Nữ chuyên gia an toàn thông tin: "Nếu không phải Viettel, chưa chắc mình đã bám trụ với an ninh mạng"
(Dân trí) - Là một trong hai kỹ sư nữ hiếm hoi về an ninh mạng của Công ty An ninh mạng Viettel - Nhà cung cấp dịch vụ quản lý an ninh mạng tốt nhất Việt Nam, Nguyễn Thị An từng có ý định làm nghề khác vì liên tục bị từ chối khi nộp đơn xin việc.
Năm 2017, Nguyễn Thị An tốt nghiệp chuyên ngành An ninh mạng, Học viện Bưu chính & Viễn thông, với căng tràn nhiệt huyết về hoài bão bảo vệ vững chắc hệ thống thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Sau đó, cô sinh viên mới tốt nghiệp nhận được email trúng tuyển từ Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) với vị trí thực tập sinh giám sát và xử lý sự cố trên không gian mạng. "Viettel đã trao cho mình cơ hội theo đuổi ước mơ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực An ninh mạng", An cười rất tươi khi chia sẻ lại cơ hội năm đó.
Nữ chuyên gia phân tích mã độc duy nhất tại VCS
Hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam chưa có chuyên ngành về phân tích và xử lí mã độc. Ở một số trường, nội dung này chỉ đóng vai trò nhỏ trong quá trình đào tạo chung về an ninh mạng. Thế nhưng, điểm may mắn cho An cũng như nhiều thực tập sinh khác là VCS giống như một trường đại học mới về an ninh mạng với nhiều chuyên ngành sâu mà những kỹ sư đi trước chính là thầy giáo.
Tại VCS, An được nhiều chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng, sở hữu nhiều chứng chỉ an toàn thông tin uy tín và danh tiếng của thế giới đào tạo chuyên sâu. Cô thực tập sinh được dạy từ lí thuyết cơ bản nhất về mã độc đến phân loại, đặc trưng, hành vi và phương pháp ngăn chặn mã độc với chương trình học được cập nhật thường xuyên theo chuẩn quốc tế.
Dù chỉ mới là thực tập sinh, An đã được trao cơ hội tham gia xử lý sự cố an toàn thông tin lớn, khó kiểm soát cùng đội ngũ chuyên gia của VCS. Nhờ những trải nghiệm đặc biệt này, An tự tin hơn rất nhiều khi thực hiện thao tác khống chế mã độc.
Tại Trung tâm Giám sát và Phản ứng trên Không gian mạng, An được trải nghiệm và thử thách bản thân ở nhiều công việc khác nhau như phân tích mã độc, giám sát, xác thực cảnh báo, ứng cứu các sự cố thông tin, nghiên cứu cách thức cảnh báo lỗ hổng thông tin trên web hiện đại… Bên cạnh các khóa đào tạo nội bộ thường xuyên, công ty đài thọ cho An toàn bộ chi phí các khóa học chuyên sâu bên ngoài từ các chuyên gia an ninh mạng, bảo mật… để nâng cao hơn về trình độ nghiệp vụ.
Nếu không làm việc tại VCS, An không thể có cơ hội trực tiếp tham gia bảo vệ hệ thống thông tin, đối đầu, ngăn chặn các đợt tấn công của hacker trong nước và quốc tế vào các hệ thống thông tin lớn.
Tại VCS, An là thành viên nữ duy nhất trong Blue Team, nhóm chuyên bảo vệ hệ thống thông tin của doanh nghiệp khỏi sự xâm nhập của các hacker. Cô gái này cùng các đồng nghiệp đã phát hiện, ngăn chặn hàng trăm rủi ro bảo mật cho hệ thống, giúp doanh nghiệp củng cố tình hình an ninh của mình. Những ngày đầu trực tiếp phụ trách chính xử lý sự cố với các mã độc hiếm khi xuất hiện tại Việt Nam, An mất hàng giờ liền để nhận diện, tìm kiếm ý tưởng khống chế mã độc.
