Những sự kiện ồn ào trong làng công nghệ 2006

Thế giới công nghệ thông tin 12 tháng qua đã trải qua nhiều chấn động. Đợt thu hồi pin kỷ lục, lãnh đạo dùng phần mềm gián điệp theo dõi cộng sự hay những rắc rối xung quanh hệ điều hành Windows Vista... đã tạo nên một năm không yên ả.

Scandal lỗi pin 

 

Các công ty sản xuất máy tính đã phải liên tiếp thu hồi 9,6 triệu pin laptop do Sony sản xuất chỉ trong 3 tháng. Xét về vật chất, "thảm họa" này khiến tập đoàn điện tử Nhật thâm hụt tới 433 triệu USD. Nhưng thiệt hại về mặt danh tiếng và uy tín còn cao hơn gấp bội. Sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm của Sony đang tăng tỷ lệ thuận với các đợt thu hồi pin và số trường hợp cháy nổ xảy ra trong thời gian qua.

 

Những sự kiện ồn ào trong làng công nghệ 2006 - 1

 Vụ cháy laptop dùng pin Sony đầu tiên

tại Nhật hồi tháng 6. Ảnh: The Inquirer.

 

Tồi tệ hơn, Sony đã biết trước khiếm khuyết trong các pin cung cấp cho hãng máy tính Dell một năm trước nhưng cũng chẳng màng tiến hành điều tra xem các hãng sản xuất laptop khác có bị ảnh hưởng không. Ngoài ra, mẫu máy chơi game PlayStation 3 (dự kiến ra mắt vào 17/11 và cạnh tranh với Xbox 360 của Microsoft) cũng gặp trục trặc trong triển lãm game Tokyo hồi tháng 9 do quá nóng.

 

Đạo đức người lãnh đạo

 

Những sự kiện ồn ào trong làng công nghệ 2006 - 2

 Patricia Dunn - nhân vật chính trong vụ bê bối của HP.

Ảnh: CNN.

 

Hewlett-Packard là một trong những công ty sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, một huyền thoại tại thung lũng Silicon và luôn được biết đến nhờ sản phẩm chất lượng và đội ngũ nhân viên biết cư xử đúng mực. Nhưng bên trong trụ sở ấy là những nhà quản lý sẵn sàng làm tất cả để che giấu bí mật của riêng họ.

 

Một số thành viên thuộc ban lãnh đạo HP nhận thấy chẳng có gì sai khi họ nghe lén điện thoại, lục lọi các thùng rác điện tử, đọc trộm e-mail và cài spyware nhằm xâm phạm thông tin cá nhân của nhân viên, nhà báo và cả những người khác trong hội đồng quản trị.

 

Windows Vista 

 

Windows là nam châm hút hacker và gần như chẳng tuần nào tập đoàn Microsoft không phải đối mặt với một lỗ hổng trong hệ điều hành hoặc phải sửa lại bản vá lỗi.

 

Những sự kiện ồn ào trong làng công nghệ 2006 - 3

 Cuối cùng, Windows Vista cũng đến tay các doanh nghiệp.

Ảnh: Blugu.

 

Phiên bản Windows Vista, dự kiến ra mắt đầu năm 2007, bước đầu sẽ không cho phép các hãng bảo mật như McAfee hay Symantec tiếp cận Vista kernel hay mã lõi (những công ty này chỉ được tiếp cận sau khi Microsoft phát hành Service Pack 1). Nhiều hacker đã chứng minh rằng hệ điều hành "bất khả chiến bại" của Microsoft vẫn có thể bị đánh sập, thế nhưng khách hàng sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào hãng phần mềm Mỹ để tránh cho hệ thống máy tính của họ khỏi bị xâm phạm. Bên cạnh đó, việc Vista bị hoãn đi hoãn lại cùng với cuộc đấu khẩu về bảo mật giữa Microsoft và Symantec cũng làm người sử dụng mệt mỏi.

 

Blu-ray đấu với HD DVD 

 

 

Những sự kiện ồn ào trong làng công nghệ 2006 - 4

 Blu-ray và HD DVD bất phân thắng bại. Ảnh: CNN.

