Phiên bản Android nào "nổi tiếng" nhất thế giới?

(Dân trí) - Mặc dù đã ra mắt từ cách đây 2 năm, tuy nhiên phiên bản 2.3 Gingerbread mới là phiên bản Android phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, chứ không phải là các phiên bản mới như Android 4.0 Ice Cream Sandwich hay 4.1 Jelly Bean.

Theo con số thống kê các thiết bị sử dụng nền tảng Android mà Google vừa công bố tính đến hết tháng 11 thì cho đến nay, hiện có 34,2% thiết bị chạy Android sử dụng phiên bản 4.0 Ice Cream Sandwich trở lên (bao gồm cả phiên bản 4.1 và 4.2 Jelly Bean), trong đó phiên bản 4.0 chiếm 27,5%. Đây được xem là một bước cải tiến đáng kể, khi mà chỉ 6 tháng trước đây, phiên bản Android Ice Cream Sandwich chỉ chiếm tỷ lệ 7% ít ỏi số các thiết bị chạy Android.

Các phiên bản Android cũ vẫn chiếm ưu thế trong số các thiết bị đang sử dụng hiện nay
Các phiên bản Android cũ vẫn chiếm ưu thế trong số các thiết bị đang sử dụng hiện nay

Mặc dù số lượng thiết bị chạy Android Ice Cream Sandwich và Jelly Bean vẫn đang tăng, tuy nhiên các thiết bị chạy các phiên bản cũ như 2.3 Gingerbread trở về trước vẫn đang chiếm ưu thế, lên đến 65,8% tổng số thiết bị. Đáng chú ý trong đó, phiên bản Gingerbread vẫn đang là phiên bản Android phổ biến nhất hiện nay, chiếm đến 50,8% tổng số thiết bị Android, mặc dù phiên bản này đã được ra mắt từ tháng 12/2010.

Có vẻ như các phiên bản Android cũ vẫn hoạt động khá ổn định trên các thiết bị cũ với cấu hình khiêm tốn 2 năm về trước, điều này giải thích cho lý do tại sao chúng vẫn đang rất thịnh hành và được sử dụng rộng rãi và người dùng chưa có ý định đổi sản phẩm của mình.

Trong khi đó, phiên bản Android 4.2 Jelly Bean chỉ vừa được ra mắ tháng trước cũng đã chiếm 0,8% thị phần, một con số khá nhỏ nhưng thực sự ấn tượng cho một phiên bản hệ điều hành mới. Có được điều này là nhờ vào sự thành công ngoài sức mong đợi của loạt sản phẩm chạy Android 4.2, bao gồm smartphone Nexus 4 và máy tính bảng Nexus 10, cùng với phiên bản nâng cấp chiếc máy tính bảng Nexus 7 3G.

Phiên bản Android có thể xem là “thảm họa” nhất của Google tính cho đến thời điểm này chính là phiên bản 3.0 Honeycomb, vốn được Google thiết kế dành riêng cho máy tính bảng.

Trước đây, Google đã từng phân chia rõ ràng phiên bản Android dành cho smartphone và phiên bản dành cho máy tính bảng, cho đến khi Android 4.0 Ice Cream Sandwich ra mắt để hợp chung 2 phiên bản này lại với nhau. Mặc dù được ra mắt từ tháng 2 năm ngoái, tuy nhiên cho đến nay phiên bản Android Honeycomb chỉ chiếm 1,6% tổng số thiết bị chạy Android, một con số hết sức khiêm tốn.

Với sự ra mắt của Android 4.0 từ tháng 10 năm ngoái, phiên bản Honeycomb đã bị khai tử và không còn thiết bị mới nào chạy hệ điều hành này được ra đời.

Hiện tại, việc có quá nhiều phiên bản Android cùng đồng thời phát triển không chỉ khiến các hãng sản xuất điện thoại cảm thấy bối rối mà ngay cả người dùng cũng cảm thấy khó khăn khi lựa chọn thiết bị chạy Android phù hợp.

Không giống với các thiết bị của Apple chạy iOS sẽ được nâng cấp đồng loạt lên phiên bản mới, các thiết bị chạy Android sẽ chỉ được nâng cấp lên phiên bản mới khi được hãng sản xuất phát hành phiên bản tương ứng phù hợp với thiết bị, điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể sẽ phải chạy một phiên bản Android cũ trên thiết bị mới của mình, nếu thiết bị đó không được hãng sản xuất tiếp tục hỗ trợ.

Vấn đề này được xem là một vấn đề đang khiến Google phải cảm thấy đau đầu. Rõ ràng, việc có nhiều hãng sản xuất lựa chọn Android là một điều giúp Android trở nên phổ biến hơn, nhưng mặt trái của nó là khiến hệ điều hành này khó có thể phát triển đồng bộ, như cách mà Apple đang làm được với iOS hiện nay.

T.Thủy