Mặt trái của những nội dung “cây nhà lá vườn”

(Dân trí)-Các nội dung “tự chế”, như video clip, ảnh hay bình phẩm (comment)... đang ngập tràn trên các trang web giải trí, mạng xã hội YouTube, Flickr... Chúng đã mang lại một khoản tiền kếch xù cho các nhà sáng lập. Tuy nhiên, sự lỏng lẻo trong quản lý tiềm ẩn nhiều điều đáng lo ngại.

Mặt trái của những nội dung “cây nhà lá vườn” - 1


Không phải là thuật ngữ mỹ miều nhất nhưng “nội dung cây nhà lá vườn” là những gì đẹp đẽ nhất mà cư dân mạng nói về những hình ảnh, video clip hay các bình luận (comment) trên Flickr, YouTube và blog, Twitter, Yelp hay Amazon.

 

Có vẻ như kinh doanh trên các nội dung “tự chế” là ý tưởng rất thức thời, và rất nhiều công ty đã bỏ túi một khoản tiền không nhỏ từ những gì được gọi là bột phát của người dùng Internet. Những nội dung này thường rẻ hơn những nội dung của các công ty chuyên nghiệp tạo ra. Và rất nhiều người ngày càng quan tâm tới những nội dung do chính họ tạo ra chứ không còn để ý đến những sản phẩm thu phí đắt đỏ.

 

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất là những nội dung “cây nhà lá vườn” này là không có sự kiểm soát chặt chẽ. Rắc rối từ trào lưu chơi “hàng” tự chế này có muôn hình muôn vẻ. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều cuộc đấu khẩu giữa các công ty sản xuất nội dung khi phát hiện website chia sẻ video YouTube liên tục đăng tải những clip vi phạm bản quyền.

 

Rắc rối từ những phản hồi xấu

 

Điển hình nhất từ những hệ lụy của các sản phẩm “cây nhà lá vườn” là hai vụ kiện của Amazon và Yelp. Yelp - dịch vụ cho phép người sử dụng đưa ra ý kiến đánh giá về các nhà hàng - liên tiếp nhận đơn kiện từ các đơn vị kinh doanh vì bị cho rằng đã đưa ra những nhận xét tiêu cực về công ty hay các cửa hàng bán lẻ sau khi những doanh nghiệp này từ chối quảng cáo dịch vụ trên Yelp. Dịch vụ này ngay lập tức phản hồi rằng đó là những đánh giá của người dùng, và việc đăng tải các ý kiến khách quan là chức năng của Yelp.

 

Cũng tương tự, gần đây Amazon đã bị chỉ trích vì đăng những đánh giá về sách của những người chưa hề đọc những cuốn sách đó. Có những người “nhanh nhảu” bình phẩm về những cuốn sách chưa được tung ra thị trường. “Thật là kỳ lạ khi người ta có thể đăng những đánh giá tốt/xấu về một cuốn sách trước khi nó được ra mắt”, Barry Ritholtz - một nhà chiến lược marketing - thẳng thắn. “Amazon cần phải thay đổi cơ chế quản lý của mình và xóa những nhận xét không trung thực về các cuốn sách”.

 

Dư luận đang rất bất bình khi Amazon đăng một loạt đánh giá xấu của bạn đọc về cuốn truyện bán rất chạy: “The Big Short: Inside the Doomsday Machine” của tác giả Michael Lewis. Vụ lùm xùm này được xem như là đòn trả đũa của Amazon với hãng phát hành sách vì không ra phiên bản kỹ thuật số cho sách điện tử Kindle của hãng.

 

Tình trạng này xuất hiện khá thường xuyên. Mục đích của những “phát ngôn” không chính xác này không thể hiện rõ ràng vì nhưng trong vụ Lewis, phản hồi chỉ trích nhà phát hành nhưng người bị ảnh hưởng lại chính là tác giả của chính cuốn sách đó.

 

Hậu quả từ những việc “mở cửa” cho những ý kiến phản hồi trên Amazon, Yelp, Facebook, YouTube và Twitter... đã đẩy nhiều người rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, tình hình kinh doanh trở nên thất bát. Tuy nhiên, nếu không có người sử dụng và những phản hồi của chính họ thì rất nhiều công ty không có chút tiếng tăm nào, hay thậm chí là không tồn tại. Và, dù tốt hay xấu, rất nhiều hãng Internet đã “kết duyên” với người dùng của mình. Ly dị không phải là sự lựa chọn của họ.

 

T.Vũ

Theo BusinessWeek

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm