Muôn vẻ tâm trạng thí sinh trước thử thách cuối cùng của Giải thưởng NTĐV 2018
(Dân trí) - Trước "giờ G", phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với một số thí sinh lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 thuộc nhóm CNTT, hầu hết đều rất hồi hộp. Buổi thi Chung khảo NTĐV 2018 sẽ bắt đầu vào sáng mai 18/11.
Do tính chất là một cuộc thi tầm cỡ, có tiếng vang và giá trị giải thưởng lớn, nên việc các thí sinh hồi hộp, lo lắng trước khi bước vào vòng Chung khảo của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 diễn ra trong ngày mai là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Lo lắng phần thi không được hoàn chỉnh do thời gian chuẩn bị "gấp gáp"
Anh Nghiêm Bá Huấn, trưởng nhóm Sản phẩm mạng phân phối và xử lý hình ảnh thông minh Trixabyte, cho biết nhóm đang gấp rút hoàn thiện và chuẩn bị những bước cuối cùng để chuẩn bị cho buổi thuyết trình ngày mai. Do thời gian từ khi được thông báo lọt vào Chung khảo cho tới khi chính thức diễn ra buổi thi chỉ vỏn vẹn hơn 1 tuần, nên theo anh đánh giá là rất "gấp gáp".
"Nhóm phải thuyết trình bằng slide kết hợp cùng trình diễn các giải pháp công nghệ nên khá lo lắng cho phần thuyết trình ngày mai. Bởi vậy, nhóm đã đã diễn tập nhiều lần để sắp xếp bố cục cho hợp lý, kịp thời gian", anh Huấn chia sẻ về công tác chuẩn bị trước buổi dự thi Chung khảo.
Được biết, bên cạnh phần thuyết trình giới thiệu về sản phẩm, các thí sinh có giải thưởng lọt vào Chung khảo sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi trước Hội đồng chấm thi, trong đó có nhiều ý kiến được đưa ra nhằm thử thách bản lĩnh, cũng như khả năng đối đáp của các tác giả.
Do đó, nếu không có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như tâm lý vững vàng, các thí sinh hoàn toàn có thể bị Hội đồng Giám khảo "làm khó", dẫn tới mắc phải sai sót trong phần trình bày hoặc bỏ quên những chi tiết quan trọng.
Anh Phạm Tuấn Anh, trưởng nhóm sản phẩm Thiết bị giám sát thời gian, tư thế và chống cận thông minh - Robot Captain-Eye thì đang bắt gặp một vấn đề khác, đó là phần demo giới thiệu về robot của nhóm.
"Nếu chỉ là thuyết trình phần mềm thì chỉ cần máy tính, máy chiếu hoặc một kết nối server thôi. Nhưng do sản phẩm của bọn mình có liên quan tới phần cứng nên sẽ cần chuẩn bị nhiều chi tiết khác như dây điện, nguồn,... Đôi khi chỉ là những sai sót nhỏ thôi nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của buổi thuyết trình sản phẩm."
Anh Tuấn Anh cũng tỏ ra khá lo lắng, không biết liệu nhóm có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ khác trong cùng nhóm Khởi nghiệp hay không?
Chia sẻ thêm, trưởng nhóm startup 8X đã có những đánh giá tổng quan về các đội dự thi năm nay, đó là nhìn chung có sản phẩm chất lượng rất tốt. "Một vài phần mềm của các đội thi năm nay của những tác giả còn rất trẻ, có lẽ chỉ là 9X, nhưng làm được những sản phẩm theo bản thân mình đánh giá là có chất lượng rất cao", anh Tuấn Anh cho biết. "Các đối thủ khác mới thật sự đáng lo ngại. Tuy nhiên phần nào là thế mạnh của mình thì mình phải cố gắng làm thật tốt thôi".
