Robot lặn giúp khám phá bí ẩn bên dưới mặt băng Nam Cực
(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa sử dụng một robot lặn tự động để làm đầu tiên xây dựng nên một bản đồ 3D độ phân giải cao và chi tiết vùng biển phía dưới mặt băng của Nam Cực.
Nam Cực được xem là một trong những khu vực khắc nghiệt nhất trên thế giới, do vậy rất khó để có thể khám phá và khảo sát khu vực này. Mới đây, nhờ vào một robot lặn tự động, các nhà khảo sát Nam Cực của Anh đã lần đầu tiên vẽ được bản đồ 3D độ phân giải cao và chi tiết vùng biển phía dưới mặt băng Nam Cực, bao gồm cả những khu vực mà trước đây rất khó để tiếp cận.
Chú robot có tên gọi SeaBED có kích thước dài 2 mét và khối lượng 200kg, với thiết kế thân tàu kép và cánh quạt ở đuôi để có thể di chuyển ở vùng biển bên dưới mặt băng. SeaBED có thể điều khiển từ xa ở độ sâu 20 đến 30 mét và đã tiến hành khảo sát 3 khu vực thuộc vùng biển Nam Cực, với diện tích khoảng 500.000 mét vuông, tương đương với 100 sân vận động.
SeaBED có thiết kế thân tàu kép và hệ thống phát hiện vật thể dưới nước hướng lên trên
Ngoài ra, SeaBED cũng được bố trí khác biệt so với nhiều loại tàu ngầm khác, khi phần lớn tàu ngầm được trang bị hệ thống phát hiện các đối tượng dưới nước bằng siêu âm hướng xuống để khảo sát mặt biển, thì SeaBED lại được trang bị một hệ thống tương tự, nhưng hướng lên trên để khảo sát bề mặt băng bên trong khi đang lặn.
Các nhà khoa học cho biết SeaBED đã giúp vẽ lại địa hình 3D đầy đủ bên dưới mặt băng Nam Cực, giúp cung cấp thông tin mới về cấu trúc của băng biển cũng như quá trình tạo lớp băng tại Nam Cực. Dựa vào đó, các nhà khoa học cũng thể tìm ra được sự khác biệt trong lớp băng của Nam Cực và Bắc Cực, cũng như đo độ dày của băng biển, giúp các nhà khoa học nghiên cứu những thay đổi của lớp băng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Trước đó, độ dày của băng biển ở các Cực thường được đo bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có biện pháp quan sát từ vệ tinh không gian, tuy nhiên phương pháp này thường không chính xác. Các nhà khoa học cũng có thể sử dụng biện pháp khoan, kết hợp với quan sát hình ảnh từ tàu thám hiểm, tuy nhiên biện pháp này cũng gặp nhiều hạn chế vì không thể tiếp cận các khu vực quá khắc nghiệt.
Các nhà khoa học Anh dự định sẽ tiếp tục sử dụng SeaBED để thực hiện những cuộc nghiên cứu quy mô lớn tại Nam Cực, tương đương với những cuộc nghiên cứu quy mô lớn được tiến hành bởi vệ tinh hoặc máy bay.
Video về tàu lặn thám hiểm Nam Cực SeaBED:
T.Thủy