Thanh âm hoài cổ

Trong thành phố hiện đại, nhộn nhịp, nơi người người khao khát tìm đến, cập nhật những gì mới mẻ nhất, lại có những bạn trẻ đắm mình trong những âm thanh xưa cũ với những chiếc máy nghe nhạc có tuổi đời hàng trăm năm!


Chinh đang chăm chút máy yêu.

Chinh đang chăm chút máy yêu.

“Con nghiện” đĩa than

Chinh có lẽ là một trong những tín đồ đĩa than. Đối với Chinh thì không gì hay hơn đĩa than, những sản phẩm phổ biến từ thời chiến tranh thế giới thứ II. Vì yêu đĩa than, Chinh mày mò trên mạng, mua máy về lắp nghe, rồi dần trở thành người sửa chữa, mua bán đĩa than.

Chàng trai độ 30 tuổi này trở thành một chuyên gia thực sự về món đồ cổ, nói: “Người chơi đĩa than ngày càng nhiều. Nhưng chơi nhiều mà mở ít, vì sợ đĩa hư. Mỗi cái đĩa than giá cả triệu bạc, lại khó mua. Mỗi lần nghe, như muốn đứt cả ruột. Cứ sợ trầy xước đĩa, hư kim. Mỗi đĩa chỉ nghe 30 phút, trong khi nghe nhạc trên máy tính thì mở suốt ngày. Cho nên khách vào nhà, vào quán, lâu lâu mới được nghe khổ chủ mở đĩa than”.

Để thỏa mãn thú nghe đĩa than, Chinh mày mò tự học nghề sửa chữa, lắp đặt, vệ sinh máy móc. Chinh tự hào nói: “Cả thành phố này, chỉ mình em dám mở đĩa than suốt cả ngày đêm mà không nghe bất kỳ loại đĩa CD hay nhạc số. Đó là vì em biết đôi chút về kỹ thuật”.

Theo Chinh, sở dĩ giới trẻ TPHCM ngày càng mê đĩa than là do giá cả hợp lý mà nghe nhạc lại có “gu”. Bạn này nói: “Đầu nghe đĩa than từ vài triệu lên tới khoảng 10 triệu đủ nghe được rồi. Trong khi đó, nếu chơi đồ Hi-end là đồ âm thanh chất lượng cao thì chi phí phải vào khoảng 200 triệu đồng trở lên. Trong khi đó chơi đĩa mâm đầu tư ít tốn kém mà chất lượng không thua kém đồ Hi - end”.

Khách hàng của Chinh chủ yếu là các bạn trẻ, giới tin học, sinh viên ham mê kỹ thuật. Họ mua đĩa than cũ, những cái loa tưởng như bỏ đi, chỉ dăm bảy triệu đồng. Âm thanh trung thực tuyệt hảo của đĩa than và đĩa nhựa khiến họ hài lòng. Cái đáng ngại nhất là tuổi thọ vô chừng của các thiết bị có độ tuổi từ 30 năm trở lên. Những “kỹ thuật viên” năng nổ như Chinh giúp các bạn trẻ yên tâm khi lao vào thú vui âm thanh mộc.

Quán cà phê của Chinh ở gần đường tàu, tiếng tàu ầm ĩ thế mà ngày nào cũng có vài chục bạn trẻ mê đĩa than tụ tập. Họ trao đổi, mua bán, thưởng thức những thiết bị tưởng đã thuộc giới mua bán đồng nát, nay qua tay các bạn trẻ, chúng được hồi sinh, dõng dạc phát ra những âm thanh trầm ấm, mê hoặc đến lạ. Quá mê với âm thanh xưa, Chinh nói: “Vợ la em hoài, đòi sang quán chuyển làm nghề khác, vì thấy em mê đĩa than quá đi”.