"Mặc dù đêm muộn nhưng anh em vẫn miệt mài động viên nhau, quyết tâm xử lí sự cố. VCS không chỉ trao cho mình cơ hội thử thách bản thân mà còn trao cho mình những đồng đội tuyệt vời." An kể.
Trong năm 2021, An là một trong những nhân sự chính tham gia xử lý 5 sự cố an toàn thông tin xảy ra trên hệ thống của Viettel và khách hàng. Ngoài ra, An hoàn thành triển khai nghiệp vụ rà xoát, xử lí mã độc (threat hunting) cho 100% khách hàng được giao, khối lượng trung bình 150 máy chủ /tháng, nghiên cứu hơn 10 kỹ thuật tấn công của các nhóm APT cho dự án VCS… Cũng trong năm 2021, An được 3 lần vinh danh là cá nhân xuất sắc nhất trong tháng, đạt danh hiệu nhân viên lao động tiên tiến 2021 cấp công ty.
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Hải, đồng đội cùng An bảo vệ nhiều hệ thống thông tin doanh nghiệp chia sẻ: "Công việc xử lý mã độc phải "ăn, ngủ" cùng với máy tính có thể lên đến 24/24 nhưng An chưa bao giờ từ chối, ngừng nghỉ khi chưa xử lí xong sự cố, kiên trì đến cùng để giải quyết sự xâm lấn của mã độc vào hệ thống."
Đi phượt và khao khát truyền lửa cho những bạn nữ muốn làm an ninh mạng
Đặc thù công việc không kể ngày hay đêm nhưng An chia sẻ, cô luôn căng tràn nhiệt huyết, sẵn sàng đón nhận những dự án khó nhằn hơn. Bí quyết để An "nạp" đầy năng lượng, cân bằng giữa công việc và cuộc sống đến từ thói quen tập luyện thể dục thể thao.
Anh Nguyễn Công Cường, Giám đốc Trung tâm Giám sát và Phản ứng trên Không gian mạng cho biết: "Trong các hoạt động thể thao của VCS như các giải đấu cầu lông, bóng bàn, An luôn là người đi đầu, động viên anh em cùng tham gia để giải tỏa áp lực, căng thẳng sau nhiều giờ ngồi trước màn hình máy tính".
Ngoài đam mê các môn thể thao như bóng bàn, cầu lông, cô gái có dáng người nhỏ nhắn này còn đam mê chinh phục những ngọn đèo, vùng đất mới. An hào hứng chia sẻ: "Sau những dự án dài hơi, mình thường lấy lại động lực làm việc qua những chuyến đi phượt. Cảm giác chinh phục ngọn đèo, leo thành công ngọn núi cao, bước chân đến những vùng đất xa xôi mang đến cho mình niềm hứng khởi, xóa nhòa đi những mệt mỏi, vướng bận trong công việc. Ước mơ của mình là đặt chân đến toàn bộ vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam."
Trong công việc, cô gái này mong muốn tham gia nhiều hơn vào công tác đào tạo chuyên môn cho nhân sự mới, đặc biệt là các bạn nữ muốn theo đuổi chuyên ngành An ninh mạng. Hiện tại, An đã xây dựng học liệu, trực tiếp giảng dạy trong các khóa đào tạo chuyên môn cho nhân sự mới (19 người) bao gồm một số chuyên đề CEH (Certified Ethical Hacker), mà trong đó phần nhiều các bạn nữ theo đuổi chuyên ngành phân tích mã độc.
"Mình hiểu những khó khăn của những người trẻ khi mới bước chân vào nghề, đặc biệt là các bạn nữ khi làm công việc này. Mình hy vọng qua những chia sẻ của mình và sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ đại gia đình Viettel, các bạn trẻ sẽ tìm thấy được đam mê của chính mình tại Viettel."