Nhà mạng sẵn sàng mở kênh phân phối cho OTT
(Dân trí) - Nhìn nhận các dịch vụ cung cấp thoại, nhắn tin OTT như là một xu thế công nghệ tất yếu nhưng các nhà mạng vẫn cho rằng đây là vấn đề đau đầu đối với họ và khẳng định sẵn sàng bắt tay hợp tác và mở kênh phân phối cho các OTT.
Các nhà mạng mong muốn Bộ TT&TT sớm quản lý dịch vụ OTT.
Nhà mạng và OTT cần tìm tiếng nói chung
Trao đổi tại buổi Toạ đàm Triển vọng thị trường viễn thông Việt Nam 2014 trong khuôn khổ lễ trao giải 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2013 do Câu lạc bộ Nhà báo ICT Việt Nam bình chọn, đại diện 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel một lần nữa nhấn mạnh vào sự tác động của các dịch vụ OTT, như Viber, Zalo, Kakao Talk... đối với doanh thu của họ trong 1-2 năm nay.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, nhấn mạnh OTT đã được nói nhiều, và là vấn đề đau đầu với Cục Viễn thông cũng như các doanh nghiệp. Ông Chiến cho rằng OTT đang hoạt động không khác gì một nhà mạng (telco) khi cung cấp đầy đủ dịch vụ SMS, MMS, thậm chí cả tin nhắn thoại. Trong khi đó, về mặt luật pháp, ông Chiến nhấn mạnh, hiện tại chưa có quy định gì về giấy phép đối với OTT, và những dịch vụ này không phải tuân thủ theo một chế tài nào cũng chưa có đóng góp gì cho Nhà nước.
Đại diện MobiFone cho rằng Cục Viễn thông cần sớm có hướng dẫn cụ thể đối với kinh doanh OTT.
Tuy vậy, MobiFone cho biết vẫn nỗ lực để có tiếng nói chung với OTT và nhà mạng này đã có những cuộc gặp gỡ với Viber, Zalo để bàn cách hợp tác cùng có lợi nhưng cách tiếp cận của nhà mạng và OTT đang khác nhau. “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi đàm phán với các OTT để có tiếng nói chung. Muốn phát triển phải chung tay đóng góp chứ đang đứng ở 2 cực xa thế này thì không thể”, ông Chiến nhấn mạnh MobiFone sẵn sàng mở kênh phân phối giá trị gia tăng cho OTT. Ông Chiến cho rằng, sau công nghệ 3G là 4G, 5G nhưng nếu nhà mạng không có lợi nhuận sẽ không thể đầu tư tiếp cho công nghệ mới. Bản thân OTT cũng hiểu được điều này. Mong 2 bên cùng cởi mở để cùng có đóng góp nhất định để xã hội cùng phát triển.
Đại diện VinaPhone cũng chia sẻ về việc OTT đã tác động đến doanh thu của nhà mạng này trong 1-2 năm qua. VinaPhone cho rằng dịch vụ OTT đem lại cơ hội mới, bên cạnh tính ổn định và hơi cũ của mạng viễn thông, và chắc chắn phải có sự hợp tác giữa nhà mạng và OTT.
Cũng tương tự như MobiFone, VinaPhone cho biết đã đàm phán, tiếp xúc với khá nhiều OTT nhưng việc hợp tác chưa được như mong muốn. Thời gian tới khi các cơ quan quản lý Nhà nước có khung về quản lý, các OTT cũng có sự cạnh tranh, loại thải, thì giữa mạng viễn thông truyền thống và OTT sẽ có tiếng nói chung, nhằm mục đích cho khách hàng có sự trải nghiệm dựa trên sự ổn định của mạng viễn thông và sự phong phú của OTT.
Cũng tham gia buổi Toạ đàm, bà Phạm Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho rằng OTT là một xu thế và hãng sẽ đi cùng chứ không chống, quan điểm cộng sinh. Đại diện Viettel cho rằng OTT đã gây thiệt hại cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng đem lại sức ép về cách thức kinh doanh, cách đi trên thị trường. Dù vậy, nhà mạng này cho rằng để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, và để thị trường viễn thôngVN phát triển tốt hơn, Bộ TT&TT cần có cách quản lý đối với các OTT.
Không thể cấm dịch vụ tiên tiến như OTT
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết trong thời gian xây dựng chính sách quản lý OTT, Cục đã tìm hiểu kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới để xem các nước ứng xử với OTT thế nào. Theo đó, đã có những nước cấm OTT, kể cả 1 số nước khá tiên tiến, cấm bằng hình thức này hoặc khác. Nhưng cũng có những nước không hề quản lý OTT, coi là 1 dịch vụ giá trị gia tăng bình thường, không cần phải quản lý bằng các chính sách. Có những nước quản lý vĩ mô hơn (có cả nước tiên tiến).
Ông Hải nhấn mạnh, dịch vụ tiên tiến như OTT mang lại tiện ích, quyền lợi cho người tiêu dùng thì không thể cấm. Với đất nước như Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, khi OTT có ảnh hưởng ngày càng lớn tới thị trường viễn thông Việt Nam thì không thể buông lỏng. Quan trọng nhất là tạo sự hợp tác giữa các nhà mạng, hạ tầng mạng viễn thông và các nhà cung cấp ứng dụng như OTT - hợp tác từ 0% đến 100%.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết đến nay Cục chưa có áp đặt gì, định hướng gì cụ thể xem hợp tác thiên về nhà mạng hay doanh nghiệp OTT. Vì vậy, đã nhiều lần trao đổi với nhà mạng và OTT ngồi đàm phán đưa ra mô hình hợp tác. Trên cơ sở đó, Cục sẽ xem xét nên nhân rộng mô hình đó hay thế nào khác. Chính sách quản lý OTT hiện đang rất mở.
Ông Hải nói rõ mong muốn các nhà mạng và doanh nghiệp OTT tăng cường trao đổi thông tin để xem xét hình thức nào 2 bên cùng có lợi và đảm bảo quyền truy cập, sử dụng dịch vụ OTT của người sử dụng. Qua 1 thời gian chờ đợi phản ứng từ doanh nghiệp OTT và nhà mạng, Cục sẽ đề xuất một số định hướng, giải pháp về chính sách, sẽ lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và cộng đồng trước khi trình Bộ TT&TT ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Khôi Linh