Hội nghị LTE khu vực Đông Nam Á:

Phát triển mạnh mẽ, 4G LTE đang mở ra kỷ nguyên di động mới

(Dân trí) - Hội nghị LTE khu vực Đông Nam Á diễn ra tại Bangkok, Thái Lan ngày 21/5 đã thu hút nhiều tổ chức, nhà mạng viễn thông từ khắp nơi trên thế giới tham dự.

Hội nghị LTE Đông Nam Á thu hút chuyên gia viễn thông từ khắp nơi trên thế giới
Hội nghị LTE Đông Nam Á thu hút chuyên gia viễn thông từ nhiều nước trên thế giới

Công nghệ di động phát triển nhanh nhất trong lịch sử

 Đây là lần thứ 2 Huawei tổ chức sự kiện này. Hội nghị thu hút nhiều tổ chức, như Hiệp hội GSMA khu vực Châu Á, Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu và Qualcomm, các nhà khai thác viễn thông hàng đầu thế giới, các nhà cung cấp dịch vụ như Spark NZ và HKT…

Trong các phiên hội nghị, các diễn giả đã chia sẻ những thực tiễn, kinh nghiệm triển khai mới nhất và hiệu quả nhất cũng như nắm bắt các cơ hội và giải quyết những thách thức khi chúng ta bước vào kỷ nguyên LTE. 

LTE đã trở thành công nghệ truyền thông di động phát triển nhanh nhất từ trước đến nay. Các nhà khai thác viễn thông cho biết lưu lượng dữ liệu và doanh thu tăng mạnh từ băng rộng di động và đang tăng cường đầu tư vào hệ thống mạng lưới và cơ sở hạ tầng của họ để đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai.

Theo các diễn giả đến từ GSMA, OVUM, Qualcomm, dự kiến đến hết năm 2015, toàn thế giới sẽ có ít nhất 450 mạng LTE trển khai thương mại so với con số 364 mạng đã chính thức cung cấp dịch vụ tại thời điểm cuối năm 2014.

Bên cạnh đó vẫn còn những thách thức về chi phí triển khai LTE, thác thức trong việc thu hút thuê bao, nâng cao nhận diện thương hiệu, và quản lý sản phẩm. 

Ông David Sun, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Huawei khu vực Đông Nam Á cho biết: “Để đáp ứng sự gia tăng về lưu lượng dữ liệu và thúc đẩy nhu cầu về vùng phủ sóng di động, các nhà khai thác tại khu vực Đông Nam Châu Á đang tìm kiếm các cách thức để triển khai công nghệ LTE và các giải pháp mạng vô tuyến tiên tiến”.

Ông David Sun cũng tự hào công bố, Huawei đã triển khai 189 mạng LTE trên toàn cầu, ngày càng nhiều các nhà khai thác viễn thông đã xem Huawei như là một đối tác chiến lược tin cậy cho việc chuyển đổi hệ thống mạng của họ.
 
Một thiết bị ăng - ten 4 băng tần được giới thiệu tại hội nghị
Một thiết bị ăng - ten 4 băng tần được giới thiệu tại hội nghị

Trong sự kiện này, Huawei đã giới thiệu về công nghệ LTE TDD, hệ thống trạm nhỏ (Small Cell) và ăng-ten cùng các sản phẩm IBS, trình diễn cách thức triển khai những công nghệ này, phân tích việc chúng tác động tới các hệ thống mạng và tối đa ưu hiệu quả băng tần trong khu vực Đông Nam Châu Á.

Xây dựng 4G: chiến lược băng tần, quy hoạch mạng sẽ là thách thức lớn

Một thiết bị ăng - ten 4 băng tần được giới thiệu tại hội nghị
Ông Xiao Yu, Phó Chủ tịch, Sản phẩm Giải pháp và Marketing, Huawei khu vực Đông Nam Á (ngoài cùng bên phải).

Nhận định về thách thức đối với các nhà mạng khi triển khai 4G, ông Xiao Yu, Phó Chủ tịch, Sản phẩm Giải pháp và Marketing, Huawei khu vực Đông Nam Á cho biết, chiến lược về băng tần và quy hoạch mạng lưới là một trong những thách thức đầu tiên mà các nhà khai thác phải đối mặt trước khi tung ra dịch vụ. 

Thách thức tiếp theo là việc làm thế nào để LTE có thể giúp tăng doanh thu dữ liệu và thêm giá trị. 

Nhưng cơ hội cho các nhà mạng hiện nay cũng rất thuận lợi, thu nhập dân cư tăng, giá smartphone giảm xuống, cơ sở hạ tầng được cải thiện…

Smartphone hỗ trợ 4G ngày càng giảm giá xuống thấp
Smartphone hỗ trợ 4G ngày càng giảm giá xuống thấp

“Huawei hy vọng LTE sẽ đến với các quốc gia trong khu vực vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, việc triển khai LTE tại các quốc gia đang phát triển vẫn sẽ ở mức khiêm tốn do trên thực tế giá của những smartphone LTE còn cao so với thu nhập của người dân các nước này. Tại các nước phát triển và đang phát triển, tỷ lệ thuê bao di động LTE sẽ chiếm tương ứng 90% và 30% vào năm 2020”, ông Xiao Yu nói.

Kinh nghiệm từ các nhà mạng thành công

4G sẽ mang trải nghiệm tốt hơn cho người dùng
4G sẽ mang trải nghiệm tốt hơn cho người dùng

Trả lời câu hỏi của Dân trí về việc cách tốt nhất cho nhà mạng nhỏ đi lên 4G, ông Xiao Yu cho biết đối với các nhà khai thác này, họ có thể sử dụng mạng 3G làm mạng băng rộng di động (MBB) cơ bản. Sau đó, họ có thể triển khai băng tần thấp LTE trên toàn quốc, rồi triển khaibăng tần LTE cao ở khu vực đô thị. Hầu hết các nhà khai thác đều sử dụng giá sàn 3G/4G.

Ông Xiao Yu cũng chia sẻ, Nhìn chung 4G được sử dụng để thu hút những người sử dụng có ARPU cao, đặc biệt là những người dùng trả sau, những người tìm kiếm sự khác biệt về chất lượng dịch vụ, được cung cấp bởi những nhà khai thác có kế hoạch cung cấp các dịch vụ trả sau hơn là trả trước và được trang bị các thành phần băng rộng di động thuận lợi hơn, với các hình thức truyền dữ liệu cao hơn, tốc độ truy cập nhanh hơn qua 4G.

“Các nhà mạng cũng sẽ không cung cấp 3G hay 4G riêng rẽ, thay vào đó là việc hướng các thuê bao đến các mạng 4G nơi vùng phủ sóng sẵn sàng, để khuyến khích việc tiêu thụ dữ liệu và từ đó tạo cho các thuê bao mong muốn tiêu dùng nhiều hơn để mua các gói dữ liệu với mức dùng data lớn hơn. Do đó, thông thường các nhà khai thác viễn thông sẽ không điều chỉnh lại mức giá cước 3G của họ sau khi khai trương 4G”, Ông Xiao Yu nói. 

Hiện trên thế giới đang có rất nhiều nhà khai thác LTE thành công. LG U + cung cấp dịch vụ LTE lần đầu tiên tại Hàn Quốc vào tháng 7/ 2011, tới nay phát triển rất mạnh; EE là một nhà khai thác LTE lớn nhất ở châu Âu, phủ sóng tới hơn 80% dân số và hơn 7 triệu thuê bao LTE.

Các nhà mạng này cung cấp rất nhiều smartphone LTE và các dịch vụ LTE phong phú. Họ cũng đang tạo ra một thị trường với nhiều dịch vụ mới, chẳng hạn C-game trên nền tảng đám mây… 
Bảo Khánh
Từ Bangkok, Thái Lan