Scandal nội bộ biến Hewlett Packard thành “tội đồ”
Hãng công nghệ lớn nhất về doanh thu đang phải hứng chịu một trong những “tấn bi kịch tập đoàn” kỳ cục nhất thế giới. Cuộc nội chiến trong công ty này dẫn đến sự ra đi của một số thành viên ban quản trị còn các thủ đoạn gián điệp của cựu chủ tịch HP cũng đang bị điều tra.
Câu chuyện bắt đầu vào ngày 23/1/06 khi trang tin CNet đăng tải thông tin về những chiến lược lâu dài của Hewlett-Packard. Bài viết đó khiến Chủ tịch HP Patricia Dunn nổi giận và quyết tìm ra "kẻ phản bội". Nhưng khi Dunn bàn kế hoạch với giám đốc Tom Perkins, ông này cho rằng chỉ cần thông báo cho hội đồng quản trị và yêu cầu người cung cấp tin xin lỗi.
Tuy nhiên, Perkins đã hoàn toàn bất ngờ khi trong trong một cuộc họp hồi tháng 5, Dunn chỉ đích danh giám đốc George Keyworth là người để lộ bí mật tập đoàn. Bất bình trước kiểu làm việc lén lút của Dunn, Perkins đệ đơn xin rút lui còn Keyworth cũng phải từ chức.
Tưởng như sự việc đã qua đi nhưng ngày 5/9/06, tờ Newsweek đã vạch ra những hành vi trái phép của Patricia Dunn. Bài báo này cho hay Dunn đã thuê một nhóm chuyên gia bảo mật cài phần mềm gián điệp qua e-mail và nghe trộm điện thoại của tất cả các thành viên ban quản trị HP, trong đó có cả cựu Giám đốc điều hành Carly Fiorina, cũng như 9 phóng viên của CNet, New York Times và Wall Street Journal.
Lố bịch hơn, New York Times còn phát hiện ra rằng HP đang xem xét việc thuê thám tử giả dạng thư ký rồi xin vào làm việc trong CNet và Wall Street Journal. Dunn thanh minh bà không biết trước nhóm chuyên gia đó đã sử dụng những phương pháp điều tra gì.
Ngày 11/9, CNet đăng lá thư dài 5 trang của Ủy ban năng lượng và thương mại của hạ viện Mỹ gửi cho Patricia Dunn, buộc tội HP đã dùng thủ đoạn "lừa đảo, dối trá" khi thu thập thông tin cá nhân. Ngay hôm sau, HP tuyên bố Mark Hurd, Giám đốc điều hành của tập đoàn, sẽ lên thay Dunn làm chủ tịch còn bà sẽ vẫn giữ một ghế trong ban quản trị.
Chưởng lý Bill Lockyer ở California (Mỹ) khẳng định Dunn và một số nhân vật nữa (cả trong và ngoài HP) sẽ phải khai báo toàn bộ vụ việc với Ủy ban thương mại Mỹ trong tuần tới. "Chỉ một chuyện nhỏ cũng làm xói mòn văn hóa công ty và đạo đức của người lãnh đạo", Charles King, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Pund-IT Research, nhận xét.
Trưởng khoa Jeffrey Sonnenfeld thuộc trường quản lý Yale (Mỹ) cho biết những gì mà HP thực hiện đã vượt xa so với các trường hợp tương tự trong quá khứ, chẳng hạn vụ tai tiếng của P&G (Proctor & Gamble) năm 1991. Tập đoàn này đã rà soát 803.000 hóa đơn điện thoại để tìm ra ai là người cung cấp thông tin cho một phóng viên của Wall Street Journal.
Điều đáng mỉa mai là scandal của HP xảy ra đúng lúc hãng này vừa thoát khỏi cuộc "nội chiến" kéo dài trong công ty. Năm 2001, Giám đốc điều hành khi đó của HP là Fiorina thuyết phục ban quản trị rằng họ nên mua lại đối thủ Compaq Computer với giá 19 tỷ USD. Tất cả đã tán thành trừ Walter Hewlett, con trai của một trong những người sáng lập HP vào năm 1938.
Walter Hewlett tìm mọi cách phá hủy hợp đồng và buộc tội Fiorina đã "đi cửa sau" để thuyết phục một ngân hàng đầu tư thay đổi quyết định. Compaq vẫn sáp nhập HP còn Hewlett rời ban quản trị năm 2002. Ba năm sau, HP tiếp tục lục đục và Fiorina lại xuất hiện trên mặt báo vì những mập mờ trong tài chính.
Sau khi Fiorina bị sa thải, Mark Hurd lên làm Giám đốc điều hành và HP đã bình lặng trở lại. Phong cách quản lý thẳng thắn và nghiêm túc của Hurd đã gây ấn tượng lớn với các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu của tập đoàn gần như nhân đôi trong thời gian ông giữ chức. Đến khi IBM bán đi bộ phận máy tính cá nhân, HP lập tức vượt qua Big Blue và trở thành hãng công nghệ lớn nhất thế giới xét về doanh thu. Đối thủ chính của HP là Dell cũng mắc nhiều sai lầm khiến vị trí của họ càng được củng cố... Cho đến khi những thủ đoạn khai thác thông tin trái phép ở trên bị phát giác.
Theo Hải Nguyên
VnExpress