1 cuốn băng hay cũng không khó, nhưng tìm được 1 chiếc máy chạy băng cối thì khó, khi nó dở chứng thì tìm người sửa lại càng khó hơn vì giờ không có nơi nào sản xuất nữa. Không ít chiếc phải mang ra nước ngoài để sửa bởi những chiếc đầu đắt tiền luôn cần đến sự chính xác gần như tuyệt đối để cho ra thứ âm thanh hoàn hảo.
Theo Vietnamnet