Các bạn nữ thích thú nghe nhạc từ máy cổ. Ảnh: T.N. A

Các bạn nữ thích thú nghe nhạc từ máy cổ. Ảnh: T.N. A

Không chỉ các bạn nam mà rất nhiều bạn nữ cũng yêu thích âm thanh xưa. Họ tụ tập với nhau trong các quán nhạc dùng máy cổ để nghe lại các băng đĩa gốc được in ra dăm bảy chục năm trước. Mỗi ngày “nghiền” một ít, rồi đến ngày chính họ cũng trở thành khổ chủ của những chiếc máy cổ lỗ to tướng.

Hòa năm nay hơn 30 tuổi, quê gốc ở Phú Quốc, Kiên Giang, nhưng ở Sài Gòn chục năm nay. Hòa thường đi nghe nhạc ở các quán nhạc xưa và giờ đây cũng trở thành một người chơi đồ nhạc cổ. Hòa kể: “Em thấy một quán nhạc có cái máy cối với cặp loa rất hay, em quyết sang quán cho bằng được, để sở hữu cái máy nghe nhạc mà em thích”. Cái máy nghe nhạc to tướng ước giá khoảng 60 triệu đồng, kèm theo một quán nhỏ trên đường Trường Sa, mấy chị em gái quần tụ với nhau, vừa bán cà phê vừa nghe nhạc từ máy cối.

Quán của Hòa nằm mặt đường giáp kênh, xe cộ qua lại suốt ngày, nhưng âm thanh từ những băng từ loại lớn và cặp loa công suất khủng vẫn cuốn hút nhiều bạn nữ tới nghe và họ hòa mình vào âm thanh bass rất trầm, cùng những giọng ca nắn nót những năm 1960 của Duy Khánh hay Thái Thanh. Thứ âm nhạc chậm rãi ấy hoàn toàn đối nghịch với nhịp sống hối hả thời hiện đại.

Dẫn tôi lên tầng gác nhỏ, Hòa chỉ chiếc đầu đĩa than một người bạn mới tặng và nói: “Em đang tìm đĩa và khôi phục lại chiếc máy hát này để phục vụ các bạn”.

Tất cả chỉ là… dò dẫm

Luân, một người thợ sửa máy nghe nhạc cổ và cung cấp khá nhiều đầu nghe đĩa than, đĩa nhựa cho các cao thủ chơi đĩa than ở Sài Gòn nói rằng: “Thật ra ở Việt Nam chúng ta không có trường lớp nào dạy về sửa chữa, lắp đặt, sản xuất đĩa than, đĩa nhựa và máy băng cối. Các trường chỉ chuyên dạy về sửa chữa đồ điện tử, sửa ti vi, loa đài thôi.


Máy nghe nhạc từ đầu thế kỷ 20 trở thành hàng “hot”.

Máy nghe nhạc từ đầu thế kỷ 20 trở thành hàng “hot”.

Tất cả người chơi máy nhạc xưa đều là tự học và tự mày mò, nên vừa cực khổ vừa tốn kém”. Người thợ này cho tôi xem một chiếc máy nghe nhạc quay tay màu xanh do châu Âu sản xuất với giá bán chỉ 5 triệu, nhưng hiện nó không chạy được. Chiếc máy quay tay hoàn toàn bằng cơ khí, không liên quan chút gì đến điện tử.

Khi mất điện hay đi vào những vùng không có điện, chỉ cần quay tay căng lò xo như lên giây đồng hồ, máy sẽ chạy đầu đọc đĩa và phát nhạc. Luân nói: “Bí quyết sửa máy cổ thế này không có gì ghê gớm, chỉ tốn kém thôi. Nghĩa là phải mua một cái máy y hệt thế này, phải chấp nhận tháo tung nó ra nghiên cứu từng bộ phận, để xem cấu tạo thế nào, đồng thời thu thập các chi tiết phụ kiện, sau đó mới đụng vào cái máy mà khách đưa đến sửa”.

Vì những lý do kỹ thuật như thế, nên thời gian sửa chữa một chiếc máy cổ vài tháng thậm chí lên đến nửa năm, cho tới khi tìm ra linh kiện. Luân nói: “Em sửa máy tối mắt tối mũi, thời gian ăn còn không có”.