 

Cuộc chạy đua trở thành chuẩn công nghệ giữa hai định dạng DVD thế hệ mới đang làm rối trí người tiêu dùng. Họ không biết nên bỏ ra 50 USD để mua một đầu DVD thông thường với khả năng phát hàng nghìn đĩa DVD; hay tiêu tốn 500 USD - 2.000 USD mua thiết bị HD DVD độ phân giải cao, hình ảnh rõ nét nhưng chỉ có vài chục phim tương thích và có thể sẽ thành đồ bỏ đi trong 2 năm tới vì Blu-ray đã thắng thế (hoặc ngược lại). Đa số khách hàng quyết định sẽ chờ một hãng nào đó sản xuất sản phẩm DVD với hai đầu đọc, có thể phát cả hai định dạng HD.

 

Máy tính... siêu di động 

 

Những sự kiện ồn ào trong làng công nghệ 2006 - 5

 Samsung Q1. Ảnh: CNN.

 

Microsoft và một số hãng điện tử, trong đó có Intel và Samsung, đã gây xôn xao làng công nghệ khi cho ra mắt những hệ thống máy tính Windows, tên mã Origami, không đủ nhỏ để nằm gọn trong túi áo, cũng không đủ lớn để thực hiện công việc một cách hiệu quả. Ngay khi xuất hiện trên thị trường, thiết bị UMPC (Ultra-mobile PC) Q1 của Samsung đã được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm nhưng số lượng sản phẩm được tiêu thụ lại rất èo uột.

 

Google - YouTube: Hội tụ 2.0

 

Quyết định chi hào phóng 1,65 tỷ USD cho YouTube trong tháng 10 đã ngầm khẳng định Google chính là cỗ máy khai thác siêu hạng trên "mỏ vàng" Internet. Vụ thỏa thuận này cũng cho thấy tầm quan trọng của video trong cuộc tiến hóa lên Web 2.0 cùng những nội dung đa phương tiện khác do chính người sử dụng tự tạo. "Những ai không quan tâm đến YouTube hẳn đang ngủ quên hoặc không thành thật trong lời nói", Jonathan Miller, bị cách chức chủ tịch LLC AOL ngay sau bản hợp đồng Google - YouTube, thừa nhận. Các đối thủ cạnh tranh như Lycos cũng ra mắt dịch vụ tải phim kết hợp giữa mạng xã hội và video trực tuyến. Trong khi đó, nhiều xưởng phim và hãng truyền hình cũng đưa chương trình của họ lên Net.

 

Bill Gates lui vào hậu trường 

 

Tuyên bố rút khỏi những công việc thường nhật tại Microsoft hồi tháng 6 của người giàu nhất hành tinh đã ấn định bước chuyển dịch lớn trong nội bộ tập đoàn. Dù vẫn giữ chức chủ tịch hãng, Gates sẽ dành thời gian nhiều hơn cho tổ chức từ thiện của mình. Trong suốt 25 năm qua, ông đã đưa Microsoft chinh phục thị trường máy tính cá nhân và Internet, dù hiện nay họ phải đối mặt với những đối thủ lớn như Google, Yahoo hay Apple. Thế giới đang chờ đợi liệu Bill Gates có thực hiện được điều tương tự trong công tác từ thiện như ông đã làm được ở thế giới điện toán, nơi 95% máy tính chạy trên hệ điều hành Windows.

 

Thỏa thuận lịch sử Microsoft - Novell 

 

Những sự kiện ồn ào trong làng công nghệ 2006 - 6

 Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer (phải) và Chủ tịch Novell Ron Hovsepian trong lễ ký kết ngày 2/11/06 tại San Francisco (Mỹ). Ảnh: Reuters.

 

Việc Microsoft bắt tay với nhà phân phối Linux Novell hồi tháng 11 đã gây xôn xao giới mã mở. Tập đoàn phần mềm Mỹ sẽ hỗ trợ việc kinh doanh Suse Linux, tăng khả năng tương thích giữa Linux và Windows và hứa hẹn không gây khó dễ cho người sử dụng và các nhà phát triển về những vấn đề liên quan đến bản quyền. Cộng đồng nguồn mở cũng trở nên sôi động trong tháng 10 khi Oracle quyết định hỗ trợ toàn phần cho Red Hat Linux. Dù Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft cho rằng họ không thực sự tự nguyện khi ký bản thỏa thuận, sự kiện này cũng cho thấy thực tế rõ ràng rằng không ai có thể bỏ qua mã nguồn mở.

 

Theo Hải Nguyên

VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm