Mưa sao băng Orionids sẽ đạt cực điểm vào rạng sáng ngày 21/10

(Dân trí) - Bắt đầu từ ngày 20/10, mọi địa phương ở Việt Nam đều có thể quan sát được mưa sao băng Orionids, nhưng điều kiện quan sát và thời tiết ở mỗi nơi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc quan sát được các sao băng nhiều hay ít.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Chọn hướng đông - đông nam để ngắm mưa sao băng

Các sao băng của trận mưa sao băng Orionids này có thể quan sát từ ngày 2/10 tới 7/11 và đạt cực điểm vào khoảng thời gian sau nửa đêm tới rạng sáng ngày 21/10 năm nay với tần suất trong điều kiện tối ưu ZHR khoảng 25 vệt sao băng/h (Theo dự báo của Tổ chức Sao băng quốc tế IMO). Tuy vậy thời gian tương ứng ngày 20 và 22/10 chúng ta cũng có thể quan sát trận mưa sao này.

Theo anh Đặng Tuấn Duy - chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM (HAAC): "Các vệt sao băng có vẻ như cùng xuất phát từ một vùng thuộc phía bắc ngôi sao Betelgeuse (tâm điểm xuất phát của trận mưa sao), ngôi sao sáng thứ 2 với màu đỏ đặc trưng trong chòm sao Orion, chòm sao chìa khoá của mùa đông. Người quan sát nên chọn vùng quan sát trống hướng đông- đông nam, thời điểm quan sát tốt nhất là từ sau nửa đêm tới rạng sáng 21/10 khi tâm điểm dần lên cao.

Nếu điều kiện thời tiết tốt và ở nơi trời thật tối, những người ngắm sao sẽ có thể chiêm ngưỡng khoảng 15-25 vệt sao băng trong một giờ. Tỷ lệ này sẽ giảm đi đáng kể ở các khu vực đô thị hoặc ngoại ô, nơi có ô nhiễm sáng và bụi."

Năm nay, ánh sáng trăng không ảnh hưởng tới khả năng quan sát trận mưa sao này. Ngoài ra, trận mưa sao này dù không phải lớn nhất (thực chất chỉ là một trận mưa sao trung bình) nhưng luôn là một trong những trận mưa sao rất đẹp trong năm. Bởi vì trận mưa sao băng này được tô điểm bởi các chòm sao rất dễ nhận biết (Taurus, Gemini, Auriga và nhất là Orion), các ngôi sao rất sáng và Mộc tinh trên bầu trời trước bình minh. 

Thực tế, tâm điểm xuất phát của các sao băng trong trận mưa này nằm lọt trong lục giác nổi tiếng của mùa đông, gần kề đó là Mộc tinh  và ngôi sao Sirius rất sáng dần mọc lên ở chân trời đông từ sau 0h, tạo nên một vùng trời rực rỡ rất dễ nhận biết và quan sát.

Di sản của sao chổi Halley

Trong khi nghiên cứu nhiều vị trí của các trận mưa sao băng, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra rằng chúng có quan hệ chặt chẽ với quỹ đạo của các sao chổi hoặc tiểu hành tinh mà ta đã biết. Mưa sao băng Orionids được cho rằng là “di sản” để lại sao chổi Halley. Sao chổi Halley để lại các đám mây bụi của trên quỹ đạo quanh Mặt trời của nó, và đá bụi trong đám bụi này đi vào bầu khí quyển của Trái đất với tốc độ rất cao khi hành tinh chúng ta di chuyển qua nó trên quỹ đạo quanh Mặt trời của mình, bị bốc cháy và tạo nên trận mưa sao băng này hàng năm.

Có 2 điểm trên quỹ đạo của sao chổi Halley có vị trí khá gần với quỹ đạo của Trái đất xung quanh Mặt trời. Một điểm là vào khoảng đầu tháng 5, và khi đó nó tạo ra trận mưa sao băng Eta Aquariids. Điểm còn lại là vào thời gian nửa cuối tháng 10 và tạo ra cơn mưa sao băng với tên gọi Orionids này.

Mưa sao băng Orionids có tốc độ khá lớn: khoảng 66km/giây, chỉ chậm hơn các vệt sao băng trong trận mưa sao băng Leonids vào tháng 11 mà thôi.

Một điều khác biệt nữa của 2 trận mưa sao băng Orionids và Eta Aquariids so với các trận mưa sao băng khác là chúng bắt đầu bốc cháy ở tầng cao của khí quyển. Điều này có thể được giải thích là do chúng được cấu tạo bởi các vật liệu nhẹ, có nghĩa rằng chúng chắc chắn sinh ra từ lớp khuyếch tán bên ngoài của sao chổi Halley chứ không phải từ nhân của nó.

Những lưu ý trước khi ngắm mưa sao băng

Để ngắm trận mưa sao băng năm nay, bạn đọc chỉ cần dùng mắt thường đã có thể quan sát được, nên quan sát sau nửa đêm tới sáng vì khi đó bạn sẽ thấy nhiều sao băng hơn. Bạn hãy nhìn bao quát cả vùng trời xung quanh tâm điểm của sao băng. Đối với trận mưa sao băng Orionids này, đó là vùng trời phía đông nam (lúc rạng sáng) lên đến đỉnh đầu (khi quan sát vào rạng sáng) với rất nhiều sao sáng tạo nên lục giác mùa đông chứa tâm điểm của trận mưa sao. Mưa sao băng không có nghĩa là "sao bay như mưa", mà chúng xuất hiện cách nhau 1 đến vài phút. Đôi khi bầu trời sẽ "lặng thinh" một lúc rất lâu, nhưng có lúc xuất hiện liên tục 2-3 sao băng.

Tránh nhìn ánh sáng trực tiếp ít nhất 20 phút trước khi bắt đầu quan sát để mắt có thời gian thích ứng với bóng tối. Ở vùng quê ít bị ô nhiễm ánh sáng, bạn có thể thấy được nhiều sao băng hơn ở thành phố. Lưu ý trời phải quang mây và có thể thấy rõ các ngôi sao bình thường thì mới có thể thấy được sao băng.

Ngoài ra, quan sát sao băng kéo dài cả đêm, do đó cần mặc áo ấm và đội mũ để tránh sương. Nếu trời có mây nhiều và mưa thì không nên tiếp tục quan sát để giữ gìn sức khỏe.

Quốc Phan
Theo HAAC