Chinh cũng nói: “Máy nghe đĩa than, đĩa nhựa đời mới sản xuất ở Trung Quốc nhiều, giá cao, chất lượng kém, các bạn không chuộng, chỉ thích sưu tầm đồ xưa”.

Châu, một tay chơi máy hát cổ cực kỳ chuyên nghiệp với bộ sưu tập hàng chục máy hát tuổi đời gần cả trăm năm nói: “Số người sưu tầm sở hữu hàng chục máy nghe đĩa cổ quý hiếm như cố nhạc sĩ An Thuyên ở Hà Nội thì cả nước chỉ chừng bảy người, trong đó ở TPHCM có mấy người thôi. Số còn lại thì cố gắng sao kiếm được một vài cái còn chạy tốt để nghe cũng là quý lắm rồi”. Theo Châu, người chơi ngày càng nhiều và hiện nguồn máy cổ trong nước đã được sưu tầm hết và chủ yếu phải nhập từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản về để lắp đặt, sử dụng.

Có máy mà… không có đĩa

Hòa nói rằng, sau khi mua được cái máy nghe băng cối cổ, cái khó giờ đây là lấy đâu ra băng để nghe: “Em mới có 10 băng thôi. Toàn nhạc xưa, buổi sáng nghe hơi buồn, muốn tìm băng nào nhạc sôi động hơn thì không có”. Băng gốc rất hiếm, băng sao lại cũng có giá 1 triệu đồng mỗi băng.


Hòa tâm đắc với chiếc máy cối.

Hòa tâm đắc với chiếc máy cối.

Đối với các nền âm nhạc lớn của thế giới thì ngành công nghiệp thu âm đĩa than, đĩa nhựa, băng cối rất quan trọng, vì chúng được thực hiện từ công nghệ thu âm thanh mộc, thu trực tiếp, đòi hỏi trình độ người biểu diễn và người thu âm phải giỏi và chuyên nghiệp.

Trong khi đó, ngành công nghệ Việt Nam đều chủ yếu phát triển thu băng cát sét và đĩa CD, kỹ thuật số. Chinh nói: “Ở Hà Nội có chương trình Tóc Ngắn của Mỹ Linh thu xong rồi cũng thấy không phát triển nữa. Ở Sài Gòn nhạc sĩ Đức Trí có làm mấy chương trình kết hợp với Gia Định Audio, nhưng đĩa đều làm ở nước ngoài đem về cả, chứ Việt Nam mình hiện không làm được”.

Đĩa than Việt Nam được sản xuất từ nước ngoài có giá khoảng 1 triệu đồng, nhưng chỉ chừng chục chương trình, số còn lại là đĩa sưu tầm từ trước 1975 và từ nước ngoài: “Có đĩa sưu tầm giá tới 30 triệu đồng” – Chinh nói. Nhạc sĩ Anh Quân, chồng của ca sĩ Mỹ Linh có lần than phiền với truyền thông rằng, các ca sĩ ngại sản xuất các chương trình chất lượng là do vấn đề bản quyền không được đảm bảo, băng đĩa lậu quá nhiều, khiến nhà sản xuất càng đầu tư càng thua lỗ. Gần đây nhạc sĩ Đức Trí cố gắng kết hợp sản xuất một số chương trình đĩa than cho ca sĩ Lệ Quyên, Hương Lan… đáp ứng phần nào nhu cầu của các bạn trẻ chơi đĩa than.

Tâm huyết với âm thanh mộc, Chinh nói với tôi: “Thống kê cho thấy người chơi đĩa than, đĩa nhựa hiện nay tại Việt Nam đã bằng 70% số người chơi ở thời điểm cao nhất vào năm 1986. Nhưng tình hình băng đĩa sản xuất khan hiếm đắt đỏ như bây giờ thì thú chơi âm nhạc chất lượng này của các bạn trẻ khó mà phát triển được”.


Theo Tiền phong