Những nhầm tưởng phổ biến về các loài động vật (Phần 1)

(Dân trí) - Từ lâu nhiều người đã có những hiểu lầm về các loài động vật, tạo nên những quan niệm lệch lạc về thói quen và khả năng của chúng. Dưới đây là một vài hiểu lầm phổ biến về các loài động vật đã được khoa học chứng minh là không chính xác.

Lạc đà chứa nước trong bướu để sống sót trên sa mạc

Lạc đà có thể sống sót 7 ngày liền không cần uống nước, nhưng không phải nhờ vào lượng nước mà lạc đà lưu trữ trong cục bướu trên lưng của mình như nhiều người vẫn tưởng.

Trên thực tế lạc đà không bị mất nước nhờ vào tế bào máu hình bầu dục (oval), có thể di chuyển dễ dàng trong mạch máu cho dù cơ thể bị mất nước. Điều này khác với các loài động vật có vú khác khi có tế bào máu hình cầu. Ngoài ra, thận của lạc đà còn có khả năng đặc biệt để giúp loài vật này đi tiểu ít, giúp giữ nước trong cơ thể.

Bướu lạc đà dùng để chứa thức ăn, không phải chứa nước
Bướu lạc đà dùng để chứa thức ăn, không phải chứa nước

Trong khi đó, bướu của lạc đà không phải là bộ phận tích trữ nước như nhiều người vẫn nghĩ, mà đây là bộ phận để tích trữ chất béo (một lượng mỡ lớn), có khả năng cung cấp năng lượng cho lạc đà tương đương một lượng thực phẩm trong 3 tuần, giúp lạc đà có thể di chuyển trên sa mạc rộng lớn mà không cần ăn.

Thiên nga chỉ chung thủy “một vợ một chồng”

Nhiều người cho rằng thiên nga là một loài chung thủy, chỉ cặp đôi với một cá thể duy nhất. Trên thực tế, thiên nga cũng giống như nhiều loài động vật khác, có thể cặp đôi với nhiều cá thể khác nhau.

Thiên nga cũng có thể “ngoại tình” như nhiều loài động vật khác
Thiên nga cũng có thể “ngoại tình” như nhiều loài động vật khác

Một thí nghiệm di truyền được các nhà khoa học thực hiện cho thấy chỉ 5/6 thiên nga con được sinh ra nhờ vào mối quan hệ chính thức giữa các cặp đôi, trong khi đó những con thiên nga trong nghiên cứu cũng “lén lút” giao phối với những con thiên nga khác sau lưng đối tác của nó.

Ngoài thiên nga, tôm hùm cũng là loài động vật bị hiểu lầm về sự chung thủy của mình. Trên thực tế, tôm hùm không chỉ cặp đôi và giao phối với một đối tác duy nhất trong suốt cuộc đời của nó.

Đà điểu vùi đầu xuống cát khi hoảng sợ

Hành động đà điểu vùi đầu xuống cát vì hoảng sợ là không chính xác như nhiều người vẫn nghĩ, bởi lẽ điều này có thể khiến đà điểu bị ngạt thở và dễ dàng trở thành con mồi của các loài động vật ăn thịt.

Đà điểu không vùi đầu xuống đất, cát vì sợ, mà để nhặt sỏi và chăm sóc tổ
Đà điểu không vùi đầu xuống đất, cát vì sợ, mà để nhặt sỏi và chăm sóc tổ

Trên thực tế đà điểu đào hố trong đất để làm tổ và thường xuyên thò đầu xuống tổ để kiểm tra và đảo chiều những quả trứng nằm trong đó. Điều này khiến nhiều người khi nhìn thấy tưởng nhầm rằng đà điểu chui đầu xuống cát vì hoảng sợ. Bên cạnh đó, do đà điểu không có răng nên chúng phải nuốt sỏi để giúp cho việc nghiền thức ăn trong mề. Khi cúi xuống nuốt sỏi, nếu nhìn từ xa sẽ có cảm giác như chúng đang vùi đầu xuống cát.

Khi hoảng sợ, đà điều sẽ bỏ chạy và nhờ vào cặp chân lớn, nó có thể đạt được tốc độ tối đa gần 70km/h. 

Lợn có lối sống rất bẩn

Nhắc đến lợn, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến loài động vật bẩn, một phần vì môi trường sống của loài động vật này. Tuy nhiên trên thực tế, lợn là một loài động vật thích sạch sẽ.

Lợn có lối sống sạch sẽ hơn nhiều người vẫn tưởng
Lợn có lối sống sạch sẽ hơn nhiều người vẫn tưởng

Lợi có thói quen sinh hoạt như ăn uống, ngủ và chơi ở một khu vực nhất định, còn việc đi vệ sinh sẽ được thực hiện ở một khu vực nhất định. Điều này giúp lợn có thể giữ được vệ sinh trong cuộc sống. Đây là một bản năng của loài lợn và có thể thực hiện không cần huấn luyện. Khác hẳn nhiều loài động vật được xem là thông minh khác như chó...

Còn thói quen vùi mình vào bùn của lợn không phải là hành động làm bẩn mình, mà trên thực tế lợn không đổ mồ hôi như hầu hết các loài động vật có vú khác, do vậy lợn phải tìm cách làm mát cơ thể bằng cách vùi mình vào bùn. Bùn sẽ hấp thụ phần lớn nhiệt từ có thể lợn để làm mát loài động vật này.

Cá vàng chỉ có ký ức trong 3 giây

Hiểu nhầm này bắt nguồn từ việc cá vàng bơi quanh bể cá, chạm vào thành rồi bơi vòng lại phía sau rồi lại tiếp tục chạm vào thành bể cá. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng cá vàng chỉ có ký ức trong 3 giây và không nhớ được điều gì vừa diễn ra.

Cá vàng không “ngốc nghếch” như lầm tưởng lâu nay
Cá vàng không “ngốc nghếch” như lầm tưởng lâu nay

Trên thực tế, một con cá vàng có trí nhớ kéo dài nhiều tháng, chứ không phải chỉ trong 3 giây. Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Israel đã dành ra một tháng để huấn luyện những con cá vàng, kết hợp giữa một âm thanh đặc biệt với thời gian ăn. Sau đó thả chúng vào tự nhiên.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những con cá vàng được huấn luyện vẫn có thể phản ứng với âm thanh đặc biệt sau đó 5 tháng, cho thấy chúng vẫn nhớ được âm thanh đó và có phản ứng lại khi chuẩn bị được cho ăn.

T.Thủy