Phần mềm nguồn mở vẫn chưa bứt phá

(Dân trí) - Sau hai năm Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở (PMNM), các giải pháp đặt ra cho phát triển sản phẩm và ứng dụng PMNM vẫn chỉ bó hẹp trong một bộ phận nhất định chứ chưa lan toả rộng rãi được đến cộng đồng xã hội. Nguyên nhân do đâu?

Đây chính là một trong những chủ đề được nhắc tới trong hội thảo Quốc gia lần thứ IV về PMNM với chủ đề “Từ chính sách đến hiện thực”, diễn ra trong ngày 6/12/2006 tại Hà Nội.

Ông Bùi Mạnh Hải, Thứ trưởng Bộ KHCN khẳng định: Bộ luôn hỗ trợ cho sự phát triển của các PMNM. Trong bối cảnh hội nhập, PMNM sẽ giúp Việt Nam tôn trọng được Luật sở hữu trí tuệ khi mà tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam còn ở mức cao.

 

Đại diện Bộ Bưu chính Viễn thông, Thứ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng PMNM là vấn đề không mới. Việt Nam đến giờ đã tổ chức hội thảo lần thứ 4 về vấn đề này. Khi hội nhập WTO thì CNTT Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Ông Đam cho rằng bảo vệ bản quyền phần mềm là giải pháp chủ động để phát triển công nghiệp phần mềm trong nước nói chung, trong đó có PMNM nói riêng.

 

Theo ông Đam, đẩy PMNM vào vị trí đối lập với các phần mềm thương mại là quan niệm sai lầm. PMNM không phải cho không, mà cái đích là ứng dụng thương mại phát triển PMNM cũng phải có trọng tâm, lựa chọn phát triển phần mềm nào, mục đích gì, và phát triển “tới nơi tới chốn”. Lợi thế lớn nhất của PMNM là tính cộng đồng. Phát huy được lợi thế này sẽ tránh được khuynh hướng PMNM bị đóng gói, thương mại hoá.

 

Tuy nhiên, với đặc thù CNTT Việt Nam hiện nay, việc phát triển PMNM gặp rất nhiều khó khăn. Ngay một đứa trẻ cũng đã quen với việc bật PC là thấy sản phẩm đóng, gây thói quen khó bỏ, ăn sâu vào tư duy. Luật Sở hữu trí tuệ mặc dù đã được thực thi nhưng tỉ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền vẫn cao.

 

Trên thực tế, thực trạng sau hai năm Việt Nam phát triển PMNM theo tinh thần Quyết định 235 của Thủ tướng Chính phủ, PMNM vẫn chỉ có một chỗ đứng rất nhỏ bé trong cộng đồng doanh nghiệp, khối nhà nước, khối giáo dục đào tạo. Theo báo cáo của văn phòng CNTT Bộ Khoa học Công nghệ thì PMNM vẫn chỉ mang tính thí điểm, đặc biệt ở các địa phương. Tại các doanh nghiệp, khảo sát cho thấy hạ tầng CNTT đa phần đều có Internet, có mạng LAN, nhưng số sử dụng PMNM chiếm tỉ lệ rất ít. Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó Chánh văn phòng CNTT- Bộ KHCN cho rằng: “Một số doanh nghiệp còn chưa tin tưởng về tính bảo mật của PMNM, một số chưa được tiếp cận thông tin, tức là khâu truyền thông, quảng bá của chúng ta chưa tốt”.

 

Bắt đầu từ năm 2003 và liên tục đến nay, các Hội thảo quốc gia, diễn đàn quốc tế và nhiều hội thảo chuyên đề về Phần mềm nguồn mở đã được tổ chức nhằm tổng kết kết quả nghiên cứu phát triển, ứng dụng và đào tạo về phần mềm nguồn mở ở Việt Nam. Hội thảo Quốc gia lần thứ IV về Phần mềm nguồn mở lần này, trước yêu cầu cấp bách của việc bảo vệ bản quyền phần mềm khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tôn trọng Hiệp định Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) thì việc xã hội hoá PMNM lại càng cần được quan tâm hơn hết. Đây cũng là quan điểm của Hội Tin học Việt Nam khi tham gia thảo luận trong hội thảo lần này.

 

Chính sách mua sắm, sử dụng PMNM trong các cơ quan, tổ chức dùng ngân sách Nhà nước, một số giải pháp, kinh nghiệm, thảo luận về vấn đề bảo mật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến PMNM cũng được đưa ra bàn thảo tại kỳ hội thảo lần này.

 

Bảo Trung