Thị trường nhạc số Việt Nam: Kho tàng tiềm ẩn
Thời gian gần đây, khi hãng Apple được nhắc đến với tư cách một nhà phân phối âm nhạc nhiều hơn là một hãng sản xuất máy tính, nhạc số bắt đầu tạo dấu ấn trong làng CNTT. Và khi các đại gia Microsoft, Sony, Samsung, Nokia vào cuộc, một cơn bão mới đã chính thức bắt đầu. Tại VN, nhạc số đang ở đâu và sẽ đi về đâu?
Bức tranh nhạc số VN: Vài mảng sáng trên nền tối
Ngoài các dịch vụ cài đặt nhạc chuông và nhạc số trên điện thoại di động, nhạc số tại VN chưa có thêm dịch vụ giá trị gia tăng. Trong khi đó, các dịch vụ phần mềm (PM) nhạc số nổi tiếng thế giới không dám mở cửa cho người Việt dùng (theo Apple.com). Nguyên nhân đã rõ: IP VN bị cấm sử dụng ở nhiều dịch vụ thanh toán quốc tế do tỷ lệ vi phạm bản quyền cao, cộng thêm những “con sâu” dùng thẻ tín dụng “chùa” đã làm ảnh hưởng uy tín của số đông người dùng VN. Dù lạc quan đến mấy, các hãng nhạc số quốc tế vẫn chờ thời điểm thích hợp hơn để chinh phục thị trường VN. Hiện nay, trong nước nhạc số mới chỉ dừng ở các hàng băng đĩa lậu, các website lậu, các file nhạc máy tính lậu và các track MP3 lậu trên điện thoại di động.
Song, điểm vào gam màu ảm đạm của bức tranh nhạc số VN vẫn có mảng màu sáng: dấu hiệu khởi sắc của phần cứng. Hàng triệu điện thoại di động cao cấp có khả năng nghe nhạc, hàng triệu máy tính cá nhân được thị trường trong nước tiêu thụ hàng năm đã và đang tạo nên nền móng vững chắc cho nhạc số VN. Thị trường máy nghe nhạc số chuyên dụng cũng đang nóng lên với sự gia nhập của iPod (Apple), máy nghe nhạc số MP3 theo dạng thẻ nhớ USB của Samsung và Sony... Lạc quan nhìn nhận thì thị trường phần cứng nhạc số VN đã bắt kịp trào lưu thế giới.
Một mảng sáng “mờ mờ” khác trong bức tranh nhạc số VN là âm nhạc trực tuyến “cây nhà lá vườn”. Trong 3 năm qua, hàng trăm website âm nhạc rầm rộ ra đời (và cũng gần chừng ấy website dẹp tiệm). Trong cuộc vật lộn tìm lối thoát, các website của các ca sĩ, nhạc sĩ, hãng băng đĩa VN đang đa dạng dần nhưng tồn tại chung vẫn là: thông tin ít cập nhật (cá biệt có những trang web nửa năm không thay đổi gì); đội ngũ chăm sóc (admin) chủ yếu là tự nguyện, chưa chuyên nghiệp; chưa có chiến lược quảng bá rõ ràng... Đặc biệt, tính năng quan trọng hàng đầu là giới thiệu giọng hát (đối với website ca sĩ) và giới thiệu các bài hát (đối với các hãng băng đĩa) hầu như chưa có.
Khắc phục một số hạn chế kể trên, website của các nhóm cá nhân và một số công ty đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong nước vẫn chưa có dịch vụ nào tầm cỡ. Chưa website nào đủ khả năng thu hút khách hàng trả phí hoặc có sức đột phá.
Tiềm năng khó khai thác
Với gần 7 triệu người dùng Internet trong nước (theo VNNIC), khoảng 5 triệu người Việt ở nước ngoài dùng Internet và ước tính gần 8 triệu người sử dụng điện thoại di động trong nước, nhạc số có một thị trường đầy tiềm năng để phát triển tại VN.
Bản thân nhạc số đã mang nhiều ưu điểm nổi trội: tìm kiếm dễ dàng, lưu trữ số lượng lớn, nghe nhạc mọi nơi mọi lúc, phát tán rộng... Nhiều đối tượng có thể hưởng lợi từ nhạc số: Người nghe thưởng thức trực tiếp; ca sĩ, nhạc sĩ có kênh quảng bá hiệu quả; các hãng băng đĩa áp dụng được phương thức “nghe thử” đối với khách hàng... Đây cũng là cây cầu hữu hiệu nối người làm âm nhạc và người nghe âm nhạc, là công cụ hữu ích để bảo tồn và lưu trữ các giá trị âm nhạc truyền thống.
Tuy vậy, nhìn vào tình hình băng đĩa lậu tràn lan hiện nay, có thể kết luận ngay rằng kinh doanh nhạc số hợp pháp là một ý tưởng liều lĩnh và có phần viển vông. Bởi chỉ tính riêng chi phí máy chủ cho một hệ thống nghe/tải nhạc, phải tốn hàng chục triệu đồng/tháng, trong khi khả năng thu phí còn “mờ mịt”.
Thực tế đã chứng minh, thành công nhất thế giới hiện nay là dịch vụ tải nhạc iTunes của Apple, tuy nhiên Apple không thu được quá nhiều từ việc download. Nguồn thu chính của hãng này đến từ iPod - thiết bị phần cứng. Bài toán tương tự đặt ra với Sony, Samsung và Creative. Chiếc bánh PM không đủ bù chi phí bản quyền, máy chủ, nhân công... Trong nước, thời gian gần đây FPTmusic, một đội ngũ trẻ với nhiều nhiệt huyết và tiềm năng, đang hướng đến kinh doanh nhạc số nhưng cũng không nhắm vào thị trường người dùng cuối. Doanh thu chủ yếu của FPTmusic là viết PM và thiết kế website cho các ca sĩ cùng các chủ thể kinh doanh trong thị trường âm nhạc.
Giới thiệu, quảng bá sẽ phát triển mạnh
Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và điện thoại di động, đặc biệt là sự ra đời và giảm giá của các dịch vụ kết nối băng thông rộng ADSL, 3G, người yêu nhạc VN đang có thêm lựa chọn cách nghe nhạc ngoài TV, đài và băng cassette truyền thống. Con số 15 triệu người Việt trẻ, có thu nhập khá sẽ thực sự gây ấn tượng với những ai đang có nhu cầu quảng bá. Chưa kể số lượng lớn người nước ngoài và Việt kiều xa xứ mong muốn nghe nhạc trong nước qua Internet. Các ca sĩ, nhạc sĩ, công ty dịch vụ âm nhạc và các hãng băng đĩa sẽ nhanh chóng nhìn nhận Internet như một công cụ không thể thiếu, thậm chí là con bài chủ chốt trong chiến lược marketing. Các website, PM và dịch vụ đi kèm sẽ sớm trở thành mốt thời thượng. Khi ấy, CNTT sẽ khẳng định vai trò to lớn của mình trong việc quảng bá âm nhạc.
Thời điểm mà nhạc số VN lên ngôi chắc sớm cũng phải mất vài năm, tuy vậy chúng ta vẫn có quyền hy vọng và chờ đợi.
Theo Thế giới vi tính