Anh Vũ Hoài Nam, đại diện của nhóm giải thưởng Trợ lý ảo thông minh trợ giúp sinh viên (PTIT-Chatbot) thuộc nhóm Giải thưởng CNTT Kết nối, di động, cũng chia sẻ do sản phẩm này rất được nhóm kỳ vọng, nên dẫn đến tâm lý hồi hộp và lo lắng không biết có nhận được giải hay không. Đặc biệt là khi các sản phẩm thuộc nhóm này luôn có tính cạnh tranh rất cao.
Nhiều thí sinh rất tự tin
Trái với tâm lý của phần đông thí sinh đó là rất hồi hộp, lo lắng cho phần thuyết trình và "bảo vệ" sản phẩm của mình trước Hội đồng Chung khảo, thì cũng có những đại diện cho thấy sự tự tin của mình. Đây hầu như là những người đã từng có kinh nghiệm tham gia Giải thưởng NTĐV, hay thậm chí từng đoạt giải.
Điển hình như anh Bùi Quốc Bảo, trưởng nhóm Giải pháp hành chính công VNPOST-PA, thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cho biết nhóm khá tự tin trước buổi thi Chung khảo ngày mai. "Dưới góc độ cá nhân thì mình đã tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt nhiều rồi, và với sản phẩm này thì mình rất tự tin, vì đã được triển khai rồi và cũng phù hợp với xu thế cải cách hiện nay, hướng tới Chính phủ kiến tạo", anh Bảo chia sẻ.
"Bên cạnh đó, nhóm cũng không đặt nặng vấn đề đạt giải, mà chỉ mong muốn tham gia cuộc thi nhằm có cơ hội truyền bá sản phẩm để xã hội biết thêm về một sản phẩm tiện ích về thủ tục hành chính công", anh cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, trưởng nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chuyển đổi văn bản tiếng Việt sang giọng nói tự nhiên Vbee cho biết nhóm đã chuẩn bị kỹ càng và cũng không quá lo lắng về buổi thuyết trình ngày mai. "Đến với một Giải thưởng lớn và tầm cỡ như thế này thì tất nhiên ai cũng mong muốn được giành giải càng cao càng tốt. Nhưng mình quan niệm là mọi thứ chỉ cần cố gắng hết sức và chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ thôi, nên cũng không quá lo lắng".
Là một trong những nhóm tác giả được kỳ vọng sẽ đoạt giải cao, cũng như đã chứng minh được giá trị của sản phẩm trước cuộc thi, anh Nguyễn Hữu Tuất, trưởng nhóm Ứng dụng hệ sinh thái gọi xe FastGo Việt Nam tỏ ra rất tự tin về sản phẩm của mình. "Sự thành công của mô hình mà FastGo theo đuổi đã được chứng minh bởi Uber và Grab, nên nhóm hoàn toàn tự tin sẽ thuyết phục được Hội đồng chấm thi".
Được biết, anh Nguyễn Hữu Tuất cũng từng đạt giải Nhì tại NTĐV 2016 với Sản phẩm Giải pháp thanh toán thẻ trên thiết bị di động MobilePOS.
Năm nay, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 có nét mới đó là tăng gấp đôi giá trị Giải thưởng từ 100 triệu đồng đối với Giải Nhất lên thành 200 triệu đồng. Các nhóm giải Nhì, giải Ba, cũng lần luợt được tăng thành 100 triệu đồng và 50 triệu đồng, kèm theo phần thưởng của các đơn vị tài trợ.
Buổi thi Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2018 sẽ chính thức diễn ra vào sáng mai (18/11) với sự tham gia của tất cả 20 nhóm tác giả thuộc lĩnh vực CNTT cùng với Hội đồng Giám khảo. Đây sẽ là màn "thử lửa" cuối cùng đối với các thí sinh, xem họ có đủ bản lĩnh và khả năng để bước lên bục vinh quang nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 hay không.
Hội đồng Giám khảo sau đó sẽ có phiên làm việc, thảo luận và bình chọn ra những sản phẩm xuất sắc, ấn tượng nhất. Kết quả sẽ được công bố vào đêm Trao giải Nhân tài Đất Việt diễn ra vào tối 20/11, trùng với ngày Kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam.
Nguyễn Nguyễn