"Thiên tài" thiết kế tiết lộ iPhone suýt bị "khai tử"
(Dân trí) - Tại thời điểm này, có lẽ iPhone là chiếc điện thoại nổi tiếng nhất thế giới và đạt đỉnh cao về thành công, nhưng ít ai biết được rằng thiết bị này đã suýt không được ra đời vì nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật mà Apple tưởng như không thể vượt qua được.
Thông tin trên do chính Jonathan Ive, phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng thiết kế công nghệ tại Apple tiết lộ tại một buổi hội thảo doanh nghiệp Anh quốc được tổ chức bên lề thế vận hội Olympic London 2012. Theo Ive, ban đầu, cả ông và tổng giám đốc điều hành quá cố của Apple, Steve Jobs đều nhận thấy hàng loạt khó khăn về mặt kỹ thuật mà họ cho rằng không thể vượt qua được.
"Chúng tôi gần như đã dừng việc phát triển chiếc điện thoại này (iPhone) bởi vì chúng tôi cho rằng có những vấn đề cơ bản mà chúng tôi không thể giải quyết được", Ive nói "Với các bản thử nghiệm đầu tiên, tôi áp chiếc điện thoại vào tai mình và tai của tôi đã quay số. Bạn phải phát hiện được mọi hình dạng của tai và cằm, màu da và các kiểu tóc...đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ mà chúng tôi đã thực sự từng nghĩ đến".
Apple đã từng nhiều lần muốn hủy bỏ dự án phát triển điện thoại iPhone
"Thiên tài" thiết kế của Apple khẳng định đã rất "nhiều lần" dự án phát triển điện thoại iPhone gần như bị loại bỏ vì gã khổng lồ phần mềm Mỹ không thể giải quyết được những lỗ hổng thiết kế nhất định. Tuy nhiên, cuối cùng Apple cũng đã vượt qua được những thử thách đó và hãng đã bán được gần 250 triệu chiếc điện thoại iPhone kể từ khi thiết bị này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007.
Mới đây, trong phiên tòa xét xử cuộc chiến bằng sáng chế giữa Apple và Samsung, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã cung cấp một số thông tin hiếm hoi về quy trình thiết kế phần cứng nội bộ nổi tiếng tối mật của mình. Nhà thiết kế Christopher Stringer của Apple khẳng định đội ngũ thiết kế công nghiệp làm việc cho Apple bao gồm 15 đến 16 thành viên đến từ khắp nơi trên thế giới, do Ive làm trưởng nhóm. Đội ngũ này làm việc trên tất cả các sản phẩm của Apple và dành thời gian mỗi tuần để thảo luận về chúng, chủ yếu là ở ngay tại bàn ăn vì đó là nơi nhóm cảm thấy "thoải mái nhất". "Vai trò của chúng tôi là tưởng tượng ra các sản phẩm chưa từng xuất hiện và đưa chúng vào cuộc sống", Christopher Stringer khẳng định.
Võ Hiền
Tổng hợp