Nhân viên gửi "tâm thư" yêu cầu Amazon ngừng hợp tác với chính phủ
(Dân trí) - Nhân viên Amazon mới đây đã đồng loạt ký gửi một bức thư tới CEO Jeff Bezos hy vọng công ty sẽ ngừng bán phần mềm nhân diện khuôn mặt cho cơ quan thực thi pháp luật.
Ngày 21/6 vừa qua, nhiều nhân viên Amazon đã chung tay gửi một bức "tâm thư" tới CEO Jeff Bezos với mong muốn công ty ngừng cung cấp cơ sở hạ tầng cho Palantir, một công ty về bảo mật, chuyên xây dựng các công cụ nhận dạng để hỗ trợ cảnh sát trong quá trình điều tra tội phạm.
Theo tài liệu được gửi đi, họ cũng yêu cầu Amazon thực hiện các biện pháp minh bạch và có trách nhiệm giải trình cụ thể rằng các cơ quan thực thi pháp luật nào đang được quyền sử dụng công nghệ của công ty.
Tháng 5 năm ngoái, Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU ) từng báo cáo rằng Amazon đã chính thức bước vào thương vụ cung cấp cơ sở hạ tầng giám sát, và có bằng chứng từ các tài liệu của Amazon và Rekognition, tập trung vào việc bán phần mềm cho các bên chính phủ và cảnh sát.
Qua đó, Rekognition có thể sử dụng công trình trí tuệ nhân tạo của Amazon để xác định, theo dõi, phân tích tới hơn 100 khuôn mặt trong một bức hình duy nhất.
Bảo vệ cho quyền lợi của Rekognition, Tiến sĩ Matt Wood, Tổng giám đốc mảng Trí tuệ nhân tạo tại Amazon Web Servies nói rằng công nghệ này mang đến lợi ích cho xã hội bằng cách ngăn chặn nạn buôn người và lạm dụng trẻ em.
Tuy nhiên, thực hư của vấn đề này vẫn chưa được làm rõ, và các nhân viên tại Amazon hơn bao giờ hết đang vô cùng phẫn nộ khi biết rằng công trình "chất xám" của được bán cho chính phủ và sử dụng một cách không minh bạch.
Bức thư gửi cho CEO Amazon là một sự việc gần nhất trong chuỗi những "cuộc nổi dậy" đáng chú ý tại thung lũng Silicon.
Cách đây ít lâu tại Google, nhân viên không chỉ gửi đi một lá đơn yêu cầu ban lãnh đạo ngừng cung cấp các công cụ trí tuệ nhân tạo cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhằm phân tích các video quay từ drone, mà còn phát giác một vài email "bí mật" cho thấy tham vọng của Google trong việc hợp tác cùng với quân đội.
Cuối cùng, Google đã "xuống nước", đồng thời cam kết sẽ không hợp tác chế tạo bất kỳ loại vũ khí nào có ứng dụng công nghệ AI, cũng như sử dụng công nghệ này trong mục đích gây hại. Một trường hợp khác cũng được ghi nhận tại Microsoft, khi nhân viên kêu gọi ban lãnh đạo chấm dứt hợp đồng điện toán đám mây với Cơ quan Hải quân (ICE).
Có thể thấy rằng mặc dù với vị thế là những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng dù là Apple, Google hay Amazon cũng đều rất bình đẳng với quyền lợi của nhân viên. Bất kỳ ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, bởi họ đều là một phần "chất xám" cho những dự án, kế hoạch và thành tựu chung.
Nguyễn Nguyễn
Theo BI