Quy định mới về xử phạt hành chính trong hoạt động phát thanh, truyền hình

(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020, có nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động phát thanh, truyền hình.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó có nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động phát thanh, truyền hình. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020.

Quy định mới về xử phạt hành chính trong hoạt động phát thanh, truyền hình - 1

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP

Ý nghĩa thực tiễn của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP được ban hành nhằm đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan được ban hành sau Nghị định số 159/2013/NĐ-CP đó là: Luật Báo chí 2016; Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Nghị định số 08/2017/NĐ-CP ngày 08/02/2017 của Chính phủ quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí; Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Xuất bản; Quyết định số 45/2015/QĐ-TTg ngày 24/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

Các chế tài và hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP được xây dựng đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, phù hợp với mức thu nhập trong điều kiện kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay; đảm bảo tính giáo dục, răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm; đồng thời, đáp ứng yêu cầu đảm bảo trật tự quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Đối với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của mỗi chức danh được quy định chi tiết đối với các hành vi vi phạm, đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, huy động được nhiều lực lượng tham gia công tác ngăn chặn và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Những điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động phát thanh, truyền hình trong Nghị định

So với Nghị định số 159/2013/NĐ-CP thì Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có nhiều điểm quy định mới đối với việc xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, trong đó có phát thanh, truyền hình. Đây là văn bản pháp lý quan trọng hỗ trợ các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, đảm bảo một môi trường báo chí phát triển, trong sạch và lành mạnh.

Đối với phát thanh, truyền hình, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã bổ sung mới quy định phạt tiền đối với các hành vi: Thay đổi biểu tượng kênh phát thanh, kênh truyền hình nhưng không có văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thay đổi thời lượng phát sóng, thời lượng chương trình tự sản xuất của kênh phát thanh, kênh truyền hình được quy định trong giấy phép hoạt động phát thanh, giấy phép hoạt động truyền hình; Thay đổi tên gọi cơ quan chủ quản báo chí; tên gọi cơ quan báo chí; tên gọi kênh phát thanh, kênh truyền hình; địa điểm phát sóng; địa điểm trụ sở gắn với trung tâm tổng khống chế; phương thức truyền dẫn, phát sóng quy định trong giấy phép hoạt động phát thanh, giấy phép hoạt động truyền hình nhưng không được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép; Sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình mà không có giấy phép.

Liên quan đến hành vi vi phạm quy định thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh không thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ ràng và cụ thể mức phạt tiền đối với một trong các hành vi: Thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh không thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình không đúng đối tượng; Cung cấp tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh cho các đối tượng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh; Sửa chữa, tẩy xóa hoặc cho thuê, mượn giấy chứng đăng ký thu tín hiệu truyền nước ngoài hình trực tiếp từ vệ tinh;Thực hiện không đúng nội dung quy định tại giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh;Thực hiện thỏa thuận hoặc giao kết hợp đồng cung cấp tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh mà không có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền hoặc không thực hiện đăng ký làm đầu mối thiết lập hệ thống thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh;Thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh; Cung cấp tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh có nội dung gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Đối với vi phạm quy định trong quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định việc phạt tiền đối với một trong các hành vi: Không cài đặt tên, biểu tượng dịch vụ phát thanh, truyền hình trên kênh chương trình theo quy định; Niêm yết không đầy đủ thông tin về giá dịch vụ, giá gói dịch vụ gắn với các thông tin, thông số kỹ thuật cơ bản của dịch vụ, gói dịch vụ; Thực hiện không đúng quy định về công bố, niêm yết chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Thực hiện không đúng quy định về việc tự kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình;Cài đặt tên, biểu tượng dịch vụ trên các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu;Lập hồ sơ theo dõi không đúng quy định hoặc không lập hồ sơ theo dõi việc cung cấp nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng; Thực hiện không đúng quy định tại giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; Cản trở hoặc làm chậm trễ việc thỏa thuận điểm nhận tín hiệu, tín hiệu kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình; Không ban hành quy chế nội bộ về việc tự kiểm tra chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định; Không đăng ký hợp đồng mẫu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc sử dụng hợp đồng không đúng với hợp đồng mẫu đã đăng ký; Không niêm yết thông tin về giá dịch vụ, giá gói dịch vụ gắn với các thông tin, thông số kỹ thuật cơ bản của dịch vụ, gói dịch vụ; Không công bố, niêm yết chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Không thực hiện quy định về việc tự kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình…

Ngoài ra, để đảm bảo đồng bộ hóa với các văn bản pháp luật liên quan, gồm Luật Báo chí 2016, Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã bổ sung mới quy định phạt tiền đối với các hành vi đăng, phát thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; Đăng phát thông tin, chương trình dành cho trẻ em không đảm bảo tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em. Đây là một trong những điểm mới, tích cực của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP cũng bổ sung nhiều điểm mới với những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt trong các vấn đề: Vi phạm về giấy phép; Vi phạm quy định về liên kết trong hoạt động báo chí; Vi phạm quy định về lưu chiểu báo chí; Vi phạm quy định về đăng,phát nội dung thông tin trên báo chí;…

Nghị định 119/2020/NĐ-CP gồm 5 chương và 44 điều, bao gồm: Chương I - Quy định chung; Chương II - Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương III - Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương IV - Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; Chương V - Điều khoản thi hành